TRIỂN KHAI GIẢI PHÁP GIỮ ĐẤT TRỒNG LÚA, ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC THEO QUY HOẠCH QUỐC HỘI PHÊ DUYỆT

24/08/2023

Sau phiên chất vấn tại phiên họp 25 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề làm sao đảm bảo diện tích 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030 theo Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã được Quốc hội phê duyệt được Chính phủ rất quan tâm thực hiện, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cả về trước mắt và lâu dài. Đây là vấn đề cấp bách được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã và đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

TS. TRẦN CÔNG THẮNG: ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Thực hiện nhiều giải pháp thu hồi đất trồng lúa, đảm bảo đến năm 2030 giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa theo quy hoạch được Quốc hội phê duyệt

Tại Kết luận sau phiên chất vấn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đối với đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép. Kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp.

Toàn cảnh phiên chất vấn tại phiên họp 25 Uỷ ban thường vụ Quốc hội 

Để thực hiện các giải pháp theo kiến nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, diện tích trồng lúa cả nước là 3.940.619ha (theo Quyết định số 387/QĐ-BTNMT ngày 2.3.2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tính từ năm 2021 hết đến tháng 7.2023 đã chuyển đổi và thu hồi khoảng  6.370ha diện tích đất trồng lúa, trong đó năm 2021 là 2.040ha; năm 2022 là 2.220ha; và đến tháng 7.2023 là 2.110ha. Đây là diện tích Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận

Theo báo cáo, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 81 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, trong đó nêu rõ sự cần thiết nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, trong đó yêu cầu đến năm 2030 giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất lúa, với sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo. 

Giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025; trong đó đến năm 2030, chỉ tiêu đất trồng lúa cả nước có 3,57 triệu héc ta, giảm 348 nghìn hécta so với năm 2020 (đất chuyên trồng lúa nước là 3.001 triệu héc ta, giảm 175 nghìn héc ta so với năm 2020); cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn héc ta đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. Từ đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326 phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Kiểm soát chặt việc chuyển đổi đất trồng lúa

Để giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải có quy hoạch chặt chẽ, chính xác, khoa học. Quy hoạch về đất đai thì phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển xã hội, đặc biệt là cập nhật quy hoạch theo thực tế đô thị hóa của từng vùng, từng địa phương và kết nối liên vùng cần được tính toán cho phù hợp.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chỉ rõ, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều này thể hiện rõ qua các Nghị quyết như Nghị quyết 16, hiện nay là Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình, đề án về an ninh lương thực quốc gia đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống của người dân có bước cải thiện nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phân tích, thực tế thời gian qua vì sao người nông dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dù biết là chưa đúng với chính sách pháp luật của Nhà nước? Liệu chính sách của Nhà nước đối với người trồng lúa hiện nay có phù hợp hay chưa? Nếu chúng ta không hoặc chưa giải quyết được câu hỏi này thì trong định hướng quy hoạch hiện nay cũng như là Luật Đất đai cũng khó có thể thực hiện nghiêm và quy hoạch quốc gia có ban hành mục tiêu 3,5 triệu đất lúa liệu có đạt được hay không?

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị, thời gian tới cần quy định rõ về giải pháp và cơ chế chính sách theo hướng có lợi trực tiếp và phù hợp với từng vùng miền cho người trồng lúa thì người nông dân không bỏ cây lúa, thậm chí diện tích đất lúa có thể tăng lên trong tương lai.

