TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 1 KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV
GÓC NHÌN: KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV - VÌ QUỐC KẾ DÂN SINH, VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Theo đó, các vị đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về: (1) “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”; (2) “bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn”.
Sau phần thảo luận, đại diện Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận nội dung (1); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận nội dung (2).
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật chi tiết nội dung:
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, chiều nay Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, căn cứ Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023, số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 29 ngày 08 tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết và đã có Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12 tháng 01 năm 2024 về dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 01 năm 2024 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng nay (16/1), Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết và đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này với hơn 100 ý kiến thảo luận. Các ý kiến cơ bản thống nhất với chính sách Chính phủ trình, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn.
Về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung, chính sách của dự thảo Nghị quyết theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần tuân thủ nguyên tắc: đảm bảo tính đặc thù, không tạo ra các rào cản mới; có ý nghĩa cả về tính lâu dài, làm cơ sở đánh giá tổng kết chương trình trong giai đoạn sau...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu đi thẳng vào nội dung, đề xuất cụ thể, tránh lặp lại các kiến nghị trước.
Tiếp theo chương trình, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
14h09: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cơ quan quản lý không quản lý tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu đề nghị viết lại điểm c khoản 1 Điều 4 để đảm bảo dễ thực hiện và giảm tải cho các địa phương khi Nghị quyết được thông qua. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 4 viết lại như sau: “c) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần cho các đơn vị cấp tỉnh; phân bổ tổng thể nguồn kinh phí cho cấp huyện. Giao Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã, đơn vị cấp huyện.”.
Về nguyên tắc thực hiện tại điểm c khoản 2 Điều 4 có quy định một số nội dung như: "...hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không vượt tổng dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.”; "...không vượt quá tổng mức vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch cho từng chương trình."
Đại biểu băn khoăn không rõ là “cấp có thẩm quyền” là cấp nào: Trung ương hay địa phương, và quy định nội dung “không vượt tổng mức đầu tư đã được giao”, như vậy dự án vướng không thực hiện được thì có được điều chỉnh dự án khác như thế nào. Đại biểu lấy ví dụ cụ thể như dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vướng quy hoạch bô xít đến 80%, không thể triển khai thì có được phép chuyển nguồn vốn dự án này cho dự án khác thuộc chương trình có được hay không, chứ nếu không rõ thì cũng đâu có điều chỉnh được rồi phải xin ý kiến Trung ương.
Khoản 5 Điều 4, đại biểu Dương Khắc Mai chọn phương án 1 vì quy định như vậy cơ quan Nhà nước không phải quản lý tài sản trong thời gian hoạt động và định giá khi kết thúc dự án. Do nếu thực hiện các công việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí và hệ luy pháp lý mà không tính được trong nghị quyết này.
Cho ý kiến về khoản 7, Điều 4, đại biểu chọn phương án 2 và nên thí điểm 1-2 năm giai đoạn này để làm cơ sở cho xây dựng nghị quyết của giai đoạn 2026-203.
Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai nêu thực tế, hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 4, tuy nhiên, hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu tiếp tục đề nghị cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Cùng với đó, cần bổ sung cơ chế tháo gỡ để việc triển khai được thuận lợi hơn như giảm tỷ lệ vốn đối ứng đối người dân thụ hưởng vì bản thân họ rất khó khăn về điều kiện kinh tế và những địa phương còn khó khăn, phụ thuộc và cân đối ngân sách từ trung ương như tỉnh Đắk Nông nói riêng và nhiều tỉnh khác trong cả nước nói chung, để đảm bảo việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đúng tiến độ.
Đại biểu cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 03 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, vì lý do vướng vào diện tích quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản quặng bô xít. Do đó nhiều dự án, thành phần dự án chậm tiến độ thực hiện, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn thuộc chương trình, ảnh hưởng chung đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan có giải pháp tháo gỡ để tỉnh Đắk Nông kịp thời triển khai thực hiện 03 Chương trình theo đúng tiến độ.
14h15: Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi tiết đến dự án thành phần
Góp ý về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Lò Thị Luyến nêu rõ, dự thảo quy định theo hướng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Đại biểu đặt vấn đề trường hợp cần thiết là trường hợp nào, trường hợp nào là không cần thiết hiện chưa làm rõ. Đại biểu đề nghị phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Về khoản 4 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất, theo đại biểu Lò Thị Luyến việc giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải làm rõ một số nội dung cụ thể như sau: Một là trường hợp nào cơ quan quản lý Nhà nước được giao cho chủ dự án phát triển sản xuất. Đại biểu đề nghị quyết định cụ thể chỉ tiêu giao cho chủ dự án thực hiện mua sắm đó là trên cơ sở đề xuất của chủ dự án theo đơn đề xuất để các cơ quan tổ chức thực hiện cho thuận lợi.
Ngoài ra, theo Nghị định 38 có quy định về nội dung việc mua sắm cây trồng, vật nuôi theo hướng ưu tiên sử dụng giống cây trồng vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Nhưng các địa phương chưa triển khai thực hiện được quyết định này do vướng mắc về tiêu chuẩn giống vật nuôi và giá cả thị trường. Dẫn chứng thực tiễn tại Điện Biên, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị được mua con giống tại địa bàn là giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan kinh nghiệm của người dân như là về chiều cao về cân nặng, về vòng bụng, vòng cổ, màu da, màu lông v.v là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Do đó nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị là bổ sung vào dự thảo: trường hợp mua sắm giống cây trồng vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật gia cấp tỉnh, ban hành và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
Hai là về việc định giá giống cây trồng vật nuôi khi mua trực tiếp từ người dân cũng có vướng mắc. Dự thảo Nghị quyết thì có quy định là cơ quan tài chính cung cấp hoặc ủy ban dân cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường. Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị nội dung này nên quy định theo hướng giao cho các huyện thành lập Tổ thẩm định giá giống vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để triển khai thực hiện; phải quyết định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá như vậy thì địa phương mới triển khai được việc ưu tiên sử dụng giống địa phương.
Về quản lý sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu chọn phương án 1. Đối với cơ chế thí điểm phân cấp cho các huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho biết chọn phương án 2.
14h22: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội: Băn khoăn năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện trong thực hiện các CTMTQG
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất và chuẩn bị Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Quốc hội đã hết sức trách nhiệm khi kịp thời đưa nội dung thảo luận và biểu quyết Nghị quyết này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV, trong đó đã đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều nhất khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nêu rõ, quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết rất nghiêm túc, thận trọng, đúng quy định, bao gồm cả việc xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện hồ sơ, thẩm định hồ sơ trình UBTVQH theo đúng tiến độ, đồng thời tiếp tục rà soát, tiếp thu, hoàn thiện theo quy trình rút gọn để hôm nay trình Quốc hội xem xét.
Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận thấy quy định như dự thảo Nghị quyết rất thông thoáng về phân bổ vốn, tuy nhiên đề nghị năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của Chương trình, đồng thời băn khoăn nếu qua nhiều cấp như vậy thì liệu có mất nhiều thời gian quá không?
Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu bày tỏ đồng tình với tên gọi là Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ các CTMTQG, nhất là từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các cháu dưới 6 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo được học mẫu giáo, hỗ trợ bao nhiêu tùy thuộc vào địa phương đó và các CTMTQG.
14h27: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ ngân sách
Đóng góp ý kiến phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm, đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với cơ chế đặc thù thực hiện dự toán chi thường xuyên. Trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.
Nhưng bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cũng còn những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...
Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu cho rằng Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho Hội đồng nhân dân địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu đề nghị tại điểm c khoản 1 cần làm rõ khi nào cần thiết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần. Theo đại biểu, nên xem xét giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.
14h33: Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện các CTMTQG.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, nhằm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến việc phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm quy định tại Khoản 1, Điều 4, đại biểu Nguyễn Quốc Luận thống nhất với quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành, do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: “Cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của dịa phương.
Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Nguyễn Quốc Luận lựa chọn phương án 1 là “Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất”.
Theo đại biểu, phương án này sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở, thuận lợi hơn trong công tác theo dõi, giám sát đối với các tài sản này.
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2. Theo đại biểu, với phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG và đảm thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh.
