![](/content/tintuc/NewPublishingImages/Thang%2005-%20Nam%202017/ctqh%20nguyen%20thi%20kim%20ngan%20phat%20bieu%20khai%20mac%204%20ok.jpg)
Toàn cảnh hội nghị
Quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan kiểm soát về tài sản và thu nhập
Quan tâm tới cơ quan kiểm soát về tài sản và thu nhập, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Bạc Liêu băn khoăn, liệu cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát này có kiểm soát được nổi không, có đủ khả năng để kiểm soát những vấn đề mà Luật đưa ra. Theo đại biểu phân tích, chính quyền địa phương chúng ta gồm 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phường. Vậy một cơ quan thanh tra của tỉnh mà kiểm soát tài sản và thu nhập của những đối tượng từ cấp xã, phường trở lên thì liệu có kiểm soát nổi hay không? Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị làm rõ việc các cơ quan của Đảng, cơ quan của tổ chức chính trị, xã hội kiểm soát tài sản của những người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan, tổ chức. Theo đại biểu, quyền hạn của cơ quan kiểm soát thì ghi rất rõ trong Dự luật nhưng trách nhiệm như thế nào thì chưa thấy rõ. Đại biểu đặt ra câu hỏi, những vụ án thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, những vụ án đó những người chịu trách nhiệm chính có đứng tên tài sản ấy không hay chủ yếu nằm ở người thân, gia đình, ở những nơi khác. Vậy đến khi không phát hiện được thì cơ quan kiểm soát này có trách nhiệm đến đâu? Có quy định trách nhiệm trong Dự luật không? Từ những băn khoăn trên, đại biểu Quốc hội đề nghị Dự luật cần quy định rõ, đủ thẩm quyền để cơ quan kiểm soát này hoạt động, nhưng cũng tránh chuyện giao cho quá nhiều quyền sẽ có tình trạng lạm dụng quyền đó.
![](/content/tintuc/NewPublishingImages/Thang%2005-%20Nam%202017/201809061926180838_nguyen%20thi%20kim%20thuy%20-%20da%20nang.jpg)
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội nghị
Quy định về kiểm tra hoạt động chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức một số cơ quan, đơn vị
Đóng góp ý kiến Vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – Đà Nẵng nêu rõ, tại Điều 76 về kiểm tra hoạt động chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Khoản 1 đã nói đến hành vi của người đứng đầu thường phổ biến trong luật này là phải kiểm tra công chức cấp dưới thi hành công vụ, nhiệm vụ. Ở khoản 1 quy định cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải có biện pháp để kiểm tra, ngăn chặn, v.v.. Đại biểu cho rằng, quy định này là rất chung chung mà quy định này nhằm phát huy nội tại của cơ quan đó, nhưng trên thực tế ai cũng biết tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ là khâu rất yếu. Tại Khoản 2 quy định: "Người đứng đầu cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải tăng cường quản lý cán bộ công chức viên chức". Theo đại biểu, điều khoản này chưa cụ thể, chưa rõ ràng, cần thiết kế lại.
Đại biểu cũng đánh giá, qua Điều 76 và cả chương này cho thấy, Dự thảo Luật vẫn thiếu một cơ quan có quyền kiểm soát hoạt động của thanh tra, kiểm toán. Chúng ta nói kiểm soát quyền lực nhưng trong này chưa thể hiện rõ vì thực tế thấy kết quả các cuộc kiểm toán phát hiện rất nhiều nhưng chuyển qua cơ quan điều tra rất ít. Ví dụ trong Báo cáo số 54 ngày 30/8/2018 của Chính phủ nêu rõ: "Kiểm toán Nhà nước ban hành 269 báo cáo kiểm toán, xử lý tài chính hơn 97 nghìn tỷ đồng nhưng chuyển qua cơ quan điều tra chỉ có 4 vụ". Về thanh tra cũng vậy. Chưa nói đến quy định của mình ở đây là cấp phó của người đứng đầu liên đới chịu trách nhiệm. Vậy việc áp đặt trách nhiệm không căn cứ đầy đủ vào hành vi thì rõ ràng chỉ khuyến khích người đứng đầu che dấu tham nhũng. Nên việc phát hiện từ nội bộ đã khó mà giờ quy định chung chung thế này càng khó thêm.
Ngoài một số vấn đề ở Điều 76, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng chỉ rõ, tại khoản 2 Điều 78 của dự thảo luật quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức phải xem xét việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng. Đại biểu đặt ra câu hỏi, dựa vào cơ sở nào để đưa ra quy định này? Nếu quy định như dự thảo thì có phải sửa đổi các luật liên quan không? Bởi vì các luật liên quan không quy định quyền của các cơ quan này là yêu cầu người đứng đầu làm việc tạm đình chỉ công tác hay tạm thời chuyển sang vị trí khác./.