Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả cụ thể như sau:
Về nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình như sau: Việc quy định nguyên tắc trong Luật này vừa phù hợp với hoạt động quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh và hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Về thời hạn thực hiện các thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giá trị sử dụng của các loại giấy tờ xuất nhập cảnh đã được quy định cụ thể trong dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu kịp thời và nhanh chóng như ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước , nhưng không nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ; pháp luật nước sở tại không phải là điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nên đều không có giá trị bắt buộc Luật này phải tuân thủ khi có quy định trái với thỏa thuận quốc tế hoặc pháp luật nước sở tại, đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy với tên Luật và phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nên không cần thiết phải bổ sung cụm từ “trong xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam” vào tên Điều này. Hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh” tùy theo mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính gắn với hậu quả pháp lý là chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, nên cần thiết phải căn cứ vào ý thức chủ quan “cố ý” vi phạm của người làm thủ tục để cấm, nếu không sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền công dân trong hoạt động này. Trường hợp tự đặt thêm “các khoản thu khác” hoặc “chậm trễ, trì hoãn, từ chối không giải quyết thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh” đã thuộc quy định cấm tại khoản 8 Điều này. Đối với hành vi vi phạm điều cấm, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả sẽ bị xử lý hình sự, xử lý hành chính theo các quy định của pháp luật có liên quan, nên không bổ sung quy định trong Luật này.
Toàn cảnh Phiên họp
Về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, đối tượng cấp hộ chiếu công vụ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến cho rằng quy định về đối tượng đi theo, đi thăm tại khoản 14 Điều 8, khoản 5 Điều 9 là chưa thống nhất với giải thích các từ ngữ có liên quan tại khoản 4 và khoản 5 Điều 2 nên đã cho lược bỏ giải thích các từ ngữ này. Đối với các ý kiến khác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình như sau: Tại khoản 4 Điều 8 quy định chung “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan do Chính phủ thành lập” là phù hợp, bảo đảm tính bao quát và đầy đủ. Đối với Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương (trung bình mỗi địa phương có khoảng 14 người) nếu được cấp hộ chiếu ngoại giao sẽ dẫn đến mất công bằng với các bộ, cơ quan ngang bộ (có khoảng 06 người được cấp) và phá vỡ cơ cấu thành phần đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao. Nếu bổ sung đối tượng trên, để bảo đảm công bằng thì cần phải bổ sung đối tượng là Ủy biên Ban thường vụ, Ủy viên Ban cán sự Đảng của các bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy viên các cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan khác do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thành lập… sẽ làm gia tăng số lượng hộ chiếu ngoại giao, làm giảm giá trị của cuốn hộ chiếu này trên trường quốc tế và làm ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình như sau: Hiện nay, trong hệ thống pháp luật đang sử dụng thiếu thống nhất các cụm từ “cấm xuất cảnh” (Bộ luật Tố tụng Dân sự), “không được xuất cảnh” (Luật Thi hành án hình sự) và “tạm hoãn xuất cảnh” (Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Quản lý thuế). Về bản chất, các trường hợp “tạm hoãn xuất cảnh”, “cấm xuất cảnh”, “không được xuất cảnh” trong các đạo luật chuyên ngành đều là việc dừng, không cho xuất cảnh có thời hạn. Luật này là luật chuyên ngành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nên việc quy định đầy đủ các trường hợp dừng, không cho xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam trong Luật này là cần thiết. Nếu không quy định trong Luật này 03 đối tượng không được xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự có thể dẫn đến cách hiểu là do Luật này ban hành sau có giá trị áp dụng so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019 nên trong lĩnh vực thi hành án hình sự sẽ không còn 03 đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh nêu trên. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ lại 03 trường hợp không được xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; đồng thời, cho bổ sung vào giải thích tại khoản 7 Điều 2 đối với từ ngữ “Tạm hoãn xuất cảnh” để bao quát cả các trường hợp “tạm hoãn xuất cảnh”, “cấm xuất cảnh”, “không được xuất cảnh” đã được quy định trong các đạo luật chuyên ngành khác và bảo đảm thống nhất giữa giải thích từ ngữ này với Điều 36 của dự thảo Luật.
Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tổ chức rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua./.