Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc có nội dung liên quan tới việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế....), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhóm vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm của Bộ Công an xoay quanh công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy; và công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra với tinh thần nghiêm túc, đổi mới, trách nhiệm. Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận những kết quả đã đạt được của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Bộ Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo yêu cầu Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ tiếp tục tập trung thực hiện những cam kết, các giải pháp nhằm sớm khắc phục những hạn chế, bất cập còn hiện hữu.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn
Về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành, tập trung vào các địa phương thuộc vùng miền phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Đặc biệt, cần rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang có hiệu lực, đặc biệt, chú trọng tới chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người; trước mắt bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp 6. Từ nay đến năm 2020, bảo đảm bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và xã hội hóa.
Trong đó, phải nghiên cứu thu gọn đầu mối quản lý, thực hiện chính sách dân tộc theo hướng một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Rà soát, đánh giá hệ thống chính sách đã ban hành, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất chương trình mục tiêu chung phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới có tính dài hạn. Ngoải ra, cần rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hoàn thành trước năm 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả cho giai đoạn 2021 - 2026.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Tương tự đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, củng cố và tiếp tục xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Cụ thể, phải chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự không để xảy ra tình trạng gây rối, bạo loạn, khủng bố, lợi dụng dân dân chủ để kích động người dân vi phạm pháp luật, trọng điểm là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu kinh tế. Bộ cần phối hợp, đẩy mạnh triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tội phạm ma túy trên các địa bàn trọng điểm, các tuyến, nhất là các tuyến biên giới; tội phạm chống người thi hành công vụ, giết người, cố ý gây thương tích, mua bán người; tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lại, bảo kê, gian lận trong thi cử.
Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm các vụ việc liên quan tới vi phạm pháp luật về môi trường, phòng, chống cháy, nổ; và giải quyết ùn tắc giao thông tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các thành phố lớn. Tiếp tục quan tâm, nghiên cứu xây dựng và thực hiện quy trình tiếp nhập, giải quyết tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi xâm hại trẻ em, trong đó lưu ý tính đặc thù của loại tội phạm này để quy định phù hợp.
Đặc biệt, trước tình hình phát triển khoa học - công nghệ hiện nay, cần phải quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu tiên tiến về khoa học công nghệ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kịp thời phát hiện, điều tra, xử lsy các vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm liên quan đến kinh doanh đa cấp, tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đã qua mạng; lừa đảo thông qua cuộc gọi trên nền Internet (VoIP). Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ kinh tế, tham nhũng trọng điểm và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, ngăn chặn không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng, bỏ trốn ra nước ngoài. Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, nhất là tại khu vực biên giới. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ căn cước công dân, hoàn thành thu nhập, cập nhật dữ liệu dân cư vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong năm 2020 đảm bảo dữ liệu khi đưa vào khai thác đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, kịp thời./.