
Toàn cảnh Phiên họp
Theo đại diện cơ quan soạn thảo - Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bao gồm 8 chương với 89 điều, được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009; Luật này thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh, cụ thể là về vấn đề liên quan đến quy tắc Giao thông đường bộ.
Về quy tắc Giao thông đường bộ, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, quá trình nghiên cứu xây dựng quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ đã tham khảo Công ước về Giao thông đường bộ và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên 1968), tuy nhiên, vẫn còn một số quy định về quy tắc giao thông, về biển báo và tín hiệu đường bộ cần phải được điều chỉnh bổ sung trong Luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và công ước như: Điểm c khoản 3 Điều 6 của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 quy định hiệu lệnh của người điều khiển giao thông có hiệu lệnh “lắc đèn đỏ”. Điều 10 khoản 5 và khoản 6 “Vị trí đường xe chạy”; Điều 11 khoản 6 điểm b và Điều 11 khoản 11 “Vượt và chạy theo dòng”; Điều 18 khoản 6 “Đường giao nhau và nghĩa vụ nhường đường”; Điều 19 điểm e “Đường giao với đường sắt”; Điều 20 khoản 2 “Những quy tắc đối với người đi bộ”; Điều 23 khoản 2 điểm a (iii) “Dừng và đỗ xe”; Điều 25 bis khoản 4 “Những quy định đặc biệt cho đường hầm với biển báo đặc biệt”. Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 yêu cầu quy định việc người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định về việc người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, chưa thể hiện quy định cấm người điều khiển ô tô sử dụng điện thoại di động.
Đối với quy định về việc thắt dây an toàn, theo đại diện cơ quan soạn thảo, hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định xe ô tô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn (Điều 9 Khoản 2), tuy nhiên Công ước Giao thông đường bộ năm 1968 lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn trừ trường hợp ngoại lệ theo quy định của Luật quốc gia. Việc quy định phải thắt dây an toàn đối với lái xe, người ngồi trong xe ô tô có trang bị dây an toàn là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người lái xe cũng như người ngồi trên xe. Qua theo dõi cho thấy, hầu hết các vụ tai nạn xe khách có thương vong lớn một phần là do hành khách không thắt dây an toàn. Khoản 1 Điều 27 Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 “Quy tắc đặc biệt cho người đi xe đạp, xe máy và mô tô” quy định “không cần cấm người đi xe đạp đi thành hai hàng hoặc nhiều hàng”. Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định đi một hàng (Điều 31 khoản 3). Tuy nhiên, việc đi hai hàng hay nhiều hàng sẽ không cần quy định đối với các tuyến đường dành riêng cho loại phương tiện, bề rộng mặt đường đủ điều kiện có thể tổ chức giao thông phù hợp theo hình thức này.
Mặt khác, một số quy tắc giao thông trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa được hiểu thống nhất dẫn đến việc vướng mắc trong quá trình thực hiện đặc biệt khi giải quyết các vụ án liên quan đến an toàn Giao thông đường bộ như: Sử dụng làn đường, tại khoản 1 Điều 13 quy định người điều khiển phương tiện chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép. Tuy nhiên, Luật không quy định thế nào là nơi cho phép chuyển làn, cũng không giao nhiệm vụ cho cơ quan nào có thẩm quyền quy định. Về lùi xe, quy định về lùi xe tại khoản 1 Điều 16 hiện phù hợp với xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô nhưng chưa phù hợp với xe mô tô, xe đạp. Về dừng, đỗ xe, quy định tại Điều 18 hiện chưa phù hợp đối với xe mô tô, xe đạp vì vậy cần bổ sung quy định “để xe”; phân định rạch ròi các quy định về dừng, đỗ, để xe đối với các loại xe ô tô, mô tô, xe thô sơ để thuận tiện cho việc triển khai, áp dụng; Mặt khác, việc quy định cứng trong Luật về việc khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay hai biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe là chưa phù hợp đối với đường một chiều hoặc đường đôi (có dải phân cách giữa). Về xe ô tô, mô tô kéo theo xe khác, hiện nay Luật đã quy định về việc xe ô tô kéo xe khác và đã có quy định về việc cấm người điều khiển xe mô tô sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, nhưng chưa có quy định về việc cấm xe ô tô, mô tô đẩy xe khác, vật khác.
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế đã nêu, đại diện cơ quan soạn thảo nêu rõ, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phù hợp với Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 và thực tiễn phát sinh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ cho sự đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng Giao thông đường bộ; đảm bảo trật tự an toàn Giao thông đường bộ và chống ùn tắc giao thông./.