Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh- tỉnh Bình Phước đánh giá, bên cạnh những thành công đạt được trong hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phân tích làm rõ nhằm có giải pháp khắc phục kịp thời. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nhận định, công tác phối hợp tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về an toàn thực phẩm chưa thường xuyên là nguyên nhân chính của những tồn tại hạn chế nêu trên. Đại biểu phân tích, Ban chỉ đạo liên ngành được thành lập đến cấp xã và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp hoạt động liên ngành tại các địa phương nhưng hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành chưa hiệu quả, còn hình thức, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã chưa có sự thống nhất về hệ thống tổ chức và mô hình quản lý an toàn thực phẩm. Lực lượng thực hiện vừa thiếu, vừa yếu. Một số văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý còn những bất cập, chồng chéo, không phù hợp mà theo báo cáo giám sát đã nêu có ít nhất 37 văn bản có mâu thuẫn không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, tính khả thi không cao như việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng thực phẩm Điều 70 của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa phù hợp với Luật an toàn thực phẩm năm 2010 hay những vấn đề chính sách của nhà nước về an toàn thực phẩm…
Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Xuất phát từ những hạn chế trên, đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải khẩn trương rà soát sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước các cấp, phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo, thực hiện nghiêm quy định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ trong việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đối với các cấp từ tỉnh cho đến cấp xã, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, phát huy tốt vai trò hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. Cần tiến hành sơ kết 5 năm việc thực hiện chính sách an toàn thực phẩm, tiến đến rà soát sửa đổi Luật an toàn thực phẩm năm 2010 trong thời gian tới, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành các hướng dẫn, cơ chế hoạt động thống nhất hệ thống tổ chức, mô hình hoạt động an toàn thực phẩm cho tuyến huyện và cấp xã cũng như ban hành quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm, thực phẩm.
Cùng góp ý về nội dung tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình- tỉnh An Giang chỉ ra rằng, qua khảo sát cho thấy gần 65% người tiêu dùng cho rằng công tác quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước chưa đạt yêu cầu. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là quá trình thực thi pháp luật đòi hỏi có thái độ nghiêm minh cùng năng lực và kỹ năng quản lý phù hợp. Thiếu nghiêm minh thực thi pháp luật trong an toàn thực phẩm thì dù có các giải pháp hỗ trợ đến đâu vẫn không thể phát huy được tác dụng. Quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta được thực hiện bởi ba bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ công thương, chủ yếu căn cứ vào chức năng sẵn có của các bộ này. Thực tiễn cho thấy mô hình này còn nhiều bất cập, chưa có phối hợp hiệu quả, nhất là chưa thực sự chuyên môn hóa ở một số nơi và thống nhất trách nhiệm quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm.
Đại biểu phân tích, quản lý an toàn thực phẩm cần tuân thủ quy luật tự nhiên và sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng an toàn của thực phẩm. Việc quản lý nhà nước của ba bộ khác nhau đã vô tình băm nhỏ chuỗi cung ứng này và làm giảm đi hiệu quả của quản lý an toàn thực phẩm. Từ đó, đại biểu nhấn mạnh, đã đến lúc phải có một cơ quan chuyên trách thống nhất chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta, cơ quan này sẽ toàn tâm, toàn lực đầu tư phát triển nhân lực, thực hiện trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, việc này cũng phù hợp với mốt số mô hình ở các nước phát triển trên thế giới.
Đồng quan điểm với đại biểu Hồ Thanh Bình, đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến- tỉnh Phú Thọ nhận định, một số quy định về phân công trách nhiệm giữa 3 bộ vẫn còn chồng chéo và nhiều bất cập. Một số mặt hàng, những sản phẩm giao thoa giữa các bộ đang có sự đan xen và không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chủ trì dẫn đến việc buông lỏng quản lý hoặc không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chính. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về một đầu mối duy nhất, không nên để 3 bộ đều quản lý như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Đánh giá về vấn đề tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai- tỉnh Tiền Giang nhận định, trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định hướng dẫn, tổ chức thực hiện, bộ máy tổ chức, trang thiết bị kỹ thuật từng bước được tăng cường, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được coi trọng, nhất là trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm trong các dịp lễ tết. Đại biểu cũng đánh giá cao các nỗ lực quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong thời gian hơn 1 năm gần đây. Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế trong giai đoạn vừa qua công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, cuối cùng vẫn là thực phẩm không an toàn và người dân phải chịu hậu quả. Phòng, chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng điều hành, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan. Thứ hai, lực lượng làm công tác an toàn thực phẩm, nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương còn thiếu, có trường hợp còn hạn chế về chuyên môn, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của công việc. Thứ ba, kinh phí cho hoạt động về quản lý an toàn thực phẩm trong giai đoạn vừa qua còn rất hạn chế so với yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho công tác này còn phân tán ở nhiều công việc, nhiều bộ phận, nhiều cấp khác nhau và chưa thực sự ưu tiên nội dung chi cho hợp lý. Thứ tư, về thiết bị kỹ thuật phục vụ trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm chưa được đầu tư đồng bộ hiện đại để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn theo phân cấp quản lý hiện nay. Thứ năm, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện còn mang tính phong trào theo đợt, nhất là cơ sở.
Từ phân tích trên, đại biểu đưa ra các giải pháp về thể chế, chính sách, giải pháp về tổ chức thực hiện, đặc biệt các giải pháp củng cố lại tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả tập trung đầu mối, bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm theo dự toán. Trong đó, việc cho phép sử dụng 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho công tác an toàn thực phẩm cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được đại biểu đánh giá là giải pháp mang tính đột phá để bảo đảm an toàn thực phẩm và tin tưởng các đề xuất giải pháp này sẽ sớm được triển khai thực hiện.
Về nội dung này, phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, có những ý kiến đề ra giải pháp rất khả thi để bày tỏ trách nhiệm chung. Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm là một trách nhiệm chung của cả hệ thống chúng ta, nhưng những bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp phải cố gắng theo và sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình giám sát này thì Bộ sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch chi tiết, từ hoàn thiện tiếp các thể chế, các nghị định để trình Chính phủ, các thông tư. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cũng tổ chức rà soát cơ quan, tổ chức của mình để thực thi pháp luật từ trung ương hướng đến các địa phương và tăng cường phối hợp liên ngành cũng như phối hợp với địa phương để cố gắng thực hiện tốt nhất trách nhiệm phân công góp phần xây dựng một nền sản xuất cũng như nền chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn, sạch để phục vụ nhân dân và phục vụ nền sản xuất hàng hóa trong hội nhập của chúng ta.