Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

23/08/2024

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

SỬA ĐỔI LUẬT ĐIỆN LỰC CẦN BÁM SÁT NGHỊ QUYẾT 55-NQ/TW VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA

Theo đó, ngày 19/8/2024, tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo Tờ trình số 380/TTr-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ. UBTVQH kết luận như sau:

1. UBTVQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, nghiêm túc và khẩn trương của Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã kịp thời tổ chức thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và có Báo cáo thẩm tra bảo đảm yêu cầu chất lượng.

2. UBTVQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật; hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

3. Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung làm rõ và lưu ý một số nội dung sau:

3.1. Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; kết nối với thị trường khu vực và thế giới; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp; luật hóa việc điều hành giá điện; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, triển khai tích trữ điện năng; có cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

3.2. Thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Rà soát các quy định để bảo đảm nguyên tắc không hợp thức hóa sai phạm đặc biệt là quy định về cơ chế xử lý các nguồn điện chậm tiến độ; quy định về điều khoản thi hành, chuyển tiếp, lưu ý các nội dung liên quan đến Nghị quyết giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 vừa mới được UBTVQH thông qua kỳ họp trước.

Đối với các chính sách mới, ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, thay đổi căn bản quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa có chủ trương cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội, kể cả về “điện hạt nhân”.

3.3. Rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật, tuân thủ Hiến pháp và các điều ước quốc tế; đánh giá tác động đầy đủ đối với các chính sách; rà soát các khái niệm, từ ngữ chuyên môn, để giải thích đầy đủ, bảo đảm rõ nghĩa, dễ hiểu; rà soát lại văn phong, cách diễn đạt của dự thảo Luật và các quy định để tránh cách hiểu khác nhau hoặc tùy nghi áp dụng hoặc chung chung, không cụ thể.

3.4. Cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để bảo đảm khả thi; xem xét kỹ các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, giảm đầu tư công. Rà soát, nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra về chính sách đối với “chuyển đổi năng lượng”; loại hình “lưu trữ điện năng”, “công nghệ lưu trữ năng lượng”, “trạm sạc điện”.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.

3.5. Rà soát, làm rõ, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về phạm vi, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch; cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực; dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng dự án công trình điện khẩn cấp; phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; lựa chọn nhà đầu tư, trách nhiệm của Bộ, ngành trong việc chậm lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện; tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện (nguồn điện, lưới điện) thông qua phương thức đấu thầu; các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; chuyển đổi năng lượng; giấy phép hoạt động điện lực, miễn trừ giấy phép; thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện; hợp đồng mua bán điện; giá điện và giá các dịch vụ về điện; nguyên tắc, lộ trình xóa bỏ bù giá chéo; công khai, minh bạch về các loại giá và nhiều nội dung khác nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT và các cơ quan của Quốc hội.

3.6. Rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các nội dung của các Luật nêu trong phụ lục của báo cáo thẩm tra trong đó có Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng… Việc xử lý mâu thuẫn, chồng chéo phải đảm bảo không phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của các luật chuyên ngành. Cân nhắc kỹ lưỡng khi quy định trong Luật Điện lực những quy định đặc thù trái với các Luật khác; không quy định lại các nội dung đã quy định trong các luật khác. Rà soát các quy định làm phát sinh thủ tục hành chính, so với Luật hiện hành dự thảo Luật bãi bỏ được 19 thủ tục hành chính nhưng tăng thêm 29 thủ tục.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

3.7. Cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết; Rà soát quy định về áp dụng Luật, điều khoản thi hành, bảo đảm khả thi, không để xảy ra vướng mắc, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

4. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị, tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình thuyết phục các ý kiến tham gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, được sự đồng thuận của Cơ quan chủ trì thẩm tra, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì UBTVQH xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

5. Nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội cho ý kiến, đề nghị Chính phủ khẩn trương, bổ sung hoàn thiện Hồ sơ trong thời gian sớm nhất theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 ngày 12/12/2022 về Quy chế làm việc của UBTVQH, để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến vào cuối tháng 8/2024, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

6. Giao Ủy ban KH,CN&MT thẩm tra chính thức dự án Luật; lưu ý nêu rõ quan điểm về các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ, về việc bảo đảm yêu cầu, chất lượng để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Xem toàn văn Kết luận tại đây:

Số ký hiệu 4180/TB-TTKQH
Ngày ban hành 23/8/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Tổng Thư ký Quốc hội
Người ký Bùi Văn Cường
Trích yếu

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác