Tham vấn chuyên gia về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo

23/08/2024

Sáng ngày 23/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì Tọa đàm.

Tham vấn chuyên gia về đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng các nhà giáo, nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, thời gian qua, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rất nhiều hoạt động để chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo như các hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật này. Từ dự thảo đầu tiên cho đến dự thảo gần nhất đã có những điều chỉnh lớn, thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao từ phía Cơ quan soạn thảo, để dần hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo hoàn chỉnh đáp ứng mong muốn, yêu cầu đặt ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, thời gian qua, giữa cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan soạn thảo là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nội dung dự thảo Luật. Tới thời điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, công tác chuẩn bị hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo của Cơ quan soạn thảo đã dần đi đến hoàn tất, dự kiến sẽ sớm có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Trên cơ sở mục đích của Tọa đàm hôm nay, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể liên quan đến quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Qua thảo luận, các chuyên gia bước đầu cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo đã có nhiều điểm mới tiến bộ, cơ bản xác định được vai trò, hoạt động của nhà giáo, nêu bật được tính tự chủ của nhà giáo, nhằm chuẩn hóa và tôn vinh nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, phát huy tính sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội hiện nay của đất nước. Các quy định nhìn chung có sự đầu tư công phu, thể hiện là một đạo luật chuyên ngành mang tính pháp lý, nền tảng cho việc xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật, điều chỉnh các mối liên quan như quyền, nghĩa vụ, chức danh, tiêu chuẩn, giấy phép hành nghề, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, đãi ngộ… đối với nhà giáo.

Các đại biểu tại Tọa đàm

Để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu cho rằng, vị trí của cán bộ quản lý giáo dục cần được xác định rõ ràng hơn, ngay từ định nghĩa khái niệm được quy định trong dự thảo Luật. Đồng thời, làm rõ nội dung về phân cấp trong quản lý nhà giáo; nghiên cứu quy định tư cách pháp lý cho cả giáo viên online…

Đặc việt, theo các đại biểu, dự thảo Luật này cần đảm bảo giải quyết hài hòa giữa quản lý nhà nước và quản trị trường học; giải quyết được những vướng mắc, đảm bảo tính chủ động trong công tác tuyển dụng, sử dụng, điều động, thuyên chuyển nhà giáo.

Riêng về vấn đề tuyển dụng, các ý kiến cho rằng, rất cần thiết quy định các chính sách cụ thể thu hút người tài vào ngành giáo dục, đảm bảo tính hấp dẫn, công bằng. Bởi theo các chuyên gia, thực tế ở nước ta, cơ hội nghề nghiệp của giảng viên hiện nay hấp dẫn hơn nhiều so với giáo viên dạy nghề. Thu nhập của giảng viên cũng cao hơn so với những vị trí kém hấp dẫn. Bởi vậy, các cơ sở tuyển dụng vị trí giảng viên sẽ thu hút được nhiều ứng viên hơn. Do vậy, các đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra đối với dự thảo Luật Nhà giáo lần này là làm sao đưa ra được những quy định đảm bảo được sự công bằng trong thu hút, tuyển dụng nhà giáo thông qua những chính sách cụ thể ngay trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này.  Bên cạnh đó, đối với nguồn nhân lực đó trình độ, tài năng, dự thảo Luật Nhà giáo cũng cần có chính sách về đặc cách, ưu tiên tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục.

Cho rằng đánh giá nhà giáo là một nội dung rất quan trọng của dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu nhấn mạnh, đây là một quá trình toàn diện, đa dạng và liên tục nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên môn của giáo viên. Do vậy, quá trình đánh giá nhà giáo cần đảm bảo tính công minh, minh bạch, nhằm mục đích xác định các nội dung cần cải tiến cũng như hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực giảng dạy.

PGS.TS Cao Văn Sâm, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Tọa đàm

Hiện tại, về nội dung này, dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến đánh giá, phân loại nhà giáo. Các đại biểu bày tỏ đồng tình giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, tuy nhiên dự thảo Luật cũng cần có những quy định khung rõ ràng cho việc đánh giá, phân loại nhà giáo: Khung đánh giá (cụ thể các yêu cầu), quy trình đánh giá (các đối tượng tham khảo…) và phương thức triển khai (tiêu chí tổ công tác, nhân sự tham gia đánh giá) …

Bên cạnh đó, các đại biểu lưu ý, hiện nay có rất nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật điều tiết đến đối tượng nhà giáo, do vậy, việc rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo và luật khác, Cơ quan soạn thảo cần bao quát và cân nhắc việc quy định cho phù hợp, khả thi, tránh chồng chéo đối với những quy định liên quan đến nhà giáo đã được quy định trong Luật Viên chức, Luật Giáo dục và các luật khác có liên quan. Các quy định của dự thảo Luật Nhà giáo cũng cần đảm bảo hạn chế việc viện dẫn trong quá trình áp dụng để tránh rối rắm, khó áp dụng trong thực tiễn.

Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật nói chung và các quy định liên quan đến quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo nói riêng, các đại biểu cho rằng cần đảm bảo được tính nguyên tắc và tính kế thừa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Phát biểu kết thúc nội dung Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cảm ơn, ghi nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục tại Tọa đàm; đồng thời cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu thận trọng trên các ý kiến để làm cơ sở cho quá trình thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo đảm chất lượng.

Trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, quan tâm, góp ý đối với các nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo từ các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý, để các quy định của dự thảo Luật khi được hoàn thiện sẽ đảm bảo phù hợp, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà giáo và xã hội.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm: 

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng các nhà giáo, nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

PGS.TS Cao Văn Sâm, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

PGS.TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ĐBQH tỉnh Bình Định

Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang 

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Các đại biểu tại Tọa đàm

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác