Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

23/08/2024

Chiều ngày 14/8/2024, tại Phiên chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này:

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT DI SẢN VĂN HOÁ (SỬA ĐỔI)

TIẾP TỤC RÀ SOÁT CÁC CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HOÁ

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan của Quốc hội, cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị nghiêm túc, thận trọng, chất lượng, nêu đầy đủ vấn đề đặt ra và thể hiện rõ quan điểm của cơ quan chủ trì việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung tại Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cụ thể: (1) Tên gọi và  phạm vi điều chỉnh; (2) Sở hữu di sản văn hóa; (3) Chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; (4) Các hành vi bị nghiêm cấm; (5) Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm kê di sản tư liệu; (6) Sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình; sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; (7) Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; (8) Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó tập trung một số nội dung sau:

Về sở hữu di sản văn hóa: rà soát các quy định về xác lập sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng đối với di sản văn hóa để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa: tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể các chính sách, đặc biệt các chính sách ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; các chính sách cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số để phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả của các chính sách khi được ban hành

Về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích: nghiên cứu quy định cụ thể việc điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; xác định rõ hơn nguyên tắc khi điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ.

Về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới: cần đánh giá đầy đủ tác động các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ; các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Về cơ chế, chính sách đầu tư công, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa: cần quy định cụ thể cơ chế, chính sách về đầu tư công, nguồn lực xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần cụ thể để bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả.

Về thanh tra di sản văn hóa: Đề nghị Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa: tiếp tục rà soát, chỉ quy định cụ thể về trách nhiệm của một số Bộ có chức năng liên quan trực tiếp về hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhưng chưa được pháp luật quy định hoặc quy định chưa rõ, bảo đảm ngắn gọn, không quy định quá chi tiết, dàn trải, trùng lặp.

Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa: rà soát, xác định rõ căn cứ, cơ sở thực tiễn của việc thành lập Quỹ, đặc biệt việc thành lập Quỹ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Về các nội dung giao quy định chi tiết thi hành Luật: nghiên cứu để giới hạn phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết cho phù hợp; trường hợp cần giao quy định chi tiết, phải xác định những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện, trình hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào cuối tháng 8/2024; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) xem xét, thông qua theo đúng quy định.

 

Xem toàn văn Kết luận tại đây:

Số ký hiệu 4182 /TB-TTKQH
Ngày ban hành 22/8/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Tổng Thư ký Quốc hội
Người ký Bùi Văn Cường
Trích yếu

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác