ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, THỐNG NHẤT LỰC LƯỢNG, TIÊU CHUẨN, CHỨC DANH, CỦA LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

30/10/2020

Trong Hồ sơ dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết đã tiến hành đánh giá tác động đối với chính sách sắp xếp, bố trí thống nhất lực lượng, tiêu chuẩn, chức danh, quản lý hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

 

Đại diện cơ quan soạn thảo báo cáo một số nội dung

Về xác định vấn đề bất cập cần giải quyết, đại diện cơ quan soạn thảo – Bộ Công an cho biết, việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không đồng bộ, thống nhất (bảo vệ dân phố được bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư tương đương; Công an xã bán chuyên trách được bố trí theo mô hình dân phòng). Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng, từ đó dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn. Về tiêu chuẩn, chức danh, quản lý hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, lực lượng Công an xã bán chuyên trách mặc dù đã có những cố gắng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được điều chỉnh đồng bộ, thống nhất.

Về mục tiêu giải quyết vấn đề, cơ quan soạn thảo chỉ ra rằng, tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã để tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 và sắp xếp, bố trí thống nhất lực lượng này cùng với lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua đó, bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn. Kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng để có điều kiện tập trung bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn; xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; khắc phục thực trạng hiện nay là có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính.

Đồng thời, thay đổi sự nhìn nhận, đánh giá của người dân về vị trí, vai trò của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tích cực. Khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay khi người dân rất khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, địa bàn, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Góp phần giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách nhà nước; theo đó, dự kiến Luật điều chỉnh theo hướng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, giữ vai trò làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân quan trọng để đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản về an ninh, trật tự ở cộng đồng dân cư. Xác định cụ thể tiêu chuẩn, chức danh, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Xây dựng, củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong sạch, vững mạnh để lực lượng này thực hiện tốt chức năng thi hành pháp luật về an ninh, trật tự và thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở.

Trên cơ sở phân tích vấn đề, cơ quan soạn thảo đã đề xuất các giải pháp để thực hiện chính sách này như sau:

Giải pháp 1, Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành về bố trí lực lượng, tiêu chuẩn, chức danh, quản lý hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Giải pháp 2, Quy định trong Thông tư của Bộ trưởng trên cơ sở căn cứ thực tiễn công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở để bố trí, sắp xếp lực lượng, quy định tiêu chuẩn, chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm điều chỉnh kịp thời, linh hoạt phù hợp với thực tiễn mà không cần phải quy định trong văn bản luật.

Giải pháp 3, Quy định theo hướng điều chỉnh sắp xếp, bố trí thống nhất lực lượng, tiêu chuẩn, chức danh, quản lý hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong văn bản luật, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở./.

Hồ Hương