Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường- tỉnh Quảng Bình chất vấn tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Chất lượng vật tư nông nghiệp là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm
Bày tỏ quan tâm về tình trạng chất lượng vật tư nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường- tỉnh Quảng Bình nêu rõ, chất lượng vật tư nông nghiệp là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, sau vụ 11 đơn vị được Cục trồng trọt chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón đã cấp khống, cấp tràn lan giấy chứng nhận chất lượng phân bón, lại đến vụ cấp khống 800 giấy lưu hành thủy sản tại Trung tâm kiểm định trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Đây là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chứng tỏ hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng thanh tra, kiểm tra của Bộ còn bị hạn chế, bị buông lỏng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo Kết luận thanh tra số 235, Thanh tra Bộ Nông nghiệp đã phát hiện ra 11 trung tâm của Cục trồng trọt vi phạm quy định về thử nghiệm và chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón. Vậy Bộ trưởng đã kỷ luật đối với những cán bộ, công chức này như thế nào và kỷ luật đó có tương xứng với 12 hành vi sai phạm hay không?
Bên cạnh đó, theo đại biểu, vấn đề cốt lõi để chống nạn phân bón giả là phải chuẩn hóa một số loại phân bón cơ bản, phải loại bỏ rất nhiều loại phân bón, không thể để một lúc tồn tại đến 7.000 loại phân bón trên thị trường. Hiện nay việc quản lý phân bón thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vậy khi nào Bộ trưởng sẽ làm được việc này?
Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại kỳ trước các đại biểu Quốc hội có nêu ra một vấn đề là việc quản lý phân bón đang bị trùng lắp, giữa 2 bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và hiện nay phân định rõ nhiệm vụ này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, Bộ Công thương không quản lý nữa.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Công thương hoàn thiện nghị định mới về quy định chức năng, nhiệm vụ của 2 bộ và chuyển toàn bộ chức năng này sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chính thức quản lý, hoàn thiện theo đúng một cơ quan. Trong quá trình làm thủ tục, Bộ đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho làm 2 văn bản pháp luật:
Một là, một nghị định mới về quản lý phân bón thay cho Nghị định 202. Trước đây, nghị định 202 này là văn bản pháp lý cao nhất để quản lý phân bón và chia cho 2 bộ. 2 Bộ đã cơ bản hoàn thiện xong Nghị định và sẽ trình trong quý này để Chính phủ thông qua, từ đó để tập trung quản lý.
Hai là, trước tình hình phân bón phức tạp như hiện nay, tình trạng sản xuất giả, lưu hành giả ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xin chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng cho xây dựng một nghị định xử phạt ở lĩnh vực sai phạm về phân bón thành 1 văn bản pháp luật cao nhất trong quản lý ở khu vực này hiện nay. Vấn đề này cũng sẽ được trình trong Quý III.
Trong giai đoạn giao thời này, 2 Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo tổng rà soát lại toàn bộ những đơn vị khối lượng của Bộ chịu trách nhiệm quản lý; đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tập trung tăng cường quản lý về phân hữu cơ. Trên tinh thần cố gắng hoàn thành 2 nghị định này trong thời gian sớm nhất có thể, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 2 Bộ sẽ tiến hành bàn giao trọn vẹn nội dung này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến - TP Hà Nội chất vấn tại Hội trường
Việc xử lý môi trường để đảm bảo cho nền nông nghiệp sạch là một vấn đề lớn
Phát biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến- TP Hà Nội nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phải gánh trên vai một trách nhiệm rất nặng nề, đòi hỏi phải có những giải pháp rất phù hợp trong giai đoạn này. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp như kiểm soát giống, phân bón, nhà lưới, nhà kính... Việc đất, nước mặt, nước ngầm, nhiều vùng bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, Asen, vi sinh vật do phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, nước tưới cũng bị ô nhiễm, nhưng thông thường rất khó nhận biết được sự ô nhiễm này. Đại biểu đặt câu hỏi: Nếu điều này không được đánh giá đúng để xử lý thì các sản phẩm như rau quả, nông sản trồng trên đất và nước này có an toàn không? Liệu các giải pháp mà Bộ đưa ra có giải quyết được tận gốc vấn đề? Vậy Bộ trưởng có giải pháp đột phá nào để giải quyết những vấn đề trên? Đồng thời, đại biểu cũng đặt câu hỏi: Bộ trưởng có nghĩ cần phải xây dựng một trung tâm đầu ngành thực sự có đủ năng lực để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia tại các cơ sở đủ năng lực như trường đại học hoặc các học viện nghiên cứu không?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại Hội trường
Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc xử lý môi trường để đảm bảo cho một nền nông nghiệp sạch là một vấn đề rất lớn. Việt Nam chúng ta qua một quá trình phát triển suốt 30 năm qua có thể khẳng định rất nhiều diện tích đất canh tác, thủy vực, khu vực đã bị ô nhiễm môi trường. Do đó muốn có nông sản sạch, thì phải sạch không chỉ từ quy trình sản xuất mà điều kiện sản xuất cũng phải sạch. Hiện nay tất cả những lưu vực sông lớn chảy trong nội đô từ sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, tất cả các con sông, nhất là đoạn qua thành phố hiện nay đều ô nhiễm. Muốn có nông sản sạch, chúng ta phải đi từ gốc, kể cả nước và đất. Do đó, vấn đề này là đúng và thuộc một phạm vi lớn hơn thì giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Hà Nội cần phải chung tay thì mới có thể giải quyết được theo hướng tích cực trong thời gian tới.
