Chất vấn tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nêu rõ, tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam ngày 6/2/2017 Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm và đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD phấn đấu đóng góp khoảng 10% GDP cho cả nước. Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giải pháp gì để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những thuận lợi và khó khăn để đạt mục tiêu nêu trên.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của ĐBQH
Trả lời chất vấn các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đối với chương trình phát triển tôm Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu trước tình hình biến động của khí hậu và trước hội nhập sâu rộng hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đầu tiên muốn phát triển ngành hàng gì phải xác định có lợi thế về thị trường. Riêng về thị trường tôm hiện nay có lợi thế là trên thế giới có khoảng trên 7 tỷ người thì không có quốc gia nào không ăn tôm, đây là một lợi thế. Với một tiềm năng hiện nay tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn trong khi nhu cầu mỗi năm tăng khoảng 10 cho đến 15% do đó về dư địa phát triển là có.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt được việc này thì vấn đề khó nhất hiện nay là chúng ta phải huy động làm sao lực lượng doanh nghiệp, lực lượng nông dân nuôi trồng liên kết thật chặt chẽ theo vùng quản trị từ khâu giống, thức ăn, chế biến, xuất khẩu. Nếu phân khúc tách rời, lẻ tẻ, ô nhiễm môi trường thì rất khó, chúng tôi cho rằng đây là khâu khó nhất. Vừa qua triển khai tinh thần này của Chính phủ thì Bộ đã xây dựng xong đề án cụ thể cho chương trình phát triển 2 giai đoạn và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để chính thức giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu thủy sản giải quyết cho được con tôm giống trong một quá trình. Cụ thể, từ nay đến năm 2020- 2022 cố gắng tập trung vào 2 con tôm sú và tôm thẻ để giải quyết được câu chuyện con giống, chúng ta phải hoàn toàn chủ động để đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển chăn nuôi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt một khu phát triển công nghệ cao về con tôm cho tỉnh Bạc Liêu (400ha) trên tinh thần xã hội hóa là chính, các doanh nghiệp tập trung vào khu này để giải quyết tốt câu chuyện con giống, các chế phẩm, các quy trình và trung tâm đào tạo để phục vụ trong chuỗi trong phát triển con tôm của chúng ta.
Ngoài ra, những việc khác thì Bộ đang phối hợp với các tỉnh, đặc biệt là Cà Mau, kết hợp với các doanh nghiệp làm những vùng sản xuất nuôi theo hướng sinh thái, không quá chú ý theo hướng thâm canh, chúng ta sẽ tận dụng điều kiện sinh thái, đặc biệt là vùng rừng mặn mà hiện nay Cà Mau đang có một lợi thế là 260.000 ha gắn với cây đước, cây sú, chỗ này chúng ta để làm sao đi 2 hướng, một là thâm canh mức độ và hai là tận dụng sinh thái.
Đại biểu Quốc hội Đặng Hoài Tân chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Quốc hội Đặng Hoài Tân- tỉnh Bình Định cho rằng, để góp phần hiện đại tàu cá, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 7. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy 1 năm, ra khơi mới 1 - 2 chuyến biển mà tàu đã hư hỏng nghiêm trọng. Tình trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của ngư dân và tiến độ trả nợ ngân hàng. Vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì chấm dứt tình trạng trên và tạo điều kiện cho các chủ tàu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá trong thời gian tới.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, theo Nghị định 67 về đóng tàu là một chủ trương của Chính phủ để tăng cường nguồn lực đội tàu hiện đại, góp phần vừa tăng sản lượng khai thác, vừa tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền của chúng ta.
Thực hiện chủ trương này Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các văn bản quy trình để hướng dẫn cho các tỉnh giới thiệu cho ngư dân thực hiện đóng mới lực lượng tàu này. Qua các tiêu chí mà bộ đưa xuống để các tỉnh lựa chọn thì tổng hợp được tổng số là 235 cơ sở có đủ điều kiện về trang thiết bị để thực hiện việc đóng tàu, với tổng số tàu theo kế hoạch là 2.284 tàu phân bổ cho 28 địa phương. Hiện nay tất cả đã đóng được 666 tàu theo chương trình này, bằng 3 loại vật liệu, một là tàu vỏ sắt, hai là tàu vỏ gỗ và ba là tàu bằng vật liệu composite. Trong tổng số 666 chiếc thì có 297 chiếc là tàu sắt và hầu hết các tàu đều công suất lớn trên 800 mã lực để phục vụ khai thác vùng ngoài khơi.
