KHẨN TRƯƠNG PHÁT HÀNH SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO HỌC SINH VÙNG MIỀN NÚI

25/08/2023

Một trong những kiến nghị quan trọng của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số; sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học. Theo các đại biểu Quốc hội, đây là vấn đề cần bắt tay làm ngay nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh dân tộc thiểu số

ĐÁNH GIÁ THẲNG THẮN, TOÀN DIỆN CÁC NỘI DUNG VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH NÊU 9 VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Chậm ban hành Chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng dân tộc thiểu số được quy định là môn học tự chọn. Trên cơ sở Chương trình tổng thể, chương trình 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Khmer, Chăm, Êđê, M'Nông, Mông, Thái, Jrai, Ba Na) đã được ban hành kèm theo Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT. Thời lượng môn học này là 70 tiết/năm học.

Theo đó, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành và sử dụng trong các trường phổ thông đối với lớp 1, lớp 2; sách giáo khoa lớp 3, lớp 4 đang được biên soạn. Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030” cũng được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, báo cáo đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã chỉ rõ, trong cho thấy, Chương trình môn học tiếng dân tộc thiểu số (2020) ban hành chậm 2 năm so với Chương trình tổng thể (2018); dẫn tới chậm phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, ảnh hưởng tới hoạt động dạy học (cuối năm 2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phê duyệt sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong khi lớp 1 triển khai Chương trình mới từ năm học 2020 - 2021; đến nay, học sinh đã kết thúc chương trình lớp 2, 3, 6, 7 và 10).

Việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số không thực hiện được theo phương thức xã hội hóa. Dù có chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách nhà nước từ năm 2020 nhưng hiện nay vẫn chưa có bộ sách này. Đối với nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chậm trễ trong cả hai khâu là ban hành Chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa.

Rà soát, đánh giá chính sách hỗ trợ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm ​

Từ sự chậm trễ trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng chính phủ cần đánh giá bổ sung hạn chế việc biên soạn sách giáo khoa song ngữ tiếng Việt và tiếng một số dân tộc ít người đối với một số môn học ở cấp tiểu học và việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới, đáp ứng cho vùng miền núi, hải đảo, vùng dân tộc rất ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật. Đây cũng là nội dung được đề cập theo Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ nhưng hiện nay chưa được ban hành. Mặt khác, cần phân tích, đánh giá bổ sung về chế độ, chính sách đối với giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số hiện còn nhiều vấn đề bất cập khi thiếu hụt nguồn nhân lực, ít có giáo viên đạt chuẩn, chưa có trong biên chế, vị trí việc làm, thậm chí có giáo viên được phân công dạy học sinh dân tộc nhưng không phải dân tộc đó nên có khó khăn trong việc hiểu và hướng dẫn cho các em, nhất là khối tiểu học.

Bên cạnh đó, cần có đánh giá về việc chậm sửa đổi, ban hành chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Nghị quyết 88, làm ảnh hưởng đến học sinh dân tộc thiểu số là đối tượng thụ hưởng chính sách, cụ thể là ảnh hưởng bởi tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 của Ủy ban Dân tộc về phân định theo trình độ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hai quyết định này tác động không nhỏ đến chế độ, chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh dân tộc thiểu số, tác động khoảng 230 trường phổ thông dân tộc bán trú trước đây và khoảng 80.000 học sinh không còn được hưởng chính sách học sinh bán trú theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ. Việc dừng đột ngột các chính sách này làm ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, tác động đến nguy cơ có thể bỏ học của học sinh.

Đã qua 3 năm, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục rà soát, bổ sung các đối tượng học sinh dân tộc thiểu số chịu tác động của Quyết định 861 và Quyết định 612 và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chính sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh được hưởng chính sách. Tuy nhiên, việc xây dựng dự thảo Nghị định này còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi và chế độ của học sinh. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo sát sao việc sửa đổi Nghị định này. Nếu được, đề nghị tiếp tục kéo dài chính sách đối với địa phương không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn từ 3 - 5 năm để học sinh tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú, vì sau khoảng thời gian này các cháu đã lên cấp học cao hơn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, khi thực hiện Nghị quyết 88 cần quán triệt sâu sắc nguyên lý cơ bản về chính sách dân tộc, bởi đây là một chương trình rất lớn, nhưng không thấy có mục nào ghi cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cả. Cho nên, địa phương tự chủ về ngân sách thì thuận lợi, địa phương không tự chủ được ngân sách thì không có căn cứ để chi, từ đó không chịu sự sự giám sát của người dân và cơ quan dân cử

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị cần quán triệt sâu sắc hơn nữa nguyên lý cơ bản về chính sách dân tộc, tiếp cận cả 2 yếu tố, địa bàn và dân tộc. Nếu chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thì áp dụng theo địa bàn. Còn chính sách dân tộc thì phải áp dụng theo yếu tố con người là người dân tộc. Ví dụ, xã này lên nông thôn mới, nhưng vẫn là người dân tộc, vẫn là người nghèo thì phải được hưởng chính sách dân tộc. Phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển 3 khu vực là để áp dụng cho chương trình mục tiêu quốc gia, chứ không phải áp dụng cho tất cả chính sách kinh tế - xã hội của quốc gia.

Với những kiến nghị trên, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ những vấn đề đặt ra khI thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, đó là sự thiếu chủ động trong ban hành Chương trình môn học tiếng dân tộc thiểu số và ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số; dẫn tới tình trạng Chương trình môn học và sách giáo khoa ban hành chậm. Thứ hai, việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ khó, đòi hỏi nhiều kinh phí, khó thu được lợi nhuận, cần được xác định trước hết là trách nhiệm của Nhà nước, không thể lựa chọn phương thức xã hội hóa vì không thể khả thi. Thực tế cũng cho thấy, không nhà xuất bản nào xây dựng sách giáo khoa môn này, mặc dù Bộ đã thông báo rộng rãi để các nhà xuất bản làm sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặt khác, theo Quyết định 404/QĐ-TTg, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ, bao gồm nhiệm vụ “Biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện), trong đó có sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học”. Rõ ràng, việc chậm trễ trên là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không chủ động triển khai sớm nhiệm vụ này. 

Để sớm khắc phục tình trạng trên, Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo tiếng dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền lợi của học sinh dân tộc thiểu số. Đối với việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới nói chung, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Rà soát, đánh giá và ban hành mới (nếu cần thiết) chính sách hỗ trợ chi phí học tập (trong đó có sách giáo khoa) cho học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Hải Yến