Về câu hỏi có cần thiết xây dựng một trung tâm đầu ngành để xử lý vấn đề này hay không, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh là rất cần thiết, bởi để tiến tới hội nhập thế giới, đặc biệt là nông sản, đầu tiên phải là chất lượng. Không chỉ ở khu vực nhà nước mà rất cần liên kết xã hội hóa, trong đó trụ cột là các viện khoa học, các nhà khoa học là tốt nhất, doanh nghiệp phối hợp, nhà nước cùng vào cuộc để xây dựng, không chỉ những trung tâm mà còn nhiều thiết chế hạ tầng khác để phục vụ tổ chức sản xuất hiện đại hơn.
Sản xuất nông sản chưa được chú trọng vào chất lượng và thị trường tiệu thụ
Chất vấn tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng- tỉnh Hoà Bình cho rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới hiện nay chưa nâng cao được chất lượng cuộc sống của người nông dân một cách thực sự bền vững. Đời sống, thu nhập của người nông dân ở những xã đạt nông thôn mới chưa thực sự được cải thiện nhiều. Một trong những lý do là vấn đề sản xuất nông sản chưa được chú trọng vào chất lượng và thị trường tiệu thụ. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào để việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của người nông dân thực sự gắn liền với phát triển và xây dựng nông thôn mới?
Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng- tỉnh Hoà Bình chất vấn tại Hội trường
Đại biểu cũng nêu ý kiến, nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi nước ta có lợi thế và tiềm năng phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhưng hiện tại vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, hành lang pháp lý trong chứng nhận sản phẩm cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất. Vậy, Bộ trưởng đã có giải pháp như thế nào cũng như việc phối hợp với các bộ có liên quan trong việc tham mưu cho Chính phủ để phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Hằng, về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng một trong những nội dung cốt lõi đó là đổi mới công tác quản lý sản xuất. Nhìn chung, công tác này hiện nay chưa đạt như mong muốn, đặc biệt phải tổ chức lại sản xuất của nông dân dưới dạng hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ, sản xuất theo chuỗi. Trong giai đoạn năm 2016- 2020, các nơi như Hải Hậu, Thái Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương v.v... đang làm tốt công tác này thì cần phải tập trung tổ chức sản xuất. Đây là một trong những mục tiêu cốt lõi, cùng với đó là mục tiêu về môi trường an sinh. Đây là 3 mục tiêu chúng ta tập trung trong giai đoạn tới.
Về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đây là một hướng sản xuất nước ta đang từng bước tiếp cận và phát triển. Cho đến nay, nước ta chưa có văn bản quản lý dạng nông nghiệp này. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một nghị định theo quy trình rút gọn để quản lý nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, sau khi được quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang tập trung cùng các ngành xây dựng nhanh vấn đề này để chuyển một phần từ nông nghiệp tăng trưởng nhanh sang hướng nông nghiệp hữu cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cố gắng trong thời gian ngắn nhất có được khuôn khổ pháp lý để từ đó làm cơ sở cho công tác quản lý, công tác định hướng, khuyến khích phát triển chỗ này.