Đánh giá chung tình hình thực hiện đến ngày 31/5/2017 với 666 tàu, trong đó đặc biệt có 297 tàu sắt, nhìn chung các chuyến ra khơi của các tỉnh báo cáo về là đều phát huy tác dụng, kể cả về mặt hiệu quả, kể cả về mặt an toàn. Ví dụ, tổ hợp Hoàng Nam của Nam Định thu về 3,5 tỷ và lãi là 1 tỷ/1 năm. Bình Thuận các thuyền viên cũng báo về thu nhập từ 8-9 triệu/1 tháng. Bà Rịa- Vũng Tàu, đặc biệt anh Vũ Văn Sơn 15 chuyến đi biển thì lãi 300 triệu/1 chuyến, cao nhất có chuyến lãi 800 triệu. Ngay tại Bình Định trong tổng số 49 tàu có 24 tàu đi là lãi so với phương tiện gỗ cao hơn từ 20-30%. Tuy nhiên, hiện nay qua phát hiện thì tình hình xuất hiện một số tàu bị hư hỏng. Cụ thể ở đây có 2 tỉnh: một là tỉnh Bình Định, hai là tỉnh Phú Yên. Tại Phú Yên 2 chiếc hỏng nhẹ, đã khắc phục trong thời gian ngắn thì đi vào hoạt động tiếp tục. Tại tỉnh Bình Định 19 chiếc hỏng, sau khi phát hiện như vậy thì bộ đã tập trung ra 2 văn bản yêu cầu toàn bộ 27 tỉnh, thành rà soát lại toàn bộ.
Thứ hai, bộ cử ngay Tổng cục Thủy sản vào làm việc cùng với tỉnh. Tại tỉnh Bình Định làm việc rất quyết liệt, khẩn trương. Tỉnh đã mời tất cả ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu đến trực tiếp đối chất để làm rõ phạm vi hỏng hóc và trách nhiệm của từng bên. Sau khi làm việc rõ như vậy, ngày 9 vừa qua bộ trực tiếp tổ chức một hội nghị tại Bình Định. Sau hội nghị đó có mời lãnh đạo của các đơn vị đóng tàu, mời các ngư dân của 27 tỉnh, thành, mời các chuyên gia liên quan. Sau đó bộ đã thống nhất với tỉnh các biện pháp. 19 tàu này hỏng thuộc 2 công ty. Một là Công ty Đại Nguyên Dương 4 chiếc và Công ty Nam Triệu 15 chiếc, thuộc 2 nhóm: Một là hỏng về máy. Hai là hỏng phần sắt ở boong, các bộ phận trên tàu.
Sau khi có tình hình cụ thể đó, Bộ đã cùng với tỉnh thống nhất quy định bằng các biện pháp. Trước hết là đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng mới của 2 công ty để xảy ra tình trạng này, yêu cầu không được đóng mới để tập trung khắc phục ngay hậu quả. Hỏng về máy thì bộ yêu cầu thay máy mới, không sửa chữa gì. Một phương tiện đi biển như thế thì không thể nào sửa chữa được mà phải thay mới. Các tàu hỏng về sắt, thay sắt đúng chủng loại để kịp thời phục vụ cho ngư dân đi biển. Bình Định còn một tàu bị quấn chân vịt. Với tàu còn nằm ở bờ, khi chưa sửa chữa được thì công ty phải có trách nhiệm với người dân khi người dân không có thu nhập những ngày đó.
Tỉnh Bình Định thành lập một đơn vị thẩm định độc lập, bao gồm các cơ quan quản lý, kể cả cơ quan tư pháp, mời các chuyên gia thẩm định rõ 19 tàu này hỏng hóc gì, nguyên nhân từ đâu. Tổ thẩm định đẩy nhanh kết quả thẩm định để tới đây có số liệu cuối cùng.
Tỉnh Bình Định cũng đề nghị cơ quan công an vào cuộc để làm rõ chỗ này. Bộ đang tiến hành phối hợp với tỉnh rất chặt chẽ để cố gắng sớm nhất trong tháng này hoàn chỉnh báo cáo đánh giá chung. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các tỉnh rà soát lại hết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ có các biện pháp tiếp theo, nhưng biện pháp đầu tiên là tập trung yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan khắc phục ngay. Còn trách nhiệm cụ thể thì tổ tư vấn sẽ làm rất kỹ để phát hiện nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng này để có báo cáo Thủ tướng tiếp tục có những biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới.