PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ CHÍN HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

22/03/2024

Sáng 22/03, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì Phiên họp thứ Chín của Hội đồng nhằm góp ý về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2025.

PHIÊN HỌP THỨ CHÍN CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VÀ DANH MỤC NHIỆM VỤ KHOA HỌC NĂM 2025

Quang cảnh Phiên họp 

Đồng chủ trì Phiên họp có: Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy.

Tham dự phiên họp gồm các thành viên Hội đồng Khoa học, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cùng đại diện các bộ ngành có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp, trẻ em.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của UBTVQH cho biết, Hội đồng khoa học của UBTVQH tổ chức phiên họp thứ Chín của nhiệm kỳ 2021-2026 để triển khai hai nội dung quan trọng: Một là, góp ý vào Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hai là, cho ý kiến, biểu quyết thông qua Danh mục nhiệm vụ khoa học (NVKH) năm 2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Liên quan tới nội dung góp ý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, đây là luật mới, nhằm bảo vệ trẻ em, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về trẻ em trên phương diện hành chính, tư pháp, hình sự. Khi đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp luật cũng đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó, cần xác định rõ nội hàm tư pháp người chưa thành niên?;… Hiện nay, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đang phối hợp hoàn tất các công việc để trình UBTVQH cho ý kiến và sau đó sẽ hoàn thiện trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Vì vậy, đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học góp ý trực tiếp vào các vấn đề trọng tâm cũng như nội dung lớn về mặt quan điểm của dự luật nhằm phục vụ thiết thực cho quá trình cho ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo yêu cầu, chất lượng đặt ra.

Về nội dung Danh mục Nhiệm vụ khoa học năm 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, triển khai xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2025, Viện Nghiên cứu lập pháp đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện đầy đủ các bước, đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về khoa học và công nghệ. Tại phiên họp, trên cơ sở thảo luận, cho ý kiến, các thành viên Hội đồng khoa học sẽ tiến hành biểu quyết (bằng Phiếu biểu quyết) về Danh mục Nhiệm vụ khoa học năm 2025. Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp kết quả biểu quyết, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Hội đồng theo đúng quy trình, thủ tục.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy điều hành nội dung cho ý kiến về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Tại phiên họp, cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu tán thành với đa số nội dung trong Tờ trình và các quy định trong Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đồng thời, quan tâm góp ý về: Nội dung hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên; Các nguyên tắc cơ bản trong xử lý vụ án liên quan đến người chưa thành niên (là người phạm tội và người bị hại); thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên; Những hạn chế, bất cập của chế định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự hiện hành và hướng hoàn thiện quy định về hình phạt trong Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên;…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra quan điểm liên quan đến Điều chỉnh vấn đề hình phạt trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và những vấn đề đặt ra cần xử lý để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Hình sự hiện hành (nhất là quy định tại Điều 2 và Điều 30); Vấn đề xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội và việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội; Trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên và đề xuất, kiến nghị quy định trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

GS. TSKH. Đào Trí Úc; Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật

Liên quan tới các quy định về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, có ý kiến cho rằng, quy định hiện hành về cơ bản là phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước đặc biệt là chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, phù hợp với pháp luật quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn chứa đựng một số hạn chế, bất cập như: quy định về hình phạt cảnh cáo chưa có sự phân hóa giữa điều kiện áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội so với người đủ 18 tuổi phạm tội; chưa quy định áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng; quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội không hợp lý;…

Vì vậy, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã khắc phục những bất cập nêu trên thông qua bổ sung quy định: mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo đới với người dưới 18 tuổi phạm tội; điều chỉnh mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội;… Quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong dự thảo luật là một giải pháp hợp lý và kịp thời khắc phục những bất cập trong Bộ luật Hình sự 2015. Việc quy định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật Tư pháp người chưa thành niên không trái với các quy định liên quan trong Bộ Luật Hình sự.

GS.TS. Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên HĐKH của UBTVQH

Về quy định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, đồng tình với nhiều quy định tại dự thảo, ý kiến đại biểu cho rằng, Dự thảo chế định này đã thể chế hoá đầy đủ chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, chính sách hình sự nhân đạo và hướng thiên của Đảng ta, nhất là về tư pháp người chưa thành niên; bảo đảm phù hợp với nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ quốc tế; phù hợp đặc điểm về văn hoá, kinh tế- xã hội và thể chế chính trị của nước ta; thể hiện sự kế thừa và phát triển các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, để giúp người chưa thành niên phạm tội tránh bị xử lý hình sự nghiêm khắc, chế định này đã coi trọng biện pháp giám sát, giáo dục, đào tạo nghề, tư vấn định hướng giúp nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội phát triển lành manh, tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả dựa trên sự phát huy sức mạnh, tính chất ưu việt của hệ thống chính trị ở cơ sở của nước ta.

Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, sự hoàn thiện của dự thảo chế định này, một số ý kiến đề nghị: Cần chỉnh sửa Nguyên tắc được quy định tại Điều 11của dự thảo Luật, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng; Các biện pháp được quy định trong Dự thảo,cần phải đáp ứng các yêu cầu: Phải phù hợp với bản chất của vấn đề tư pháp chuyển hướng; Phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên; Phải phù hợp với nguyên tắc, quy tắc quốc tế được quy định trong các văn kiên quốc tế mà Việt Nam tham gia; Phù hợp với đặc điểm về văn hoá truyền thống, trình độ phát triển kinh tế- xã hội, thể chế chính trị của nước ta;…

Ngoài ra, các chuyên gia đề nghị giữ lại Điều 10 bảo đảm giải quyết (vụ án) nhanh chóng, kịp thời; cần quy định mang tính nguyên tắc, nhất là việc cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả trường hợp người chưa thành niên phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng nhưng thỏa mãn các điiều kiện khác quy định tại Điều 456…; Rà, soát hoàn thiện thêm quy định về thi hành án; Đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách; Nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng tên gọi của dự án Luật;…

Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Cũng tại phiên họp, các thành viên Hội đồng khoa học còn nghe Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển báo cáo về Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2025. Trước đó, Viện Nghiên cứu lập pháp đã gửi Thông báo đề xuất NVKH năm 2025 đến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để nhận đề xuất; trên cơ sở tổng hợp, rà soát các đề xuất NVKH, Viện NCLP đã tổ chức họp Hội đồng khoa học Viện NCLP và Hội đồng tư vấn xác định NVKH để cho ý kiến vào từng nội dung của đề xuất. Những nhiệm vụ được đề nghị đưa vào Danh mục Nhiệm vụ khoa học năm 2025 đều đã được rà soát qua nhiều vòng, đã được các Hội đồng tư vấn trao đổi, thảo luận và cân nhắc kỹ để bảo đảm đưa vào những nhiệm vụ có tính cấp thiết, khả thi, phục vụ thiết thực cho hoạt động của Quốc hội và UBTVQH.

Theo quy trình, kết quả thảo luận, góp ý, biểu quyết về Danh mục NVKH năm 2025 sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Hội đồng theo đúng quy trình, thủ tục. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau thời gian làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Phiên họp lần thứ Chín của Hội đồng khoa học đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với 02 nội dung rất quan trọng. Trong đó, phiên họp dành phần lớn thời gian thảo luận, góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao soạn thảo và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý, tham luận rất chất lượng; nhìn nhận sâu sắc khoa học, toàn diện về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến đều thống nhất đây là 1 đạo luật chuyên biệt, thể hiện sự bộ tiến bộ của hệ thống pháp luật, tiến bộ của nền tư pháp trong thời gian tới; có thể xử lý dc tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; các quan điểm tư tưởng chung về cơ bản có sự thống nhất tương đối cao về phạm vi, đối tượng áp dụng… Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu thêm nhiều vấn đề cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện và làm rõ thêm; đồng thời, cần đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng chính sách để xây dựng 1 dự án luật có tính khoa học, khả thi trên thực tiễn,…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, sau phiên họp, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp đầy đủ, hệ thống các ý kiến góp ý thành các luận điểm, tư tưởng cần tiếp tục hoàn thiện để tham mưu phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình cho ý kiến trong thời gian tới.

Đối với nội dung cho ý kiến góp ý về Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện đầy đủ các bước, đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về khoa học và công nghệ. Trên cơ sở ý kiến các thành viên Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Hội đồng theo đúng quy trình, thủ tục.

Một số hình ảnh tại Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Toàn cảnh Phiên họp thứ Chín của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của UBTVQH đã chủ trì Phiên họp

Các thành viên Hội đồng khoa học tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của UBTVQH; Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đồng chủ trì Phiên họp

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày một số dung trọng tâm của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên 

Các thành viên Hội đồng khoa học tham dự Phiên họp

PGS. TS. Cao Thị Oanh, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật Hà Nội

GS. TSKH. Đào Trí Úc; Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật

GS.TS. Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên HĐKH của UBTVQH

PGS.TS. Trần Đình Nhã, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

PGS.TS. Trần Văn Độ, Nguyên Phó Chánh án TANDTC, Nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương

 GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thành viên Hội đồng khoa học

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thành viên Hội đồng khoa học

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thành viên Hội đồng khoa học

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, thành viên Hội đồng khoa học

TS. Võ Chí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,  thành viên Hội đồng khoa học

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng Khoa học của UBTVQH kết luận Phiên họp./.

Lê Anh - Minh Thành