THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 CỦA QUỐC HỘI: ĐỔI MỚI ĐÃ ĐI ĐÚNG HƯỚNG

30/10/2020

Từ ngày 6/11 tới đây, trong đợt 2 của Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV sẽ dành hai ngày rưỡi để tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Vậy trong cả nhiệm kỳ qua, các bộ trưởng, trưởng ngành đã thực hiện những cam kết, lời hứa của mình trước Quốc hội như thế nào? Báo Đại biểu Nhân dân mở chuyên mục: "Lời hứa và Hành động".

 

Nhìn lại 6 năm triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Đổi mới giáo dục là một quá trình lâu dài, đặc biệt với một chủ trương lớn như Nghị quyết 88 thì qua 6 năm chưa thể có nhiều kết quả ngay. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được có thể thấy, ngành giáo dục đã đi đúng hướng, đúng tinh thần của nghị quyết.

Tạo động lực cho đội ngũ giáo viên

- Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục đã có 6 năm triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Năm nay là năm học đầu tiên chương trình chính thức đi vào triển khai đối với lớp 1. Bộ trưởng có thể cho biết những việc đã làm được trong triển khai Nghị quyết này?

- Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) là một chủ trương lớn nhằm hiện thực hóa đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT và các đề án có liên quan bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới.

Năm 2018, chương trình GDPT tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục chính thức được ban hành. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chương trình GDPT hoàn chỉnh được ban hành trước khi tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Chương trình GDPT tổng thể, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được ban hành theo định hướng, mục tiêu đổi mới của Nghị quyết 88, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất giữa các môn học, các khối lớp, các cấp học từ tiểu học đến THPT với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được.

Để xây dựng chương trình này, Bộ GD - ĐT đã huy động sự tham gia của đội ngũ nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giỏi, trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu chương trình GDPT hiện hành cũng như có sự tham khảo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Triển khai Nghị quyết 88, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước được thẩm định, phê duyệt và đưa vào sử dụng cho năm học 2020 - 2021. Lần đầu tiên Việt Nam có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một khung chương trình GDPT thống nhất. Tất cả các đầu sách giáo khoa được phê duyệt đều được các trường lựa chọn. Điều này bước đầu thấy công tác xã hội hóa sách giáo khoa đã phát huy tác dụng tích cực.

Song song với xây dựng chương trình và sách giáo khoa, Bộ GD - ĐT cũng đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình GDPT mới. Về cơ bản, các điều kiện này đã đáp ứng được yêu cầu triển khai đối với lớp 1.

- Bộ trưởng khẳng định rằng “đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định thành công của đổi mới”. Vậy, yếu tố quyết định này đã được quan tâm chuẩn bị như thế nào để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này, thưa Bộ trưởng?

- Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình GDPT mới. Đến nay, đã hoàn thành bồi dưỡng cho gần 45.000 cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán. Các địa phương đã tổ chức tập huấn đại trà cho 100% giáo viên dạy lớp 1, cán bộ quản lý và tổ trưởng chuyên môn các trường tiểu học.

Bộ GD - ĐT cũng đã ban hành công văn đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức thì cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Để giải quyết bài toán lâu dài, Bộ GD - ĐT đã xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu về đội ngũ toàn ngành, góp phần quan trọng để xác định đúng thực trạng thừa, thiếu giáo viên theo môn học, cấp học, từ đó có các giải pháp kịp thời, phù hợp; đồng thời chỉ đạo các trường sư phạm phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu giáo viên theo từng môn học, cấp học theo lộ trình triển khai chương trình GDPT mới để gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng.

Giảm áp lực, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên thông qua ban hành, điều chỉnh các chính sách cũng là một trong những việc đã được Bộ GD - ĐT nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Nếu trước đây, giáo viên chịu áp lực lớn về sổ sách, hành chính thì nay áp lực này đã giảm rất nhiều. Trong 2 thông tư mới nhất ban hành Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, quy định về số lượng sổ sách đã giảm tới 3/4 so với quy định cũ. Nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với đội ngũ giáo viên cũng đã được thực hiện.

