QUỐC HỘI KHÓA XIV: XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỢP LÒNG DÂN

26/03/2021

Tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã có những chính sách đó hợp với lòng dân và được người dân, doanh nghiệp đón nhận, thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Tại phiên thảo luận, các ý kiến phát biểu đều khẳng định, Quốc hội Khóa XIV đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Nhấn mạnh về những những dấu ấn tốt đẹp của nhiệm kỳ Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu rõ, nhiệm kỳ Khóa XIV có nhiều đổi mới, hoạt động vì dân, thể hiện trên các mặt công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, Quốc hội rất coi trọng công tác lập pháp, với 72 luật, 18 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 pháp lệnh, 23 nghị quyết, là khối lượng công việc rất lớn để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; kịp thời phê duyệt nhiều hiệp định thương mại quốc tế, tạo môi trường thuận lợi, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thể hiện ước nguyện của Nhân dân, của dân tộc; động viên các nguồn lực, đưa đất nước hội nhập, phát triển, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Quốc hội luôn đổi mới, cải tiến các hoạt động giám sát, đặc biệt là 7 chuyên đề giám sát của Quốc hội, là những nội dung có liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Phương pháp giám sát bài bản, căn cơ, không những giải quyết những bức xúc trước mắt mà còn tìm ra nguyên nhân để đưa ra biện pháp lâu dài; vừa hoàn thiện thể chế, chính sách, rõ trách nhiệm để thúc đẩy giải quyết các vấn đề qua giám sát.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, một số công trình trọng điểm quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số, chính sách tài khóa, tiền tệ, quy định trần nợ công, lạm phát, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thành khung pháp lý đầu tư công - tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát huy các hình thức đầu tư... Những quyết sách này cùng với những nhiệm vụ “thể chế, thể chế và thể chế” đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế, hạn chế tác động tiêu cực… Các đại biểu nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là những chính sách đó hợp với lòng dân và được người dân, doanh nghiệp đón nhận, thực hiện./.

 

Thu Phương