
Quốc hội nghe báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội
Qua 5 năm hoạt động có thể thấy, mô hình tổ chức của Quốc hội khoá XIV tiếp tục kế thừa Quốc hội khóa XIII, phát huy tốt vai trò của từng cơ quan trong bộ máy của Quốc hội, đáp ứng kịp thời yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Phương thức hoạt động cũng tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt hơn trước những vấn đề thực tiễn đặt ra trong nhiệm kỳ, nhất là vào những thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội được đánh giá sôi nổi, thực chất và có hiệu lực, hiệu quả, đạt được kết quả tích cực, toàn diện, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong nhiệm kỳ.
Khẳng định bản lĩnh, vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân
Các đại biểu Quốc hội được bầu từ đầu nhiệm kỳ đã cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định; trong đó, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu là phụ nữ, đại biểu có trình độ từ đại học trở lên đều tăng.
Trong suốt nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia và thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Từng đại biểu đã chủ động hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, thể hiện ở việc thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp công dân; bám sát thực tiễn, phát hiện nhiều vấn đề cấp thiết và bức xúc trong đời sống xã hội để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan; đẩy mạnh thực hiện quyền giám sát, nâng cao chất lượng giám sát, đi vào chiều sâu, đến cùng của vấn đề. Tại các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến, thẳng thắn, công tâm, cân nhắc thận trọng, phát huy cao trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân trong thảo luận, quyết định các nội dung quan trọng liên quan đến chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề trọng đại của đất nước.
Hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội. Đại biểu chuyên trách trung ương thực sự là hạt nhân, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.
Tuy vậy, cơ cấu đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu ngoài đảng, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu là nhân sỹ, trí thức, các nhà khoa học tiêu biểu vẫn chưa đạt so với yêu cầu đặt ra; hoạt động của một số đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu kiêm nhiệm còn có khó khăn về thời gian cũng như điều kiện bảo đảm khác để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Do thiếu kỹ năng nên có đại biểu còn lúng túng trong hoạt động lập pháp, giám sát; chưa chủ động đề xuất nội dung giám sát, đưa ra sáng kiến lập pháp hoặc tự giám sát những vấn đề mình quan tâm...
Đã có sự kế thừa, hoàn thiện và đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan của Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tiếp tục kế thừa về cơ cấu tổ chức của khóa XIII. Với vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Quốc hội triển khai hiệu quả các công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng, tập trung đổi mới, cải tiến về phương thức hoạt động, hoàn thành lớn khối lượng công việc theo quy định của pháp luật. Trong đó, luôn đề cao tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số, tăng cường phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan. Các thành viên được phân công, phân nhiệm rõ ràng, chủ động triển khai nhiệm vụ, tăng cường phối hợp. Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội thường xuyên họp giao ban, làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, dành thời gian thỏa đáng làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm tình hình thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết và việc chuẩn bị các nội dung công việc, từ đó, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo để các cơ quan triển khai thực hiện. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa khoa học, hợp lý hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng như giám sát, hướng dẫn có hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực chỉ đạo nghiên cứu, phát huy tính sáng tạo nhằm đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành phiên họp, linh hoạt trong tổ chức thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế, đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hoạt động tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề trọng tâm cần xem xét. Việc biểu quyết các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền được tiến hành công khai, minh bạch, bảo đảm dân chủ, khách quan. Nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành kịp thời, làm căn cứ quan trọng để các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện.
Hội đồng Dân tộc và 09 Ủy ban của Quốc hội khóa XIV tiếp tục có sự kế thừa và hoàn thiện hơn theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; nhiều đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có trình độ chuyên môn cao. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của các khóa trước, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, huy động được trí tuệ tập thể, tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng chức trách, nhiệm vụ được giao; thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung theo quy định. Các báo cáo thẩm tra đã thể hiện rõ chính kiến, mang tính phản biện sâu sắc, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất được nhiều phương án xử lý. Hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình được đẩy mạnh, tập trung vào những vấn đề mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm. Hội đồng, các Ủy ban cũng đã tích cực triển khai hoạt động đối ngoại, tham gia có hiệu quả các hoạt động đối ngoại được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.
Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban còn có những hạn chế nhất định. Số lượng thành viên kiêm nhiệm trong Hội đồng Dân tộc, Ủy ban còn cao, trong đó nhiều người giữ chức vụ chủ chốt ở các bộ, ngành, địa phương nên một số hoạt động của Ủy ban chưa có sự tham gia đầy đủ của các thành viên; đồng thời có Ủy ban có số lượng thành viên của một ngành quá nhiều, cũng làm ảnh hưởng tới tính khách quan, độc lập trong hoạt động thẩm tra của Ủy ban đối với văn bản do ngành đó soạn thảo. Việc các cơ quan hữu quan chậm gửi tài liệu trước các phiên họp toàn thể cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng phiên họp của Hội đồng, Ủy ban.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội, tiếp tục phát huy kinh nghiệm, mô hình hoạt động trong nhiệm kỳ trước, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đề cao vai trò của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng đoàn hoạt động chuyên trách để cùng với tập thể Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình hoạt động, các Đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động một cách phù hợp, thực hiện tốt công tác phối hợp tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tuy nhiên, hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng còn một số khó khăn, hạn chế; hiệu quả hoạt động giám sát, tính pháp lý của các kiến nghị sau giám sát của Đoàn còn hạn chế; cơ cấu của Đoàn đa số là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, số lượng đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương giảm so với đầu nhiệm kỳ phần nào cũng ảnh hưởng tới việc triển khai hoạt động của một số Đoàn đại biểu Quốc hội. Bộ phận tham mưu, giúp việc cho Đoàn còn thiếu về số lượng, thiếu ổn định về mô hình tổ chức, công tác tham mưu, phục vụ trong một số trường hợp chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Đoàn.
Thực tiễn tiếp tục đặt ra yêu cầu về đổi mới mới nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và các cơ quan của Quốc hội
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ hoạt động trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong nhiệm kỳ tới là rất nặng nề.
Trên cơ sở kết quả hoạt động cùng những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu, giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, tăng tỷ lệ đại biểu có trình độ, năng lực, kỹ năng và điều kiện hoạt động Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy trách nhiệm, chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội; tăng cường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan; đầu tư nghiên cứu sâu, chuẩn bị ý kiến có chất lượng, chính kiến rõ ràng; tích cực tham gia đóng góp các ý kiến vào các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chế độ và các điều kiện bảo đảm để đại biểu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu. Có cơ chế thích hợp để đánh giá kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu, làm cơ sở để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu; xem xét ban hành quy định về trình tự, thủ tục việc cử tri thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
Có giải pháp bảo đảm số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách theo quy định (ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội), tạo lực lượng nòng cốt trong triển khai các hoạt động của Quốc hội, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành phiên họp, chỉ đạo kiên quyết trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ và thời gian gửi tài liệu các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc; tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với Thường trực Hội đồng, các Ủy ban để nắm tình hình, kịp thời có phương án phù hợp giải quyết các vấn đề đặt ra. Tổng Thư ký Quốc hội và Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ hơn trong việc dự kiến chương trình kỳ họp, phiên họp và chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, cần tăng cường phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với nhau và với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hữu quan./.