Hiện nay, thực hiện lộ trình xây dựng chính sách tiền lương mới theo nhiệm vụ Ban chỉ đạo của Chính phủ giao, Bộ GD - ĐT đã xây dựng và đề xuất chế độ lương, phụ cấp đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (gửi Bộ Nội vụ tổng hợp) với tinh thần, lương mới được trả theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và sẽ không thấp hơn lương hiện hưởng, bảo đảm đời sống tối thiểu cho giáo viên.

Hội đủ niềm tin và quyết tâm, đổi mới sẽ thành công

- Nhìn lại 6 năm triển khai Nghị quyết 88, theo Bộ trưởng, đâu là những khó khăn mà ngành giáo dục đã phải nỗ lực vượt qua?

- Đổi mới luôn song hành với khó khăn, bởi để thay thế cho những việc cũ, những thói quen cũ luôn cần thời gian và quyết tâm rất lớn. Đổi mới giáo dục càng khó khăn hơn vì tác động tới mọi người, mọi nhà, trong đó sự kỳ vọng nhiều khi cao hơn điều kiện thực tế của xã hội.

Thực tế là chúng ta đổi mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên được đào tạo ở nhiều giai đoạn khác nhau, giảng dạy trong những điều kiện khác nhau nên không tránh khỏi có sự chênh lệch về chất lượng; chưa nói tới việc chúng ta còn thiếu nhiều giáo viên để triển khai đổi mới ở bậc tiểu học. Cơ sở vật chất trường lớp những năm qua đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với dạy và học, nhất là ở những địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thời gian qua, với quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của từng địa phương, các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới đã được chuẩn bị tích cực, bảo đảm cho việc triển khai đối với lớp 1. Tuy nhiên, ở những năm tiếp theo để bảo đảm được các điều kiện thực hiện, sẽ cần sự đầu tư và quyết tâm hơn nữa, đặc biệt từ phía các địa phương.

Tại các cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương gần đây, Bộ GD - ĐT đã đề nghị địa phương quan tâm xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên và đề án đầu tư cơ sở vật chất cho giai đoạn 5 năm tới, từ đó nhìn nhận được hiện trạng về đội ngũ, về cơ sở vật chất và có kế hoạch tháo gỡ dần qua từng năm. Có như vậy mới tháo gỡ được “nút thắt” cho đổi mới giáo dục.

- Việc triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã đi qua chặng đường 6 năm, còn cần thêm ít nhất khoảng thời gian như thế nữa mới đánh giá được kết quả. Bộ trưởng có tin tưởng vào thành công của lần đổi mới này?

- Đổi mới giáo dục là một quá trình lâu dài, đặc biệt với một chủ trương lớn như Nghị quyết 88 thì qua 6 năm chưa thể có nhiều kết quả ngay. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được có thể thấy, ngành giáo dục đã đi đúng hướng, đúng tinh thần của Nghị quyết.

Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho ý kiến vào dự thảo báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88, nhiều điểm tích cực đã được các đại biểu ghi nhận, một số tồn tại cần khắc phục cũng được các đại biểu chỉ ra. Bộ GD - ĐT tiếp thu toàn bộ những nhận xét, đánh giá và góp ý của đại biểu để có kế hoạch, chương trình hành động tiếp theo.

Như tôi đã nói ở trên, đổi mới luôn song hành với khó khăn, nhưng dù khó khăn thì đổi mới cũng không thể thiếu niềm tin. Niềm tin ấy nếu chỉ đến từ người đứng đầu ngành giáo dục thì chưa đủ, mà còn cần đến từ mỗi thầy cô giáo, mỗi vị phụ huynh và toàn xã hội.

Khi chúng ta hội đủ niềm tin và quyết tâm, đổi mới sẽ thành công. Tôi tin như vậy.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)