TẬN DỤNG CƠ HỘI ĐƯỢC GIẢI TRÌNH ĐỂ LÀM RÕ NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH, THỜI SỰ

22/03/2024

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 đại diện lãnh đạo các Bộ ngành từ góc độ của cơ quan có trách nhiệm giải trình đều cho rằng để nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình tại phiên họp của các cơ quan của Quốc hội cần chú trọng lựa chọn vấn đề yêu cầu giải trình bám sát thực tiễn, những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, mang tính thời sự, cấp bách, đồng thời yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình báo cáo, làm rõ và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LAN TỎA NHẬN THỨC, CÁCH LÀM SÁNG TẠO, LÀM CHO VIỆC NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH THÀNH NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

RÕ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN KHI TIẾN HÀNH TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH ĐỂ KỊP THỜI GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ “NÓNG”, MANG TÍNH THỜI SỰ

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ đều thống nhất cho rằng việc tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 là rất cần thiết để quán triệt một bước sâu hơn, thống nhất cả về nhận thức và hành động trong tổ chức các hoạt động giải trình quy mô hơn, bài bản hơn; thể hiện quyết tâm rất cao để nâng cao được chất lượng, hiệu quả của các phiên giải trình.

Từ thực tiễn tham gia hoạt động giải trình, đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…đều cho rằng hoạt động giải trình giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu giải trình, vừa là phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện “kiểm soát” việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Thông qua phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể đánh giá tính hiệu quả, chất lượng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người được yêu cầu giải trình, đồng thời đây cũng là cơ hội để người được yêu cầu giải trình chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành khi thực hiện chính sách, pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành thảo luận tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tính từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, trong 31 phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được yêu cầu tham gia giải trình các nội dung liên quan đến: kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 05 năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (Ủy ban Kinh tế); tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020 (Ủy ban Tài chính, Ngân sách); việc thực hiện chính sách, phát luật về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2018 (Hội đồng Dân tộc); tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Kinh tế);...

Đối với mỗi nội dung được yêu cầu giải trình hoặc tham gia giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện đầy đủ theo kế hoạch, nội dung, phạm vi giải trình; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ theo yêu cầu; nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về kết quả thực hiện nội dung giải trình.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thanh Trung, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói chung và hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nói riêng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nói riêng, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thanh Trung nhấn mạnh, đây là căn cứ quan trọng để Bộ rà soát, nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tham mưu sửa đổi các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các văn bản luật, nghị quyết quan trọng. Cụ thể như các dự án luật: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các Luật và Nghị quyết về quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi),.. Hay như các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng về chính sách tài khoá, tiền tệ, phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; các nghị quyết Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số nội dung chính của Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15

Với mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; ngày 25/01/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, nghị quyết trên đã hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, phạm vi giải trình; tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình; trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; theo dõi, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, đây là văn bản quan trọng giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội triển khai thực hiện thống nhất các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân khi tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 với các quy định hướng dẫn cụ thể về Tiêu chí lựa chọn vấn đề (Điều 4), Nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình (Điều 5)… góp phần khoanh vùng vấn đề, đưa nội dung phiên giải trình đi vào chiều sâu, nhằm tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề cụ thể, có tính thời sự, bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15, đại diện lãnh đạo các Bộ đều cho rằng khi tiến hành lựa chọn vấn đề yêu cầu giải trình cần bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, mang tính thời sự, cấp bách, đồng thời yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình báo cáo, làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được yêu cầu giải trình.

Thông tin về các nội dung giải trình của người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình cần được công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; cung cấp đầy đủ thông tin đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban dân tộc; Ủy ban của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ Nghị quyết đã quy định rõ quyền của người giải trình là được thông báo về thời gian, kế hoạch tổ chức nội dung phiên giải trình và nội dung được yêu cầu giải trình. Do đó, đề nghị đối với những phiên giải trình đã có trong kế hoạch hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cần thông tin đến đối tượng giải trình nắm được và phối hợp triển khai.

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 về thời hạn thông báo về tổ chức phiên giải trình "chậm nhất 10 ngày trước ngày tiến hành phiên giải trình", trong khi đó yêu cầu người giải trình phải "có trách nhiệm xây dựng báo cáo theo đề cương và gửi đến Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 05 ngày trước ngày tổ chức phiên giải trình. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng với quy định này, nhất là đối với các phiên giải trình đột xuất, các cơ quan sẽ có khoảng 5 ngày để chuẩn bị các báo cáo sẽ là thách thức khi mà nội dung giải trình là vấn đề nóng, cấp bách, những vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị thông báo sớm nội dung giải trình đã được đưa vào kế hoạch để các cơ quan phối hợp chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chất lượng của phiên giải trình, giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi.

Cùng với việc xác định đúng và trúng vấn đề, nội dung giải trình, theo đại diện Bộ Tư pháp để tăng cường chất lượng phiên giải trình cũng cần khắc phục, cải thiện tình trạng gửi tài liệu chậm, muộn để các đại biểu có thời gian nghiên cứu kỹ, hiểu rõ và nắm chắc vấn đề.

Vụ trưởng Vụ Hành chính, Hình sự, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Hạnh phát biểu

Theo đó, việc thông báo về nội dung và kế hoạch tổ chức phiên giải trình cần thực hiện từ sớm để người được yêu cầu giải trình có đủ thời gian để thu thập thông tin, dữ liệu nhằm xây dựng báo cáo giải trình đầy đủ, chất lượng. Tăng cường trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình trong việc gửi báo cáo đúng thời hạn, kịp thời. Tăng cường sự chủ động, tích cực của Tiểu ban, Nhóm nghiên cứu trong việc chuẩn bị tài liệu và gửi tài liệu về phiên giải trình sớm và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (trừ các nội dung chứa đựng bí mật nhà nước, bí mật đời tư, … theo quy định của pháp luật).

Tăng cường hiệu quả việc điều hòa hoạt động giải trình của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, theo đó, cần xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động giải trình khoa học, bảo đảm phù hợp, tránh trùng lắp về vấn đề yêu cầu giải trình và tránh gây quá tải, làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu giải trình.

Nhiều ý kiến đều nhấn mạnh cần phải có cơ chế theo dõi, đôn đốc và báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện theo Kết luận vấn đề được giải trình. Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, chậm thực hiện Kết luận các vấn đề được giải trình, cần có cơ chế gắn trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Cùng với đó, cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về nhiệm vụ giải trình; trách nhiệm giải trình; hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đối với các vấn đề được giải trình để kịp thời thông tin đến cử tri, Nhân dân, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, thông suốt và kịp thời./.     

Bảo Yến