Theo Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XI ngày 03 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2005 và thay thế cho Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991. Qua 12 năm thực hiện, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Nhờ đó, diện tích rừng từ 12,306 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên đến năm 2015 diện tích rừng là 14,061 triệu ha với độ che phủ rừng 40,84%; sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 17 triệu m3, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD.
Mặc dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng đến nay Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp; đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế của cả nước rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng thấp... Do đó, việc ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) là cần thiết.
Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều, so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, bổ sung 4 chương mới: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Dự thảo Luật kế thừa 8 điều; sửa đổi 60 điều; bổ sung mới: 29 điều; bỏ: 19 điều.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng.
Về tên gọi của Luật, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đổi tên Dự án Luật thành “Luật lâm nghiệp”. Tại Phiên họp thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có 2 loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất, với đa số ý kiến của các vị ĐBQH đề nghị nên giữ nguyên tên gọi là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Bởi tên gọi này đã gắn bó, gần gũi với Nhân dân từ khi có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991, đồng thời nhấn mạnh được yêu cầu thời sự cấp bách hiện nay là phải bảo vệ, phát triển rừng bền vững; thống nhất với chỉ đạo tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Loại ý kiến thứ hai, một số ý kiến ĐBQH tán thành với đề nghị đổi tên như Tờ trình của Chính phủ; nhưng vẫn lưu ý đề nghị việc đổi tên luật cần phải cân nhắc kỹ và thận trọng.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, mặc dù phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật thể hiện rộng hơn Luật hiện hành. Nhưng, với phạm vi điều chỉnh và toàn bộ nội dung, kết cấu của Dự thảo Luật thì việc giữ nguyên tên gọi của Dự án Luật là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng như Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội đã nêu là phù hợp.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), dự thảo Luật cơ bản đã xác định rõ ranh giới giữa Luật BV&PTR (sửa đổi) với các luật khác; mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các hoạt động “kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản”. Tuy nhiên, nội dung “kinh doanh” lâm sản chưa được thể hiện rõ, còn “chế biến, thương mại” lâm sản tuy được quy định trong một chương (Chương VIII, gồm 04 điều) nhưng còn chung chung. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thể hiện về phạm vi điều chỉnh cho phù hợp hơn, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời cần nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước gắn với BV&PTR bền vững, hiệu quả, bảo đảm sinh kế cho đồng bào dân tộc.
Về phân loại rừng (Điều 5), đa số ý kiến đồng ý quy định 3 loại rừng như Dự thảo Luật bao gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị xem xét quy định phân loại rừng, cân nhắc bổ sung loại rừng khu vực biên giới, rừng núi đá, rừng cộng đồng để có chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh; có ý kiến cho rằng, cách phân loại trên chưa thực sự phù hợp cho quản lý và mang tính khoa học cao.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, phân tích bổ sung, làm rõ hơn cơ sở khoa học và thực tiễn về tiêu chí của việc quy định cụ thể phân thành 3 loại rừng.
Về giao rừng (Điều 21); cho thuê rừng sản xuất (Điều 22); Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hiện nay, hầu hết rừng đã được Nhà nước giao cho các chủ rừng, Nhà nước chỉ cho thuê đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, diện tích rừng này do ủy ban nhân dân cấp xã tạm thời quản lý. Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản thống nhất như quy định của Dự thảo Luật. Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét, rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan và thuận lợi trong thực tiễn thi hành pháp luật khi Nhà nước giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, vì hiện nay Luật đất đai chỉ quy định các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với “đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên”, còn trường hợp “đất rừng sản xuất là rừng trồng” thì không quy định.
Về chuyển mục đích sử dụng rừng (Điều 24); thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng (Điều 25), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong Dự thảo Luật những trường hợp được chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Việc trồng rừng thay thế bằng các phương thức phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi; cần rà soát lại quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 24 Dự thảo Luật về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, quy định này chưa bảo đảm thống nhất với quy định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ tại điểm a Khoản 1 Điều 58 Luật đất đai.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng; cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong việc “Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định)” .