Ngoài ra, bàn về vấn đề này, một số chuyên gia cũng cho rằng, đất nông nghiệp nói riêng là tư liệu sản xuất quan trọng đối với quốc gia. Vì vậy, việc giữ gìn đất đai, đặc biệt giữ được đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa có ý nghĩa rất quan trọng. Với Việt Nam, là một đất nước nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, thì việc giữ được đất lúa, giữ được 3,5 triệu ha là đồng nghĩa với việc đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia cả về trước mắt và lâu dài. Do đó chúng ta phải có nhiều giải pháp đồng bộ thì mới hạn chế được việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng trước tiên là phải hạn chế được tối đa được việc chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ, phải làm đúng theo Luật Đất đai và phải theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Giải pháp tiếp theo là làm sao để các địa phương được giao nhiều đất lúa, các hộ nông dân được giao sử dụng đất nông nghiệp phải sống được bằng nghề trồng lúa, có như vậy, địa phương đó, người nông dân đó mới yên tâm sản xuất để phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia. Việt Nam có lợi thế để phát triển nông nghiệp song hiện nay người nông dân, đặc biệt là người trồng lúa lại có thu nhập rất thấp, vì vậy phải hỗ trợ để họ có thể sống được bằng nghề.

Kiểm soát chặt việc chuyển đổi đất lúa được đưa ra trong dự thảo Luật Đất đai ( sửa đổi)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để kiểm soát việc chuyển đổi đất lúa, hiện nay Luật Đất đai(sửa đổi) đang được cho ý kiến đã sửa đổi theo hướng quy định chặt hơn những điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa, bảo đảm đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sử dụng đúng mục đích sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định theo hướng chặt chẽ hơn như cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định...

Bổ sung quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, theo đó cho phép các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (kể cả đất lúa, đất rừng phòng hộ) đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt (tại Điều 191 Luật Đất đai năm 2013); đồng thời, bỏ quy định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng đất lúa, đất rừng; bỏ điểm b khoản 1 Điều 179, Điều 190 Luật Đất đai năm 2013.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp (tại Điều 129 và Điều 130 Luật Đất đai năm 2013). Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với từng loại đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng, miền.

Nghiên cứu cơ chế tài chính linh hoạt, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, tránh tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Theo đó, cần xây dựng cơ chế tính giá trị của các thửa đất để tạo thuận lợi và xây dựng căn cứ cho các hộ đổi đất với nhau. Tăng cường sử dụng công cụ thuế và các chế tài mới để hạn chế, ngăn ngừa các hành vi “gom” đất nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi đi ngược lại nhu cầu tích tụ, tập trung đất nông nghiệp vì mục đích phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Xử lý nghiêm các hình thức tích tụ ruộng đất theo kiểu bắt bí hộ đói nghèo... để mua rẻ hoặc thu hồi đất “bờ xôi, ruộng mật”, lập dự án “treo”, hay phân lô bán để trục lợi. Xem xét đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến với mức thấp nhất bằng tiền thuê đất lúa của Nhà nước hiện nay để tránh tình trạng bỏ hoang đất. Bỏ thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất chính sách mới khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết với hợp tác xã, trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp.

Nghiên cứu, bổ sung thêm loại đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vào phân loại đất phi nông nghiệp. Đối với loại đất này, để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp (như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến, nhà kho lưu trữ, bảo quản nông sản) trên đất nông nghiệp sau khi chuyển mục đích sử dụng, theo nguyên tắc diện tích được phép chuyển mục đích sử dụng tương ứng với sản lượng tạo ra từ vùng chuyên canh. Cho phép doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích nhất định để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhận diện rõ tính cấp thiết trong việc giữ diện tích đất trồng lúa bảo đảm phục vụ an ninh lương thực, ngoài việc sửa đổi Luật đất đai, Hiện UBND cấp tỉnh đang khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021- 2025 cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; các Bộ, ngành đang hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan có sử dụng đất bảo đảm tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, với việc giữ diện tích đất trồng lúa là 3,5 triệu héc ta đến năm 2030 theo Kết luận số 81 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 34 của Chính phủ, Nghị quyết số 39 của Quốc hội, thì diện tích gieo trồng lúa cần khoảng 7 triệu ha với sản lượng đầu ra khoảng 43 triệu tấn thóc/năm, tương đương với 27 - 28 triệu tấn gạo. Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN và PTNT, thì lượng lúa dùng cho bảo đảm an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác  khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm, trong đó, khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7 - 8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050.

Hải Yến