TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM SÁT VIÊN LÀM CÔNG TÁC KIỂM SÁT GIẢI QUYẾT ÁN HÀNH CHÍNH

27/04/2022

Báo cáo với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Tư pháp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại hạn chế trong công tác kiểm sát giải quyết án hành chính là do chất lượng Kiểm sát viên tại một số đơn vị không đồng đều. Vì vậy cần tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát viên làm công tác này.

 

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tình hình Viện Kiểm sát tham gia phiên toà hành chính về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021 với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Tư pháp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, Kiểm sát viên tham gia 100% các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm. Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà hành chính sơ thẩm là kết tinh của quá trình nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên toà, là kết quả hoạt động của công tác kiểm sát của Kiểm sát viên. Điều đó đã thể hiện vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính nhằm bảo đảm các hoạt động của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng trong vụ án được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức và công dân. Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm còn là căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét, quyết định trước khi tuyên án và được làm căn cứ để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị sau phiên toà.

Trên cơ sở kết quả công tác kiểm sát giải quyết án hành chính trong giai đoạn 2019-2021, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhận thấy bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được, công tác kiểm sát vẫn còn một số nhược điểm, hạn chế tồn tại. Theo đó, Lãnh đạo Viện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối công tác này; chọn lựa, bố trí Kiểm sát viên có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đồng thời tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo tại đơn vị nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà, phiên họp; nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị.

Cùng với đó, Kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án hành chính đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực, có ý thức trách nhiệm trong việc nghiên cứu, kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính. Nắm chắc các quy định của pháp luật tố tụng hành chính, các quy chế, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành; đồng thời nghiên cứu, cập nhật và vận dụng đúng các quy định của pháp luật liên quan, các án lệ của Toà án nhân dân tối cao nhằm xây dựng bài phát biểu tại phiên tòa hành chính sơ thẩm đạt chất lượng cao.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tuy nhiên, vẫn còn có án bị Tòa án cấp trên sửa, hủy do lỗi của Kiểm sát viên bởi nghiên cứu hồ sơ không kỹ; chưa nắm chắc các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan; chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên còn hạn chế, chưa đánh giá, đưa ra quan điểm giải quyết vụ án được toàn diện. Lý giải nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, số lượng vụ việc Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa ngày càng tăng trong khi Kiểm sát viên tham gia công tác kiểm sát án hành chính, KDTM, lao độngcấp tỉnh và huyện còn thiếu. Đặc biệt, tại đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, Kiểm sát viên còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên chưa đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ và các văn bản pháp luật liên quan, do đó có một số vụ chưa chuẩn bị kỹ việc xây dựng dự thảo bài phát biểu dẫn đến chất lượng bài phát biểu chưa cao. Một số vụ án có tính chất phức tạp, pháp luật điều chỉnh chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết vụ án nên Kiểm sát viên còn lúng túng khi đưa ra quan điểm xử lý và điều luật áp dụng.

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội có nhiều dự án trọng điểm của quốc gia, địa phương liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nên số lượng án ngày càng gia tăng, một số dự án khi triển khai thực hiện đã bị khiếu kiện tập thể. Mặc dù Tòa án hai cấp thuộc thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đưa vụ án ra xét xử đảm bảo đúng thời hạn giải quyết, nhưng do tính chất phức tạp của các vụ án cùng với số lượng án nhiều nên việc thu thập chứng cứ, sắp xếp hồ sơ của Tòa án chưa đảm bảo quy định khi chuyển sang Viện kiểm sát. Từ đó đã gây khó khăn cho công tác kiểm sát, đặc biệt là trong việc photo tài liệu, trích cứu hồ sơ, nghiên cứu vụ án phục vụ công tác kiểm sát xét xử.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng nêu rõ, việc kiểm tra đôn đốc của lãnh đạo một số đơn vị chưa thường xuyên; một số Kiểm sát viên còn ít chú trọng về hình thức, cách lập luận trong bài phát biểu, vẫn còn trường hợp phụ thuộc vào đề cương bài phát biểu trước khi tham gia phiên tòa nên chưa cập nhật kịp thời tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa. Cùng với đó, chất lượng Kiểm sát viên tại một số đơn vị không đồng đều, một số Kiểm sát viên mới được điều động về nhận công tác tại đơn vị, trước đó tại đơn vị cũ họ chưa có nhiều kinh nghiệm làm công tác kiểm sát giải quyết án hành chính. Bên cạnh đó, một số Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm nên kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghiên cứu, tham gia phiên tòa, kỹ năng xây dựng bài phát biểu, kỹ năng phát hiện vi phạm để đề xuất lãnh đạo đơn vị kiến nghị, kháng nghị theo chức năng nhiệm vụ của Ngành còn hạn chế./.

Minh Thành

Các bài viết khác