XÂY DỰNG CƠ CHẾ PHÁP LÝ MỚI VỀ HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI ĐỂ CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LỰA CHỌN

22/11/2019

Trong hồ sơ dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết đã đánh giá tác động của chính sách xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Đại diện cơ quan soạn thảo báo cáo

Theo đại diện cơ quan soạn thảo, quy định của pháp luật hiện hành có thể phân loại thành hai nhóm: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng, ngoài Tòa án. Các cơ chế hòa giải hiện hành đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên, số lượng các vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, dự Luật đã xây dựng chính sách mới về xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Trên cơ sở phân tích, so sánh tác động của từng giải pháp, cơ quan soạn thảo đề xuất lựa chọn giải pháp tối ưu nhất. Cụ thể là:

Về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, khi có đơn yêu cầu, đơn khởi kiện vụ việc dân sự, vụ án hành chính được nộp đến Tòa án thì trước khi xem xét thụ lý vụ việc, Tòa án chuyển sang cho Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; vụ việc không thuộc trường hợp không được hòa giải, không tiến hành hòa giải, đối thoại được theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Về phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, đơn giản, dựa trên sự lựa chọn, thỏa thuận của các bên và kỹ năng của Hòa giải viên. Tòa án có vai trò hỗ trợ, hướng dẫn quá trình hòa giải, đối thoại nên việc Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được thực hiện theo thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Quy định Quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có căn cứ cho rằng việc hòa giải thành, đối thoại thành đó là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Trình tự, thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hành chính. Quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Về kinh phí bảo đảm hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngân sách Nhà nước phải chi trả thù lao cho Hòa giải viên là sự động viên, khuyến khích Hòa giải viên, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện cơ chế mới này; thể hiện tầm quan trọng của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo tinh thần của Dự án Luật này; thấy rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc thúc đẩy, tăng cường hòa giải, đối thoại; sử dụng ngân sách hợp lý để tạo thêm cơ hội cho các bên lựa chọn một cơ chế giải quyết tranh chấp mới hiệu quả vì mục tiêu lâu dài cho sự ổn định các mối quan hệ xã hội là lựa chọn phù hợp. Hơn nữa, xét trong tổng thể thì các chi phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động xét xử của Tòa án sẽ giảm do chi phí tố tụng trung bình cho việc xét xử một vụ án là lớn hơn so với chi phí cho vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Toàn cảnh Phiên họp

Đánh giá tác động của giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan, cơ quan soạn thảo cho biết, tác động tích cực của giải pháp này là: Góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hòa giải, đối thoại thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, qua đó khắc phục được những vướng mắc, bất cập của thủ tục hòa giải, đối thoại hiện hành; Tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt, quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, quyền quyết định giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp và vai trò tích cực, chủ động của cácbên tham gia hòa giải, đối thoại; Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn hòa giải, đối thoại để giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân; Đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của nhân dân và xã hội về việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính nhanh gọn, hiệu quả; hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vụ án phải giải quyết qua nhiều cấp trong nhiều năm; Trình tự, thủ tục được tiến hành đơn giản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các tranh chấp, khiếu kiện; đáp ứng yêu cầu bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích của các bên; Kết quả hòa giải, đối thoại thành được Thẩm phán ra quyết định công nhận theo hướng đơn giản, nhanh gọn; Góp phần nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nâng cao hiệu quả giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; tạo động lực mới, sinh khí mới để các cơ chế hòa giải hiện hành nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Đối với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết nhanh công việc của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp, trong khi biên chế Thẩm phán và biên chế chung của Tòa án phải giảm theo chủ trương của Đảng; Tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả chi phí của Nhà nước, người dân và xã hội so với việc giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự, hành chính. Do đó, trường hợp Nhà nước không thu phí hòa giải, đối thoại thì vẫn bảo đảm sự tiết kiệm chi phí ngân sách Nhà nước; đồng thời khuyến khích hoạt động hòa giải, đối thoại, đặc biệt cần thiết đối với giai đoạn đầu thực hiện cơ chế mới này; Bảo đảm sự bình đẳng, không có sự phân biệt về giới trong quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại, trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Cơ quan soạn thảo nêu rõ, giải pháp này sẽ có tác động tiêu cực là phát sinh những trình tự, thủ tục mới trước khi Tòa án thụ lý vụ việc. Tuy nhiên, các bên tiết kiệm được thời gian và chi phí đối với trường hợp hòa giải thành, đối thoại thành; trường hợp hòa giải, đối thoại không thành thì thời gian nhận và giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Luật này không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn xử lý đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc được giải quyết theo trình tự tố tụng. Về nội dung này, định hướng xây dựng Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ quy định cụ thể theo hướng giải quyết vấn đề xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; thời hiệu khởi kiện trong dự thảo Luật mà không phải sửa đổi các điều luật liên quan của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Bên cạnh đó, các bên cũng có quyền không lựa chọn thủ tục hòa giải này mà yêu cầu Tòa án thụ lý, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện theo thủ tục tố tụng dân sự, hành chính./.

Hồ Hương