PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LAN TỎA NHẬN THỨC, CÁCH LÀM SÁNG TẠO, LÀM CHO VIỆC NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH THÀNH NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

19/03/2024

Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ: với tinh thần giám sát nói chung và giải trình nói riêng là để kiến tạo, cần nhận thức sâu sắc mục đích chính của giải trình là làm rõ trách nhiệm và cùng nhau nghiên cứu để phân tích các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng qua Hội nghị sẽ góp phần tổ chức tốt hơn hoạt động giải trình; lan tỏa nhận thức, cách làm sáng tạo trong hoạt động giải trình ở các cấp, các ngành, góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình thành một nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội.

HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT VỀ HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

RÕ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN KHI TIẾN HÀNH TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH ĐỂ KỊP THỜI GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ “NÓNG”, MANG TÍNH THỜI SỰ 

Toàn cảnh Hội nghị

Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tích cực, Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tại Hội nghị đã nghe báo cáo về một số nội dung chính của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 và 12 tham luận của các cơ quan, đơn vị, bao gồm cả cơ quan tổ chức giải trình và cơ quan chịu trách nhiệm giải trình, để nhận định, đánh giá một cách khách quan, đề xuất những giải pháp có hiệu quả, góp phần thực nâng cao chất lượng hoạt động giải trình trong thời gian tới. Hội nghị thống nhất cho rằng việc tổ chức hội nghị này là rất cần thiết để quán triệt một bước sâu hơn, thống nhất cả về nhận thức và hành động trong tổ chức các hoạt động giải trình.

Ghi nhận các kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu các vấn đề được nêu như vấn đề giám sát lại, công khai thông tin, tổ chức tập huấn, thanh tra công vụ xử lý theo quy định, thời gian gửi báo cáo, cần có các dự báo từ bắt đầu từ khi hình thành ý định, trao đổi với các cơ quan để có dự lệnh và động lệnh để các cơ quan có sự chủ động.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận Hội nghị

Nêu rõ, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết này và cũng là năm đầu tiên áp dụng các quy định của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải trình theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất, chủ động trong việc tổ chức hoạt động giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh một số nội dung:

Trước tiên, các cơ quan cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15. Chủ động thu thập, tổng hợp thông tin, trên cơ sở triển khai các hoạt động giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công để lựa chọn nội dung giải trình trong Chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trong trường hợp các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cần tổ chức giải trình mà chưa đưa vào kế hoạch đầu năm thì phải chuẩn bị nhanh, gọn, tổ chức khẩn trương, bảo đảm tính thời sự với yêu cầu khắc phục ngay những bất cập.

Thứ hai, cần nhận thức sâu sắc mục đích chính của giải trình ngoài việc làm rõ trách nhiệm còn nhằm cùng nhau nghiên cứu để phân tích, làm rõ hơn các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật, khắc phục hiệu quả để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần phải gắn kết chặt chẽ với các hoạt động, chính sách khác và cung cấp cơ sở thực tiễn cho cả quá trình lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với tinh thần giám sát nói chung và giải trình nói riêng là để kiến tạo.

Thứ ba, đây cũng là một kênh để làm tốt sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Bên cạnh người được yêu cầu giải trình chính, việc yêu cầu người tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề có liên quan cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập đầy đủ thông tin nhiều chiều về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước; qua đó cùng tìm ra giải pháp đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

Thứ tư, vấn đề được lựa chọn giải trình phải là vấn đề nóng, bức xúc cần sớm giải quyết hoặc vấn đề mới phát sinh, mang tính cấp thiết mà dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm. Thời điểm tổ chức giải trình cũng là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu thấu đáo để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của việc giải trình; đồng thời cân nhắc tránh những thời điểm “nhạy cảm” đối với một số vấn đề nhằm tránh tác động tiêu cực có thể xảy ra do phiên giải trình mang lại.

Thứ năm, luôn chuẩn bị chủ động tốt cho phiên giải trình với những vấn đề như rà soát, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân, lựa chọn đúng, trúng, gọn nội dung giải trình, chuẩn bị một câu hỏi để tham khảo, bảo đảm cho phiên giải trình đi đúng mục tiêu, có chất lượng, trọng điểm, mang tính chuyên sâu.