Việc quy định HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Đồng thời, tôi đề nghị trong Nghị quyết cần quy định thêm: “Trên cơ sở kết quả phân cấp, HĐND cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn”.
14h38: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ điều kiện về “Trường hợp thật cần thiết” để thống nhất tại các địa phương
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về 1 số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về thẩm quyền ban hành nghị quyết, đại biểu cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80 đc sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 63 của Quốc hội, thì Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là đúng thẩm quyền.
Về hồ sơ trình Quốc hội, căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ vào hồ sơ trình Quốc hội, đại biểu cho rằng hồ sơ trình Quốc hội đủ điều kiện để Quốc hội xem xét và thông qua tại 1 kỳ họp.
Về tên dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, nên xem lại tên của dự thảo Nghị quyết, bởi Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách nhưng nội dung của Nghị quyết là các cơ chế để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; không có nội dung nào đề cập tới chính sách mới. Theo các tờ trình của Chính phủ đều đề cập tới 8 cơ chế đặc thù trong Nghị quyết. Do vậy, nên điều chỉnh lại tên nghị quyết như sau: Nghị quyết về một số cơ chế đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về nội dung nghị quyết, tại khoản 5 đưa ra 2 phương án, đại biểu cho rằng nên quy định theo Phương án thứ nhất, để tổ chức thực hiện đc ngay giai đoạn 2024-2025. Tại điểm c khoản 1 có quy định “Trường hợp thật cần thiết”, đại biểu đề nghị cần làm rõ điều kiện hoặc nguyên tắc về “Trường hợp thật cần thiết” để thống nhất tại các địa phương.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 4 quy định “... cơ quan tài chính cùng cấp hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường”; đại biểu đề nghị làm rõ về phương pháp xác định giá thị trường để có sự thống nhất giũa các địa phương.
14h43: Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Làm rõ một số nội dung đảm bảo khi ban hành các địa phương có thể thực hiện ngay
Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại hội trường, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ đã nghiêm túc, tiếp thu tối đa những ý kiến của đoàn Giám sát của Quốc hội; Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra kỹ lưỡng, toàn diện các Quy định về một số cơ chế đặc thù nhằm thể chế hóa đầy đủ các quy định, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021 - 2025 theo hướng tăng cường phân cấp, trao quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu từng chương trình theo yêu cầu của Quốc hội…
Cụ thể, tại điểm c, khoản 1, Điều 4 quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm có nêu: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia”.
Theo đại biểu, cần làm rõ, trường hợp cần thiết là trường hợp nào để Hội đồng nhân dân tỉnh có cơ sở giao cho cấp huyện thực hiện nếu huyện đáp ứng được yêu cầu hoặc trường hợp giao cho cấp huyện phân bổ chi tiết sẽ thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024”.
Tuy nhiên theo quy định tại khoản 7 Điều 67 Luật Đầu tư công quy định: " Hội đồng nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương..."
Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ việc điều chỉnh vốn ngân sách nhà nước (gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) như dự thảo Nghị quyết có phải thực hiện trình Hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt trước khi Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện điều chỉnh hay không?
"Ngoài ra, tại điểm b, khoản 4, Điều 4, cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ khi nào thì thanh toán theo giá thị trường? Khi nào thì theo định mức hỗ trợ của Hội đồng nhân dân?", đại biểu Thái nêu ý kiến.
14h48: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Nhiều công trình sát với đời sống dân sinh được phân cấp tới cấp huyện là hợp lý
Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Văn Hạ đồng thuận với việc ban hành Nghị quyết.
Trong các phương án được đưa ra trong Nghị quyết, việc phân cấp để điều chỉnh dự toán, đưa ra mục tiêu về ngân sách, nhà ở đã được điều chuyển là rất tốt.
Về dự án đầu tư công đối với công trình nhỏ thì cần có sự lưu ý thêm. Nhiều công trình sát với đời sống dân sinh đã được phân cấp tới cấp huyện là hợp lý, đủ khả năng để thực hiện...
heo đại biểu Tạ Văn Hạ, nhiều công trình được triển khai rồi nhưng đến nay địa phương không còn nhu cầu nữa thì đã được giải quyết. Việc quản lý các dự án theo mục tiêu là yếu tố cần được xem xét. Ví dụ như mục tiêu về nước sạch, nhà ở, giao thông, trường học...
