PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỚI CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43

22/03/2024

Sáng 22/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI 03 BỘ, NGÀNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VÀ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên, khách mời tham gia Đoàn giám sát.

Về phía đại diện Chính phủ, các Bộ, ngành có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn Giám sát tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan về nội dung chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Thời gian qua, Đoàn Giám sát đã giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam, làm việc với 12 bộ, ngành, cơ quan. Tại phiên họp này, Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan để nghe báo cáo tổng hợp của Chính phủ về các nội dung giám sát. Báo cáo của Chính phủ và ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự họp có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở kết quả làm việc, cùng với kết quả giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn giám sát sẽ xây dựng báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới.

Cuộc làm việc này sẽ góp phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện Chính phủ báo cáo rõ những vấn đề cụ thể như: đánh giá tình hình, tính kịp thời của việc ban hành văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43; việc triển khai thực hiện các chính sách cụ thể để thực hiện từng chính sách trong chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, công tác chuẩn bị đầu tư có đảm bảo tiến độ hay không, việc giải ngân vốn có đảm bảo chất lượng hay không, khả năng thực hiện, hoàn thành dự án so với mục tiêu đề ra, tính thiết thực, hiệu quả, khó khăn vướng mắc khi thực hiện các cơ chế đặc thù trong phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn để chỉ định thầu, khai thác mỏ vật liệu.

Đồng thời, cần đánh giá hiệu quả tác động của việc thực hiện chính sách sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách; đề xuất, kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội liên quan đến việc ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt, đảm bảo tính hiệu quả, phát huy ý nghĩa thiết thực hơn và đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Với nội dung về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo rõ về tình hình triển khai thực hiện các dự án, các bước của quy trình đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng thi công, tình hình giải ngân các dự án; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày báo cáo

Việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Qua đó, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19.

Về thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, việc triển khai các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Tại Báo cáo này, Chính phủ cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; đồng thời, xác định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện, cố gắng giải ngân tối đa vốn Chương trình trong năm 2024. Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, định mức dự toán, đơn giá, mỏ vật liệu xây dựng của một số dự án quan trọng quốc gia.

Tham gia thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Một nguồn lực lớn của Chương trình phục hồi và nguồn ngân sách nhà nước đã dành để đầu tư các dự án quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực giao thông.

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy, việc phân bổ vốn đầu tư chậm, kéo dài, nhiều lần danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh; triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm, không bảo đảm hoàn thành theo thời hạn đã đề ra. Việc điều hòa giữa vốn của Chương trình và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm chễ, chưa hiệu quả nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn; các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc; công tác giải phóng mặt bằng có dự án không đáp ứng tiến độ…

Thành viên đoàn giám sát tham gia phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc

Một số ý kiến lưu ý, Chính phủ cần rà soát, tổng hợp về những quy trình, thủ tục làm mất nhiều thời gian; quy định pháp luật chưa bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch; những vấn đề chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh… Bởi lẽ, bức tranh về xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật được thể hiện đầy đủ, rõ ràng sẽ cung cấp nhiều kinh nghiệm hữu ích cho thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trong tình hình đất nước vô cùng khó khăn, phức tạp do đại dịch Covid - 19, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo. Chính sách được các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và các nước trong khu vực đánh giá cao.

Nghị quyết 43/2022/QH15 cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.

Liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Chính phủ đã tích cực, trách nhiệm để tổ chức thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, triển khai nhiều nội dung công việc đạt kết quả tốt.

Các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương bổ sung nguồn lực ưu tiên tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp nguyên vật liệu, ưu tiên bố trí các dự án tái định cư với nhiều điều kiện thuận hơn cho người dân nên được sự đồng thuận cao. Bộ Giao thông Vận tải tập trung triển khai các dự án bước đầu đạt kết quả khả quan…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy còn những khó khăn, bất cập, hạn chế việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó một số chính sách chưa đạt được mục tiêu của Nghị quyết 43/2022/QH15. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình và các dự án quan trọng quốc gia về phân cấp cho địa phương làm chủ quản dự án; việc thực hiện chỉ định thầu, khai thác các mỏ vật liệu; cơ chế phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản một số dự án…

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát lại bố cục, thông tin, số liệu, đánh giá, nhận định, nêu địa chỉ cụ thể, hoàn thiện các phụ lục, tránh để trùng lắp, không thống nhất trong từng báo cáo và giữa các báo cáo; hoàn thiện những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh tình hình mới hiện nay gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân

Nhiều ý kiến cho rằng việc phân bổ vốn đầu tư chậm, kéo dài, nhiều lần danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh; triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình những vấn đề thành viên Đoàn giám sát đã nêu 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu giải trình những vấn đề thành viên Đoàn giám sát đã nêu 

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát lại bố cục, thông tin, số liệu, đánh giá, nhận định, nêu địa chỉ cụ thể, hoàn thiện các phụ lục; hoàn thiện những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh tình hình mới./.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Các bài viết khác