MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI NGHỊ ĐBQH HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)

07/09/2018

Chiều ngày 06/9, tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, dưới sự điều khiển của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án án Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tại phiên họp có 31 ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại diện các các bộ, ngành. Điều này thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các các bộ ngành hữu quan đối với Dự án Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần rà soát lại toàn bộ các điều khoản của Dự án Luật trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu ngày hôm nay; tiếp thu một cách tối đa các ý kiến hợp lý, xác đáng, bảo đảm cho một Dự án Luật chất lượng, có tính khả thi cao khi áp dụng thực tiễn ở Việt Nam...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại hội nghị:

Quang cảnh hội nghị.

Về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, đa số các ĐBQH hoạt động chuyên trách tán thành với phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án.

ĐBQH Y Khút Niê (Đắk Lắk) khẳng định, phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật  hiện hành. 

Tuy nhiên, các ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) còn băn khoăn với các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật quy định về việc xem xét, xử lý tại Tòa án, nhất là khi khái niệm “giải trình được hợp lý về nguồn gốc” chưa được giải thích thuyết phục tại Điều 3, dự thảo Luật. 

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền khẳng định Tòa án ủng hộ phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án và sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu

Việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước chưa nhận được sự đồng tình của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lại cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

 

Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước sẽ được thực hiện theo từng bước. Do vậy, dự thảo Luật được thiết kế gồm có quy định mang tính khuyến nghị, mang tính chế định, và có quy định sẽ giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết.

Cũng tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Giải trình việc không mở rộng đối tượng kê khai tài sản, Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, hiện nay, đã có hơn 1,1 triệu bản kê khai, tài sản, thu nhập. Nếu mở rộng, kê khai cả cha/mẹ ruột, cha/mẹ của chồng/vợ, con thành niên, anh/chị/em ruột thì tổng số bản kê khai có thể hơn 7 triệu. Như vậy, việc kiểm soát, quản lý sẽ rất phức tạp và thực thi sẽ rất khó khăn.

Phát biểu bế mạc ngày làm việc thứ nhất- thảo luận về Dự án án Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tại phiên họp có 31 ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại diện các các bộ, ngành. Điều này thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các các bộ ngành hữu quan đối với Dự án Luật này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần rà soát lại toàn bộ các điều khoản của Dự án Luật trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu ngày hôm nay; tiếp thu một cách tối đa các ý kiến hợp lý, xác đáng, bảo đảm cho một Dự án Luật chất lượng, có tính khả thi cao khi áp dụng thực tiễn ở Việt Nam.

Ngày 07/9, Hội nghị Đại biểu chuyên trách tiếp tục phiên thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trọng Quỳnh