Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật cảnh vệ

06/06/2017

Chiều 6/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cảnh vệ. Mở rộng, bổ sung đối tượng cảnh vệ là nội dung mà nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật cảnh vệ. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng- An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Cảnh vệ còn 6 Chương, 33 Điều, quy định về định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ; cho rằng dự thảo Luật Cảnh vệ trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được chuẩn bị tốt, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội; nhiều nội dung đã được chỉnh lý, sửa đổi phù hợp với các luật liên quan đã ban hành; khắc phục được những hạn chế, bấp cập hiện có của Pháp lệnh Cảnh vệ.

Theo quy định ở khoản 1, Điều 10 của dự thảo Luật Cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ là những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến nội dung này, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” vào quy định về đối tượng cảnh vệ  tại khoản 1, Điều 10 của dự thảo luật này để phù hợp và thống nhất với quy định của Hiến pháp mới 2013 về vị trí của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà- tỉnh Vĩnh Phúc, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là người đứng đầu cơ quan tư pháp cao nhất của Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ xét xử bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ…; cùng phải thực hiện tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sau khi được bầu. Do vậy, việc bổ sung “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” trở thành đối tượng cảnh vệ là hoàn toàn phù hợp.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - tỉnh Bến Tre phát biểu ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ                        Ảnh: Văn Bình

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre cho rằng, việc quy định việc “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” là một trong những đối tượng cảnh vệ  sẽ đảm bảo được sự tương xứng về mặt chính trị giữa 3 cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta.

Tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu lại cho rằng, nếu đưa “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” vào danh sách đối tượng cảnh vệ tại Điều 10 thì không đảm bảo được tính đồng bộ với các chức danh như Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước…  

Ngoài ra, còn có ý kiến đại biểu đề nghị các lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cũng cần được bổ sung vào danh sách đối tượng cảnh vệ vì cho rằng tình hình an ninh trật tự, xã hội tại một số địa phương có xu hướng ngày một phức tạp, có thể đe dọa tới tính mạng của những cán bộ này. Đại biểu Đỗ Văn Bình- TP Hải Phòng đề nghị, dự thảo Luật quy định cho phép áp dụng các biện pháp cảnh vệ đối với một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh trong một số thời điểm nhất định.

Phát biểu tại hội trường về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt phân tích, nếu đưa “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” và danh sách đối tượng cảnh vệ theo ý kiến của một số đại biểu thì sẽ phải cân nhắc rất nhiều đề nghị về việc đưa Tổng Kiểm toán, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào danh sách này, bởi đây cũng là những chức danh có vị trí nhạy cảm và có nhiệm vụ quan trọng. Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho rằng việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời cần phải phân định rõ “hoạt động cảnh vệ” và “hoạt động bảo vệ” trước khi đề nghị mở rộng hay bổ sung đối tượng cảnh vệ,  bởi “cảnh vệ” là bảo vệ đặc biệt áp dụng với đối tượng đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, qua thực tiễn tổng kết cho thấy, các đối tượng cảnh vệ được quy định tại dự thảo luật Luật là kế thừa từ Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Ngoài nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý trực tiếp vào một số vấn đề liên quan đến đối tượng cảnh vệ, các biện pháp cảnh vệ, tổ chức lực lượng cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, vấn đề nổ súng, huy động người, phương tiện khi làm nhiệm vụ, các hành vi nghiêm cấm, chế độ chính sách, quản lý nhà nước về công tác cảnh vệ… Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát nội dung và hình thức văn bản để đảm bảo tính chính xác và kỹ thuật văn bản, kỹ thuật lập pháp trước khi trình Quốc hội thông qua.

Kết thúc phiên họp, đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, ngay sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban thẩm tra, Cơ quan soạn và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội thông qua theo chương trình tại kỳ họp này.

Thu Phương