
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11
Trên tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm, trí tuệ, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp thứ 9 thành 2 đợt kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, bảo đảm chất lượng. 11 kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã diễn ra dân chủ, công khai, có nhiều cải tiến, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Kỳ họp vừa là nơi các đạo luật, quyết sách quan trọng được xem xét, quyết định kỹ lưỡng, thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời là nơi phản chiếu đầy đủ, sát thực, rõ nét đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và là nơi hội tụ, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích Nhân dân, quốc gia, dân tộc.
Công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp luôn được chú trọng với tinh thần quyết tâm cao, đặc biệt đã thể hiện rõ nét vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chuẩn bị và chủ trì kỳ họp, tạo nên những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi kỳ họp. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã nêu cao trách nhiệm, chủ động, linh hoạt trong cách thức làm việc, nỗ lực thực hiện việc cải tiến, đổi mới, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội. Chương trình kỳ họp được chuẩn bị công phu, bố trí khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, tính chất, yêu cầu của từng nội dung, có những cải tiến thiết thực, linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết, bảo đảm giải quyết khối lượng lớn công việc, tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát “hơi thở” của cuộc sống để chuyển tải vào chương trình nghị sự; chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ vào các nội dung Quốc hội xem xét, quyết định.
Nhiều thủ tục làm việc tại kỳ họp được cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”. Trong đó, việc giải trình trực tiếp tại các phiên họp , đăng ký tranh luận, “hỏi nhanh, đáp gọn”,… lần đầu tiên được triển khai trong nhiệm kỳ và ngày càng hoàn thiện hơn qua các kỳ họp đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, bảo đảm quyết định của Quốc hội được xem xét dân chủ, công khai, toàn diện, nhiều chiều, bám sát thực tiễn, có tính khả thi. Việc gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các vấn đề có ý kiến khác nhau bằng phiếu giấy đã được thay thế bằng hệ thống điện tử, mang lại sự nhanh chóng, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Việc ban hành Nghị quyết kỳ họp là điểm mới góp phần nâng cao tính pháp lý của nhiều nội dung đã được Quốc hội xem xét, quyết định, kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết một số vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra.
Công tác điều hành phiên họp khoa học, chủ động, bảo đảm nguyên tắc, quy định, nhưng vẫn linh hoạt, phát huy được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, của các cơ quan trình, thẩm tra, người trả lời chất vấn. Chủ tọa điều hành thể hiện được bản lĩnh, khách quan, uyển chuyển, hướng nội dung đi đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo được không khí dân chủ song vẫn có sự nghiêm túc, kỷ luật, bảo đảm sự hài hòa giữa thảo luận và tranh luận, nhất là đối với các nội dung có nhiều đại biểu đăng ký; kết luận về nội dung thảo luận ngắn gọn, súc tích, bao quát toàn diện, đầy đủ những vấn đề được nêu tại phiên họp.
Mặc dù đã có những cải tiến, nhưng nhìn chung, vẫn chưa có sự thay đổi lớn trong phương thức họp Quốc hội để có thể rút ngắn hơn nữa thời gian họp toàn thể mà vẫn bảo đảm yêu cầu, chất lượng, hiệu quả. Khối lượng công việc tập trung tại các kỳ họp lớn, gây sức ép cho công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp. Một số phiên thảo luận tại Tổ còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Việc bố trí thảo luận tại Hội trường đối với một số nội dung còn chưa hợp lý; nhiều trường hợp đại biểu chủ yếu cho ý kiến về vấn đề kỹ thuật hơn là tập trung vào những vấn đề chính sách lớn của dự án, dự thảo; quyền tranh luận chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ, nên có lúc còn bị lạm dụng. Một số dự án luật trình lần đầu có chất lượng chưa tốt, ảnh hưởng đến việc xem xét, cho ý kiến của Quốc hội; có ý kiến chưa được tiếp thu, giải trình đầy đủ. Tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu chưa được khắc phục triệt để; đại biểu hoạt động kiêm nhiệm còn gặp khó khăn trong việc bố trí thời gian tham gia đầy đủ các phiên họp…
Trên cơ sở kết quả hoạt động cùng những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp; cần có phương thức họp Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi hơn để đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu kiêm nhiệm có thể tham gia thảo luận, tranh luận, cho ý kiến, biểu quyết, thông qua; tiếp tục tổ chức kỳ họp thành các đợt họp căn cứ yêu cầu, tình hình thực tế; nghiên cứu nâng cao chất lượng thảo luận tại Tổ; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy trình, thủ tục làm việc tại kỳ họp; khắc phục hiệu quả việc gửi tài liệu chậm.
Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện Quốc hội điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao; mặt khác, tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội. Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, đối thoại để tăng cường trách nhiệm giải trình, giải quyết đến cùng các vấn đề trong các hoạt động của Quốc hội./.