CHÍNH PHỦ NỖ LỰC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ HOÀN THÀNH ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM THEO ĐÚNG NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6

19/12/2023

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trong đó, đặt lộ trình với Chính phủ, chậm nhất đến quý II/2024, hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ.

TINH GIẢN BIÊN CHẾ GẮN VỚI VỊ TRÍ VIỆC LÀM CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU

CẦN QUAN TÂM THỰC HIỆN ƯU ĐÃI NGHỀ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN KHI THỰC HIỆN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Đại biểu Quốc hội vẫn chưa yên tâm về chất lượng xây dựng đề án vị trí việc làm
Chất lượng vị trí việc làm để thực hiện cải cách tiền lương là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội đã đề nghị chính phủ rà soát kỹ, nếu chưa yên tâm thì chưa thực hiện được cải cách tiền lương…Đại biểu Phạm Thị Kiều, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông khẳng định, về việc xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị nói chung và trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp nói riêng rất quan trọng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, việc xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Trả lời đại biểu Phạm Thị Kiều, đoàn Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương là nhiệm vụ rất quan trọng. Đến thời điểm này, đã hoàn thành xong được danh mục vị trí việc làm. Đối với cơ quan tổ chức hành chính có 866 vị trí; đơn vị sự nghiệp có 615 vị trí và cán bộ công chức cấp xã là 17 vị trí. Trong các chức danh, vị trí lãnh đạo thì đến nay có kết luận số 35 của Bộ Chính trị, chức danh, chức vụ lãnh đạo có tổng số lượng là 32 vị trí từ Trung ương đến cấp xã.

Về vị trí việc làm, từ năm 2016 đến nay, cơ bản các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên chưa hoàn thiện do chưa đảm bảo được một cách đầy đủ, khoa học, căn cơ. Với cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có chỉ đạo để đồng bộ cả hệ thống chính trị. Với khối cơ quan Quốc hội, Ban Công tác đại biểu cần triển khai việc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, đáp ứng được tinh thần cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nêu rõ thực trạng chậm trong xây dựng vị trí việc làm tại đơn vị hành chính sự nghiệp công lập. Đến nay cũng mới có 13/15 Bộ hoàn thành Danh mục vị trí việc làm trong các lĩnh vực chuyên ngành, vì vậy Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ cố gắng sớm hoàn tất để triển khai đồng bộ.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Trong khi đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định quan tâm là chất lượng của vị trí việc làm chưa được đề cập. Đại biểu tỉnh Bình Định cho biết theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống vị trí việc làm của chúng ta cơ bản là chưa đảm bảo chất lượng. Từ đó, dẫn đến khi thực hiện tinh giản biên chế thì không đảm bảo là nâng cao về chất lượng của bộ máy. bởi theo đại biểu, gốc gác của việc xác định vị trí việc làm là chúng ta phải xác định được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc đó. Đặc biệt là phải có phương pháp đo lường được thời gian cần phải có để hoàn thành được nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị”

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, hiện nay, cách thức làm thể hiện trong Nghị định 62 cũng như Nghị định 106 chưa rõ ràng về cơ sở nào để xác định biên chế. Nếu vị trí việc làm không phù hợp thì không thể xác định biên chế phù hợp được và như vậy tiền đề cho cải cách tiền lương cũng không không đảm bảo.

Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024

Với những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại kỳ họp thứ 6 và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoàn thiện đề án vị trí việc làm, ngày 8/12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/3/2024

Theo đó, để triển khai đồng bộ việc xây dựng, quản lý vị trí việc làm ở các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương, nguyên tắc của Trung ương. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tinh thần khó tới đâu gỡ tới đó, không cầu toàn nhưng không được chủ quan, hời hợt, mục tiêu là đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/3/2024, để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Xây dựng, quản lý vị trí việc làm là cơ sở để cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Vị trí việc làm gắn với ngạch của công chức hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức và cũng là căn cứ để cơ quan quản lý công chức, viên chức tuyển dụng và quản lý các đối tượng này. Qua đó giúp cho việc nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Do đó, việc hoàn thiện vị trí việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước. Xây dựng Đề án vị trí việc làm là việc khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, bởi liên quan trực tiếp đến con người, đến việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải thực hiện.

Hiện quỹ thời gian để hoàn thành Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024 không còn nhiều. Theo Chính phủ, đây là nhiệm vụ chính trị, là yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải “chạy đua” với thời gian, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để về đích đúng hạn. Trong đó không thể thiếu được vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và nhạy cảm này.

Ngày 14/12, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 520/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Để triển khai đồng bộ việc xây dựng, quản lý vị trí việc làm ở các bộ, ngành và địa phương, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương, nguyên tắc của Trung ương, đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tinh thần là khó tới đâu gỡ tới đó, không cầu toàn nhưng không được chủ quan, hời hợt, mục tiêu là đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2024.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện việc xây dựng Đề án vị trí việc làm. Trường hợp có vướng mắc thì khẩn trương tổng hợp, gửi đến Bộ Nội vụ, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trước ngày 18 tháng 12 năm 2023 để giải đáp, hướng dẫn. Đề nghị, các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác phối hợp đa chiều, dọc - ngang, trên - dưới, giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau trong triển khai thực hiện, đặc biệt là trao đổi về kinh nghiệm, về khó khăn, vướng mắc và giải pháp xử lý. Đối với những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất, đồng bộ trong các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, Bộ Nội vụ, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động, tích cực phối hợp để có giải pháp tháo gỡ ngay trong khi chưa sửa đổi, bổ sung các Thông tư này, bảo đảm việc thực hiện được thông suốt.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Bộ Nội vụ sẽ thiết lập "đường dây nóng", sử dụng ứng dụng mạng xã hội (nếu cần) để kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận, giải đáp vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương

Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo sẽ thiết lập "đường dây nóng", sử dụng ứng dụng mạng xã hội (nếu cần) để kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận, giải đáp vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và địa phương tại Hội nghị; phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương và Cơ quan có liên quan, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ gửi Bộ Chính trị về triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó lưu ý nêu rõ những việc đã làm được, những khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể.

Không phải cho đến thời điểm này, vấn đề vị trí việc làm mới được đặt ra mà vấn đề này đã có kế hoạch triển khai từ năm 2012.  Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và đặc biệt cơ quan chủ trì là Ban Tổ chức Trung ương được Ban Bí thư giao nhiệm vụ chủ trì để xây dựng vị trí việc làm cho cả hệ thống chính trị. Tính đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định gồm: Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; 20/20 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện yêu cầu về vị trí việc làm gặp không ít khó khăn, bởi việc giao chỉ tiêu biên chế và vị trí việc làm chưa gắn liền với nhau. Trong khi đó, theo yêu cầu tinh giản biên chế như hiện nay thì khó khăn trong việc bảo đảm biên chế theo vị trí việc làm…

Hiện nay, Chính phủ cũng xác định, xây dựng, quản lý vị trí việc làm là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp nhưng là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, tạo động lực và phát huy tính sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ.

 

 

Hải Yến

Các bài viết khác