Giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

30/05/2017

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đường sắt (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo           Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở ý kiến góp ý của các đoàn Đại biểu Quốc hội, sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo luật mới có 10 Chương (bổ sung 1 chương mới, Chương Quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt), 90 Điều (giảm 5 điều so với dự thảo luật cũ).

Về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Điều 24 của Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có đường sắt đi qua, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Đối với phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn đường sắt và các hoạt động được phép, giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt cho phù hợp thực tế (Điều 23 Dự thảo Luật).

Đối với đường ngang, để bảo đảm an toàn chạy tàu, Điểm a Khoản 2 Điều 17 Dự thảo Luật đã quy định đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100 km/h trở lên giao nhau với đường bộ, đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị, đường sắt giao nhau với đường sắt phải giao khác mức, trừ trường hợp đường sắt chuyên dùng giao nhau với đường sắt chuyên dùng.

Đối với trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của Uỷ ban nhân dân nơi có đường sắt đi qua, Dự thảo Luật bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc giao, cho thuê đất dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt phải bố trí đất để xây dựng đường gom, cầu vượt, hầm chui, hàng rào để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; quản lý, tăng cường các điều kiện an toàn giao thông tại lối đi dân sinh; giảm, xóa bỏ các lối đi dân sinh hiện có theo lộ trình; chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi dân sinh mới tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 8 Điều 48.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay số lượng đường ngang lối đi dân sinh ngày càng tăng. Mặc dù, Chính phủ đã đề ra những chương trình, đề án nhưng rõ ràng không đủ nguồn lực để giải quyết việc này. Trong dự thảo Luật này, Chính phủ cũng tiếp thu và cũng đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cho các ngành, các cấp có liên quan giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế nếu không có quy định cụ thể trong luật một lộ trình và một nguồn lực thỏa đáng để giải quyết vấn đề này thì sẽ không giải quyết được việc đó.

Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng - tỉnh Bình Dương cho rằng phải quy định cụ thể mang tính nguyên tắc việc xử lý giao cắt không phù hợp với quy định của luật này và có lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đại biểu, nên quy định đến năm 2020 phải giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh như thế mới đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng ngừa được tai nạn giao thông đường sắt.

Thống nhất với ý kiến này, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc bổ sung vấn đề này vào hành vi bị cấm trong Luật này là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tiễn, đại biểu cho rằng lối đi dân sinh này là một nhu cầu thực tế, đã là nhu cầu thì đương nhiên phải tồn tại, đã tồn tại rất lâu trong lịch sử bởi vì người ta phải có nhu cầu đó. Do vậy, đại biểu đề nghị những quy định trong dự thảo này cần phải nghiên cứu thêm và phải giao trách nhiệm quản lý như thế nào ở các cấp chính quyền địa phương? Đồng thời, phải có nguồn lực và ưu tiên nguồn lực, có lộ trình từ khi chúng ta quy hoạch đến khi chúng ta triển khai thực hiện, rồi đến quản lý nhà nước về lối đi dân sinh này thì mới giải quyết được bài toán về tai nạn giao thông đường sắt tại các lối đi dân sinh trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội trường

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - tỉnh Bắc Giang cho rằng, vấn đề mở đường ngang dân sinh đang là trở ngại cho ngành đường sắt phát triển và các địa phương cũng không còn đủ nguồn lực để khắc phục. Vì vậy, trong chính sách phát triển đường sắt, nên đề cập hướng giải quyết để tạo thuận lợi cho ngành đường sắt khắc phục đi lên.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy - tỉnh Hậu Giang lại cho rằng giải thích từ ngữ về lối đi dân sinh trong dự thảo luật chưa phù hợp. Dự thảo luật quy định lối đi dân sinh là đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Đại biểu phân tích, nếu dùng từ "lối đi dân sinh" thì trong bất kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng nào cần phải quan tâm đến nhu cầu đời sống của nhân dân, trong đó có lối đi dân sinh. Các lối đi dân sinh là yêu cầu bức thiết mà chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương phải quan tâm giải quyết cho nhân dân. Khi dùng từ lối đi dân sinh thì đồng nghĩa chúng ta hiểu, đó là phục vụ cho nhu cầu chung và đây chính là nhu cầu chính đáng của nhân dân. Do vậy, để quy định luật chặt chẽ, dễ hiểu, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, giải thích từ ngữ về lối đi dân sinh riêng; đề nghị sửa Khoản 23, Điều 3 về giải thích từ ngữ và thay cụm từ "lối đi dân sinh" thành "lối đi tự mở" thì phù hợp hơn.

 

Đặng Mai

Các bài viết khác