Chương trình, kịch bản phiên giải trình bảo đảm cho phiên giải trình diễn ra theo đúng kế hoạch, thời gian và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Trước đó có thể tiến hành khảo sát hoặc làm việc trực tiếp với một số Bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực có liên quan để đề cập làm rõ trong phiên giải trình, yêu cầu là không trùng lặp và không làm xáo trộn các hoạt động bình thường của các cơ quan và đơn vị.

Thứ sáu, kết luận vấn đề được giải trình phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện, báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết luận cũng cần nêu những dấu hiệu nguy cơ tiềm ẩn phức tạp có thể nảy sinh trong quá trình hoạt động quản lý, phụ trách của đối tượng giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả trong thực thi pháp luật. Nghiên cứu, tổ chức việc giám sát các kiến nghị, kết luận qua giải trình.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Hội nghị

Thứ bảy, người được yêu cầu giải trình cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhận thức đầy đủ quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật và Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15. Theo đó, cần thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc xây dựng và gửi báo cáo về nội dung giải trình đúng thời hạn, kịp thời triển khai thực hiện đầy đủ và báo cáo việc thực hiện các kết luận, yêu cầu về vấn đề được giải trình của các cơ quan của Quốc hội.

Thứ tám, để việc giải trình có hiệu quả, cũng cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Quốc hội và các cơ quan chịu sự giám sát, các cơ quan có liên quan, nhất là những vấn đề giải trình liên quan đến nhiều lĩnh vực, của nhiều Ủy ban sử dụng kết quả của kiểm toán, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, các chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động,  sự phối hợp giữa các Vụ, các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội. Phát huy tốt vai trò của Tổng Thư ký Quốc hội trong việc tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa nhằm tránh trùng lặp về nội dung, thời gian tổ chức giải trình, bảo đảm cho hoạt động này có chất lượng, hiệu quả và mang tính chuyên nghiệp cao.

Bên cạnh việc giám sát chương trình, kế hoạch về việc giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội trước những vấn đề phát sinh cũng được coi trọng.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Hội nghị

Thứ chín, công khai hoạt động giải trình cũng như kết luận, kiến nghị giải trình nói riêng. Hoạt động giám sát nói chung là sản phẩm có giá trị pháp lý và thực tiễn nhằm nâng cao hoạt động, hiệu quả hoạt động giám sát. Vì vậy, cần tổ chức thông tin tuyên truyền trước, trong và sau các hoạt động giải trình một cách hiệu quả, đúng quy định để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cử tri tham gia.

Với những nội dung quy định, quy trình, thủ tục đã được xác định rõ trong Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15, theo đó, hàng năm Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội phải tổ chức hoạt động giải trình trong chương trình giám sát hàng năm phải có nội dung dự kiến những vấn đề giải trình, phạm vi người được yêu cầu giải trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan khẩn trương rà soát, bổ sung kế hoạch về hoạt động giải trình. Trong suốt quá trình làm việc, những vấn đề cần bổ sung trong hoạt động giải trình thì cần được có cái báo cáo với Tổng Thư ký để điều hòa, phối hợp Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu, cụ thể hóa và hướng dẫn một bước hoạt động giải trình của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đồng thời thống nhất phối hợp với Tổng Thư ký và Văn phòng Quốc hội ban hành tài liệu hoặc tổ chức tập huấn kỹ năng tổ chức tham gia các phiên giải trình cho đại biểu Quốc hội cũng như kỹ năng giải trình cho các đối tượng được giải trình. Tổng Thư ký phối hợp chặt chẽ với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn những vấn đề để đưa vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương hy vọng Hội nghị lần này sẽ góp phần tổ chức tốt hơn, giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội trong thời gian tới; lan tỏa nhận thức những cách làm sáng tạo trong hoạt động giải trình ở các cấp, các ngành, làm cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình thành một nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội và đời sống công sở của cơ quan nhà nước các cấp.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị

 

Đại biểu tham dự Hội nghị

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà NIÊ K’ Đăm trình bày tham luận

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trình bày tham luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan trình bày tham luận

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày tham luận

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày tham luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà  trình bày tham luận

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trình bày tham luận

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu trình bày tham luận

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh trình bày tham luận

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa trình bày tham luận

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Hạnh trình bày tham luận.

Bảo Yến - Phạm Thắng