CẦN QUAN TÂM CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ SAU SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

04/05/2022

Vừa qua, tại buổi khảo sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thành viên Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phương án giải quyết phù hợp trong công tác cán bộ, đồng thời quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ.

 

Đại diện Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo kết quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Hà cho biết, huyện Thạch Hà sắp xếp 15 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị hành chính mới, giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 9 trạm y tế, 10 trường mầm non và trường tiểu học (giảm 18 đầu mối đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trụ sở làm việc).

Đến thời điểm hiện nay, Uỷ ban nhân dân huyện đã thực hiện tinh giảm đối với 124 cán bộ, công chức (57 cán bộ, 67 công chức) và 74 người hoạt động không chuyên trách cấp xã với các phương án như đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp nhận về công tác tại các cơ quan cấp huyện; chuyển đến công tác tại các xã còn thiếu biên chế và các xã có công chức năng lực, sức khỏe yếu nghỉ công tác theo diện tinh giản biên chế; giải quyết chế độ tinh giản biên chế và thôi việc theo đúng quy định;…

Hiện nay, tại các xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, còn dôi dư 44 người (19 cán bộ, 25 công chức), ngoài ra tại các xã không thực hiện sắp xếp còn dôi dư 10 công chức. Đối với số lượng cán bộ, công chức dôi dư cơ bản có tuổi đời còn trẻ, số năm tham gia Bảo hiểm xã hội ít và chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP chưa khuyến khích được cán bộ, công chức nghỉ việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi khảo sát, một số ý kiến cho rằng, huyện Thạch Hà đã sắp xếp 15 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị hành chính mới, giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sáp nhập, khối lượng, áp lực công việc tăng lên nhưng chế độ, chính sách chưa thực sự tương xứng, đặc biệt là với các xã có quy mô lớn; do đó,các ý kiến đề xuất cần nâng mức hỗ trợ để khuyến khích đội ngũ cán bộ.

Bày tỏ băn khoăn về chế độ đối với cán bộ, công chức sau sáp nhập, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Ninh chia sẻ, khi sáp nhập xã có gần 600 đối tượng là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cũng cho rằng, nếu chỉ có một cán bộ công chức quản lý theo quy định hiện hành thì việc hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ rất khó. Khối lượng công việc áp lực hơn nhưng chế độ tiền lương vẫn như cũ, do đó cần nghiên cứu tăng chế độ cho cán bộ, công chức.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cũng bày tỏ băn khoăn về chế độ chính sách, tiền lương đối với cán bộ, công chức sau sáp nhập. Theo đó, xã Lưu Vĩnh Sơn là xã được sáp nhập từ 3 xã, sau sáp nhập có 18 thôn với diện tích trên 40km2, địa hình đồi núi chiếm trên 50% dẫn tới việc cán bộ di chuyển làm việc với các thôn rất vất vả. Trong khi đó, chế độ chính sách, tiền lương vẫn còn thấp.

Đại diện Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị địa phương đưa công nghệ số, chuyển đổi số để phục vụ trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như dịch vụ công cung cấp cho người dân

Giải trình ý kiến của thành viên Đoàn Giám sát về khả năng đáp ứng của cán bộ, công chức cấp xã trong việc phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính, đại diện Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Hà cũng thừa nhận, do khối lượng công việc nhiều nên trong quá trình vận hành có thời điểm quá tải, đặc biệt là đối với các lĩnh vực về thống kê, tài nguyên môi trường và an ninh trật tự. Do đó có sự quá tải về thời gian đối với những xã sáp nhập 3 xã.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nhận định, khi sáp nhập các đơn vị sẽ có khó khăn trong hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân của chính quyền địa phương. Đại diện Vụ Chính quyền địa phương cho biết, hiện nay Chính phủ đang triển khai chính quyền số, do đó đề nghị địa phương cần đổi mới về quan điểm quản lý để đưa công nghệ số, chuyển đổi số để phục vụ trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như dịch vụ công cung cấp cho người dân. Từ đó sẽ có tầm nhìn mới, giúp hạn chế sự ảnh hưởng trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Cho ý kiến về vấn đề này, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, chia sẻ với những khó khăn bước đầu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn nhưng số lượng cán bộ công chức không tăng. Thành viên Đoàn Giám sát đề nghị địa phương tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính để giảm tải áp lực công việc đối với cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập.

Kết luận nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, đối với những đơn vị đã sáp nhập cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, tạo không gian phát triển để qua đó tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân, giúp người dân thấy được tính đúng đắn của chủ trương lớn; đồng thời cần có phương án giải quyết phù hợp, có tình có lý trong công tác cán bộ bởi đây là việc liên quan đến tâm tư tình cảm của mỗi cá nhân; cùng với đó cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ./.

Minh Thành