HOÀN THIỆN CƠ CHẾ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

22/11/2019

Hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ công chức theo hướng thực chất, tránh hình thức, là một trong những nội dung trọng tâm tại Hội thảo “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong tình hình hiện nay” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Công tác đại biểu tổ chức vào chiều ngày 21/11 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị

Đánh giá cán bộ, công chức là một khâu quan trọng, căn bản trong quá trình sử dụng, quản lý cán bộ, công chức được tiến hành hàng năm hoặc trước khi đề bạt, bổ nhiệm hoặc chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, nhằm cung cấp thông tin cho công tác quản lý, làm cơ sở cho các quyết định quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng, tuyển chọn, lương, thưởng; đồng thời cung cấp thông tin phản hồi cho cán bộ, công chức biết rõ năng lực và việc thực hiện công việc của mình.

Công tác đánh giá cán bộ công chức luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ. Trên cơ sở quy định của Đảng và Luật cán bộ, công chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 quy định về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đánh giá, xếp loại tương đối cụ thể theo các cấp độ đánh giá khác nhau, góp phần từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong cơ chế đánh giá cán bộ công chức còn những tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật. Phân tích những tồn tại này, TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, cho rằng tiêu chí đánh giá cán bộ công chức còn chung chung, còn thiếu những tiêu chí về định lượng trong đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, dẫn đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện và phản ánh không đúng thực trạng mức độ hoàn thành của cán bộ công chức. Đây là hạn chế lớn nhất trong đánh giá cán bộ công chức hiện nay. Trong nhóm nội dung đánh giá, ngoài các nội dung có tính định tính thì các nội dung về chuyên môn, kết quả thực hiện nhiệm vụ cũng chưa được lượng hóa, khó đo lường. Thực tế cho thấy, do tính chất của mỗi loại công việc trong hệ thống hành chính nhà nước là không giống nhau nên yêu cầu đặt ra là cần phải có tiêu chuẩn, định mức riêng đối với mỗi loại công việc thì mới có thể lượng hóa, đo lường được.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu

Cho ý kiến về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, đại biểu Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng các quy định của pháp luật về đánh giá cán bộ, công chức còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa kết quả đánh giá cán bộ, công chức với các chính sách tiền lương, tiền thưởng, khen thưởng, kỷ luật, tôn vinh, thăng tiến đối với cán bộ, công chức một cách kịp thời, khách quan, minh bạch.

Cho rằng, công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian vừa qua còn hình thức, mang tính nể nang, đại biểu Y Khút Niê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, kiến nghị cần đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, công chức phải theo kết quả công việc. Đại biểu nhấn mạnh, phải lấy kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của công chức làm thước đo chính trong việc đánh giá. Đồng thời cần đổi mới phương pháp đánh giá công chức phù hợp với nội dung tiêu chí đánh giá theo kết quả thực thi công vụ.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho ý kiến

Từ thực tế công tác tại địa phương, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cho rằng việc phân loại cán bộ công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện nay rất khó thực hiện. Theo ý kiến của đại biểu, để phân loại cán bộ công chức chính xác cần đưa ra những tiêu chí cụ thể dựa trên cơ sở mô tả công việc của từng vị trí việc làm. Bên cạnh đó, cần tùy theo tính chất, quy mô và đặc điểm của từng vị rí công việc để xác định một phương pháp đánh giá chủ đạo.

Đề xuất việc hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, trong thời gian tới, PGS.TS.Phạm Đức Chính - Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng, phải đảm bảo thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ công chức đã nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ công chức theo hướng thực chất, tránh hình thức; tạo sự liên thông trong công tá đánh giá, xếp loại cán bộ công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể; đảm bảo tính khoa học, công khai, minh bạch.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu còn tập trung thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung trọng tâm khác như: cơ chế quản lý cán bộ, công chức gắn với trả lương theo vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng công chức trước yêu cầu thu hút nhân tài, người có trình độ cao trong hoạt động công vụ; chế tài xử lý kỷ luật đối với người thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu; …

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật cán bộ, công chức. Từ đó, đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong tình hình hiện nay./.

Lê Anh