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, cần làm rõ những dự án có quy mô nhỏ và tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp ở cấp huyện, cấp xã... Điều này cũng nhằm góp phần đảm bảo cho các dự án lớn thực hiện được. Nếu thực hiện giao cho huyện thực hiện thí điểm thì phải mang tính bao quát để khi tổng kết chương trình thì phải có tính tổng hợp.
14h55: Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Chủ động hơn nữa trong thiết kế các cơ chế đặc thù
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội thường xuyên thông qua các Nghị quyết về cơ chế đặc thù. Các cơ chế đặc thù này thường cho phép các đối tượng thực thi được thực hiện phương thức hành động khác với quy định của pháp luật hiện hành, để bỏ qua một số khâu không cần thiết, bỏ qua một số quy định vướng mắc chưa phù hợp để đẩy nhanh tiến độ công việc. Việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, chưa có cơ chế đặc thù nào mang lại tác động xấu.
Đại biểu cho rằng, việc thiết lập các cơ chế đặc thù sẽ giúp khắc phục sự khô cứng của quy định pháp luật, đưa kế hoạch triển khai phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, qua đó mang lại kết quả tốt. Theo đại biểu, pháp luật có thể phù hợp ở lĩnh vực này, nhưng chưa thực sự phù hợp ở lĩnh vực khác, hoàn cảnh cụ thể khác. Vì vậy, khi luật pháp ban hành hướng đến một nhóm đối tượng cụ thể, có thể dẫn đến việc không phù hợp khi soi chiếu sang vấn đề khác, lĩnh vực khác, hoàn cảnh khác.
Đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng hiện nay, sẽ nảy sinh rất nhiều mối quan hệ mới, vấn đề mới. Chính vì vậy, trong tương lai, sẽ còn nhiều điểm bất cập về pháp luật cần được khắc phục bằng các cơ chế đặc thù. Đại biểu cho rằng, không nên chờ đợi các địa phương, các ngành, các lĩnh vực thấy vướng mắc rồi đề xuất cơ chế đặc thù, mà cần chủ động đưa ra cơ chế, phương thức để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc trong pháp luật bằng các cơ chế đặc thù.
15h02: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, với 8 ý kiến thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã phát huy dân chủ, phát biểu khách quan, thẳng thắn, có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn. Cùng với 100 ý kiến thảo luận tại Tổ cho thấy các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lí dự thảo Nghị quyết sau Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cũng đã tổ chức thẩm tra kịp thời và có báo cáo thể hiện đầy đủ quan điểm của mình.
Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo. Nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích tương đối kỹ, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm về tên gọi, về các nội dung, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình như về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương cần làm rõ hơn, trường hợp nào là thật cần thiết; về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư vốn hàng năm; về ban hành quy trình thủ tục, tiêu chí mẫu, hồ sơ; về sử dụng ngân sách trong trường hợp giao chủ dự án; về quản lý sử dụng tài sản hình thành từ Dự án hỗ trợ sản xuất; về ủy thác vốn tự cân đối ngân sách địa phương với qua ngân hàng chính sách xã hội; về cơ chế thí điểm thì đa số lựa chọn phương án 2…
Các đại biểu đề nghị với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của đoàn giám sát về các vướng mắc, khó khăn để ban hành theo thẩm quyền hoặc tiếp tục đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những văn bản để tháo gỡ khó khăn một cách triệt để hơn những vấn đề còn thiếu hoặc còn vướng mắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng thư ký Quốc hội nhanh chóng có báo cáo tổng hợp. Hội đồng dân tộc chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các Ủy ban Quốc hội ngay trong đêm nay hoàn thiện hồ sơ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Nghị quyết tại phiên họp sáng 17/01 để bảo đảm cho ngày 18/01 Quốc hội biểu quyết thông qua.
15h06: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thời gian còn lại chiều 16/01, Quốc hội thảo luận ở hội trường về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về nội dung này; nhiều ý kiến rất tâm biết và trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ, có ý kiến tại Tổ và các ý kiến đại biểu phát biểu tại hội trường để tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục và toàn diện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội dề nghị các đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tập trung vào các vấn đề đã được cơ quan thẩm tra gợi ý và lưu ý một số nội dung về nguyên tắc, tiêu chí, phương án phân bổ, kế hoạch vốn, danh mục dự án, cơ chế chính sách Chính phủ đề xuất, việc bổ sung vốn cho các dự án vượt tỷ lệ quy định của Luật Đầu tư công; cơ chế ủy quyền của Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung.
