TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 969/NQ-UBTVQH15: KIẾN NGHỊ SỚM BAN HÀNH KẾ HOẠCH VÀ YÊU CẦU CHI TIẾT VỀ PHẠM VI ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ ĐƯỢC GIẢI TRÌNH

22/03/2024

Để hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2024 nói riêng được triển khai theo tinh thần đổi mới, hiệu quả và thiết thực hơn nữa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội thực hiện hiệu quả kế hoạch hoạt động giải trình; xây dựng các báo cáo giải trình; tích cực phối hợp, cử cán bộ tham gia phục vụ và cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin theo yêu cầu.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐƯỢC YÊU CẦU GIẢI TRÌNH, CƠ QUAN, CÁ NHÂN LIÊN QUAN: GIẢI PHÁP THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT SỐ 969/NQ-UBTVQH15

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LAN TỎA NHẬN THỨC, CÁCH LÀM SÁNG TẠO, LÀM CHO VIỆC NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH THÀNH NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đầy đủ theo kế hoạch, nội dung, phạm vi giải trình

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những cơ quan được yêu cầu tham gia giải trình. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 đã làm rõ đối tượng, phạm vi, quy trình, thủ tục tiến hành... đã tạo thuận lợi cho các cơ quan liên quan trong triển khai tổ chức thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, thực hiện phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội các nội dung trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư khi có yêu cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc thực hiện trách nhiệm báo cáo, giải trình theo đúng quy định tại Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tính từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, trong 31 phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được yêu cầu tham gia giải trình các nội dung liên quan đến: kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 05 năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (Ủy ban Kinh tế); tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020 (Ủy ban Tài chính, Ngân sách); việc thực hiện chính sách, phát luật về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2018 (Hội đồng Dân tộc); tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Kinh tế);...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được yêu cầu tham gia giải trình các nội dung liên quan đến nhiều nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức

Đối với mỗi nội dung được yêu cầu giải trình hoặc tham gia giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện đầy đủ theo kế hoạch, nội dung, phạm vi giải trình; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ theo yêu cầu; nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về kết quả thực hiện nội dung giải trình.

Thông qua giải trình đã chỉ ra khó khăn, hạn chế về pháp luật, cơ chế, chính sách.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung khẳng định, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói chung và hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nói riêng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nói riêng, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định.

”Đây là căn cứ quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tham mưu sửa đổi các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các văn bản luật, nghị quyết quan trọng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, thời gian qua việc tham gia các hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội còn tồn tại một số hạn chế, như: một số phiên giải trình vẫn lựa chọn vấn đề có nội dung còn rộng; đề cương yêu cầu các cơ quan giải trình chuẩn bị báo cáo giải trình còn chưa cụ thể, rõ ràng, phạm vi cần giải trình còn khái quát; Nội dung giám sát, yêu cầu giải trình trong một số trường hợp, một số vấn đề còn trùng lặp với nội dung đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề; Kế hoạch tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chưa được công khai hoặc chưa được thông báo từ đầu năm cho các đối tượng giải trình được biết để chủ động tổ chức thực hiện...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Kiến nghị sớm ban hành kế hoạch, đề cương báo cáo giải trình, tiến độ và yêu cầu chi tiết về phạm vi đối với vấn đề được giải trình

Để hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2024 nói riêng được triển khai theo tinh thần đổi mới, hiệu quả và thiết thực hơn nữa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 tạo sự đồng bộ, thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả kế hoạch hoạt động giải trình; xây dựng các báo cáo giải trình; tích cực phối hợp, cử cán bộ tham gia phục vụ, cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin theo yêu cầu của các cơ quan Quốc hội.

Đối với từng phiên giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung kiến nghị các cơ quan của Quốc hội sớm ban hành kế hoạch, đề cương báo cáo giải trình, tiến độ và yêu cầu chi tiết về phạm vi đối với vấn đề được giải trình,.. để các bộ, cơ quan có thể chủ động triển khai, thực hiện, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ của các báo cáo giám sát.

Đề cương báo cáo nội dung giải trình của Người được yêu cầu giải trình cần được nghiên cứu, xây dựng kỹ lưỡng, có sự tham vấn sâu rộng của các cơ quan, tổ chức, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị cũng như khả năng đáp ứng về việc cung cấp thông tin, dữ liệu của từng đối tượng báo cáo đảm bảo tính khả thi và tính thực tiễn cao...

Lan Hương

Các bài viết khác