Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc xử lý nợ xấu thời gian qua gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao do vướng mắc về pháp lý, có những vấn đề pháp luật chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa đủ mạnh để giải quyết nợ xấu. Khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nghị quyết được ban hành để thí điểm các chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Do đó, việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là có cơ sở pháp lý, bảo đảm tính hợp hiến.
Báo cáo cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về nguyên tắc xử lý nợ xấu, theo đó, bên cạnh nguyên tắc đảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, Dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nguyên tắc không sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước cho xử lý nợ xấu.
Tiếp tục thảo luận về Dự thảo Nghị quyết tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm về các quy định liên quan đến tài sản đảm bảo. Đồng tình cao với quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Điều 7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương – tỉnh Quảng Bình cho rằng quy định của dự thảo Nghị quyết khá chặt chẽ và phù hợp với Hiến pháp. Tại Điều 22 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Theo quy định tại Nghị quyết, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên. Như vậy, việc tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký. Do vậy, việc thực hiện các quyền này không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thủy phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Cũng tán thành cao với nội dung về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng - TP Hải Phòng, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thủy – tỉnh Hải Dương đánh giá dự thảo quy định "việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại điều này chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không đang bị kê biên trong vụ án hình sự" là hoàn toàn phù hợp. Việc xác định phạm vi tranh chấp sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thủy đề nghị bổ sung rõ, việc thu giữ tài sản chỉ tương ứng với các khoản vay cả gốc và lãi. Bởi vì, quá trình cho vay thì tài sản đảm bảo đó có thể lớn hơn, có thể bằng hoặc thấp hơn, nhưng trong nguyên tắc thì việc thu giữ tài sản chỉ tương ứng với các khoản vay cả gốc và lãi, còn lại các tài sản đảm bảo xử lý không có tranh chấp còn nếu có tranh chấp thì thực hiện qua tòa án và thực hiện theo thủ tục rút gọn để không ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu.
Quan tâm về tính khả thi của quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình – tỉnh Quảng Nam phân tích, trong thực tiễn khi áp dụng nghị quyết này để xử lý nợ xấu thì chắc chắn quyền thu giữ tài sản đảm bảo tại Điều 7 sẽ được áp dụng rất nhiều. Điều luật này mới nhìn thì tạo điều kiện rất lớn và thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, nhưng khi triển khai trong thực tiễn sẽ là vấn đề rất khó cho các tổ chức tín dụng, mặc dù chúng ta có quy định lực lượng công an tham gia hỗ trợ vào đây nhưng không phải cưỡng chế về hình sự, cũng không phải cưỡng chế về hành chính thì rất khó, và làm khó cho lực lượng công an. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ và quy định rõ hơn về vấn đề này để đảm bảo về tính khả thi khi áp dụng .
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Về việc kê biên tài sản của bên phải thi hành án quy định tại Điều 11, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang – tỉnh Nghệ An cho rằng vấn đề này trong Dự thảo Nghị quyết chưa được quy định phù hợp . Đại biểu nhận định, việc Dự thảo quy định tài sản đảm bảo khoản nợ xấu tại ngân hàng không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác của pháp luật về thi hành án, có nghĩa là không bị kê biên để thực hiện quyết định bản án của Tòa án chưa phù hợp với pháp luật khác có liên quan. Liên quan đến vấn đề này, Điều 90 Luật thi hành án dân sự hiện hành đã quy định việc ưu tiên đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, nếu vì tính cấp bách của xử lý nợ xấu mà phải quy định tiếp tục nội dung này tại dự thảo nghị quyết cần cân nhắc, xem xét thấu đáo các trường hợp cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp tài sản đảm bảo có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng tiền vay thì quy định như dự thảo là hợp lý.
Thứ hai, tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn tiền vay tại tổ chức tín dụng thì quy định không cho kê biên là không hợp lý, vì tiền vay chỉ là một phần giá trị của tài sản nhưng tổ chức tín dụng lại được phép giữ toàn bộ tài sản. Trong khi, người vay còn có các nghĩa vụ tài sản khác đã được Tòa án nhân dân xác định. Điều này không chỉ làm vô hiệu hóa bản án quyết định của tòa tuyên sau thời điểm nghị quyết này có hiệu lực như ý kiến giải trình tại Báo cáo 134 mà nó còn làm vô hiệu hóa các bản án quyết định tuyên trước nhưng chưa được tổ chức thi hành. Nếu không được kê biên, bản án không thực hiện thì có nghĩa là công lý chỉ ở trên giấy tờ, vô hình trung quy định này sẽ tạo cơ hội cho người phải thi hành án trốn nghĩa vụ thi hành án.
Liên quan tới việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng tại Điều 14, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường – tỉnh Quảng Bình cho rằng cần thiết kế điều luật này theo hướng phù hợp với các luật khác đã ban hành. Đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo quy định rằng sau khi hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có quy định về xử lý vật chứng và tiếp đó Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định về xử lý vật chứng, trong đó có quy định rằng, đối với những tài sản nếu như tài sản phạm pháp là phương tiện tài sản phạm tội, công cụ phạm tội và tài sản do phạm tội có được thì phải bị tịch thu xung quỹ nhà nước. Như vậy đối với những tài sản đó không thể trả lại cho tổ chức tín dụng được. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong quy định về vấn đề này, Dự thảo Nghị quyết cần phải cân nhắc quy định ở Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự để bảo đảm cho phù hợp.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, với những biện pháp quyết liệt đã đưa ra cùng sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan sẽ phấn đấu đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra trong việc xử lý nợ xấu, cũng như việc kiểm soát nợ xấu. Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước chắc chắn rằng, với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm. Như vậy, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.