15h08: Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng: Cần thiết bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cho dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia, huyện Côn Đảo
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQ tỉnh Sóc Trăng bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đại biểu Tô Ái Vang nhận thấy, hiện nay, trước thực trạng nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch du lịch gần như không đáp ứng trong khi các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư. Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và thống nhất thông qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia rất kỹ lưỡng, cơ bản đủ căn cứ để đầu tư điện gió, điện mặt trời.
Vì vậy, việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia, các di tích lịch sử và đảm bảo quốc phòng an ninh. Đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh, đây là dự án đặc thù vừa sử dụng vốn NSTW vừa sử dụng vốn của EVN.
Theo đại biểu, dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp triển khai dự án của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Chính phủ đã giao địa phương thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án, đáp ứng tiến độ, hiệu quả, tránh việc lãng phí tài nguyên, yêu cầu chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường, giám sát triển khai dự án đúng tiến độ và quy định.
Đại biểu Tô Ái Vang bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
15h14: Xem xét cho phép Chính phủ sử dụng hơn 30.000 tỷ đồng đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Tờ trình báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường để đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế - xã hội.
Quan tâm tới dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, đối với khoản vốn hơn 63.000 tỷ đồng tăng thu của năm 2022, Quốc hội đã quyết định đưa khoản này vào nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên việc trình Quốc hội quyết định nội dung này là đúng thẩm quyền..
Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ, trong 63.000 tỷ đồng đã phân bổ 33.000 tỷ đồng đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có danh mục kèm theo dự thảo Nghị quyết. Đối với số vốn còn lại, do Chính phủ chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên theo quy định của Luật Đầu tư công thì phải tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng phải xác định được nguồn vốn.
Do đó, đại biểu cho rằng Nghị quyết nên quy định theo hướng cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn hơn 30.000 tỷ đồng để chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Khi hoàn thiện thủ tục đầu tư phải báo cáo Quốc hội quyết định. Trong trường hợp cấp bách thì báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
15h19: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đối với ý kiến phát biểu của đại biểu Tô Ái Vang, đây là những ý kiến rất xác đáng đối với các dự án này. Bày tỏ đồng tình với những đề xuất đại biểu đã nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ phối hợp với cơ quan trình tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ đây là những ý kiến xác đáng, việc thiết kế dự thảo Nghị quyết hiện nay chưa làm rõ nội dung này. Cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì xây dựng Tờ trình để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại ngày cuối Kỳ họp.
Về việc sử dụng nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo Nghị quyết 93 của Quốc hội về phân bổ chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, do việc chuẩn bị các dự án trong chương trình đầu tư công trung hạn chưa kịp thời, nên đã quyết định để lại kinh phí, cho phép tiếp tục rà soát đề xuất các dự án.
Dự án cấp điện cho Côn Đảo là một nội dung, dự án trước đây đã được giao nhiệm vụ để chuẩn bị đầu tư, nhưng do không chuẩn bị được kịp thời thủ tục đầu tư, nên đã phải thu lại nguồn này, đưa vào dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đến nay, quá trình chuẩn bị đã được thực hiện kỹ lưỡng, cơ bản đã có căn cứ xem xét bố trí đầu tư. Do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội sử dụng nguồn dự phòng để bố trí vốn cho dự án này.
15h24: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên họp về nội dung này đã có 2 đại biểu phát biểu; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn..
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu cho rằng, việc bổ sung, phân bổ vốn cho các dự án, công trình theo đề xuất của Chính phủ và dự án cấp điện cho Côn Đảo cần được nêu rõ về việc sử dụng nguồn và chủ đầu tư và khi thực hiện sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu cũng tham gia ý kiến về danh mục các dự án, nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện phân bổ, các biện pháp để quản lý, sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát lãng phí, đảm bảo cân đối vốn để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ.