TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

16/01/2024

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, 8h00 sáng 16/01/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ trình Quốc hội Tờ trình về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” và Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025…

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” và “Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn”. Đồng thời, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về 02 nội dung trên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật chi tiết nội dung:

8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

8h01: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất tên Nghị quyết là “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Nội dung cơ bản của 08 cơ chế đặc thù tại Điều 4 như sau:

Thứ nhất, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm: Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cụ thể, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia. HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.

Thứ hai, về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Theo đó, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024. UBND cấp tỉnh, huyện, theo thẩm quyền, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia các năm trước đã được kéo dài sang năm 2024.

Thứ ba, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Trường hợp HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định, UBND cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Thứ tư, về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước).

Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa để bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.

Thứ năm, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan. Trong đó, đề xuất 02 phương án như sau:

Phương án 1: Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân. Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Phương án 2: Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án. Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, về cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.

Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất 02 phương án về cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 để Quốc hội quyết định. 

Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 như đề xuất tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025.

Thứ tám, về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công.

Cụ thể, các địa phương được dự kiến một phần vốn trong trung hạn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; không bắt buộc giao tên danh mục dự án này trong trung hạn. Hằng năm, các địa phương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án cụ thể và đảm bảo không vượt mức vốn đã dự kiến trong trung hạn.

Về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 01 năm 2024 cho đến khi có quy định mới. Cơ chế, chính sách quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết để điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn hằng năm không áp dụng đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn nước ngoài.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” để tháo gỡ một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

8h14: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, căn cứ điểm b khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền. Hồ sơ trình của Chính phủ đã cơ bản tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT; hồ sơ hoàn thiện theo quy định tại khoản 3, Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, trình tự theo quy trình rút gọn. Vì vậy hồ sơ của Chính phủ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định. 

Về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các CTMTQG.

Về tên gọi của Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, tên gọi của Nghị quyết đã được tiếp thu,  chỉnh sửa theo kết luận của UBTVQH. Tên gọi sau khi tiếp thu là: “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”,  tên gọi như trên là phù hợp, đảm bảo ngắn gọn, xúc tích và có tính khái quát cao.

Có ý kiến cho rằng, tên của Nghị quyết không nên có từ “cơ chế” để đảm bảo theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm tra một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là: “Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”. HĐDT thấy rằng, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH, bỏ điểm b và sửa lại điểm a ngắn gọn hơn. 

Có ý kiến cho rằng, để tránh hiểu Nghị quyết này áp dụng cho các CTMTQG trong thời gian tới, đề nghị chỉnh lý là: “Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện 03 CTMTQG đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư”.  

Đa số ý kiến của HĐDT thống nhất dự thảo và thấy rằng không cần thiết dẫn chiếu các Nghị quyết của Quốc hội vì giai đoạn hiện nay chỉ có 03 CTMTQG đang thực hiện. Mặt khác tại Điều 6, đã có quy định khá rõ thời gian áp dụng đối với Nghị quyết này.  

Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Hội đồng dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ là phù hợp; đồng thời đề nghị nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp theo để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. 

Hội đồng Dân tộc thống nhất với nội dung điểm a của dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh sửa của Chính phủ. Cơ chế này tạo thuận lợi cho địa phương được phép sử dụng nguồn ngân sách đã được phân bổ đến hết năm 2023. Luật Ngân sách hiện hành không có quy định cho phép địa phương được điều chỉnh dự toán ngân sách trung ương đã được Thủ tướng giao; Luật Đầu tư công không có quy định cho phép điều chỉnh nguồn vốn được kéo dài từ dự án đầu tư không có khả năng giải ngân vốn cho các dự án đầu tư khác trong danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025 thuộc cùng CTMTQG mà không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch. 

Một số ý kiến cho rằng, cần có quy định nguyên tắc cho việc phân bổ, quy định tỷ lệ nhất định trong các nhóm lĩnh vực để tránh tùy tiện, không bảo đảm mục tiêu cơ bản của các CTMTQG.

Khoản 4, về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất. Chính sách này Chính phủ cũng đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên cần quy định đơn giản về quy trình, thủ tục và cụ thể để thực hiện ngay; nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ khoán trọn gói đối với cộng đồng dân cư.

Đối với khoản 5, về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đưa ra 02 phương án, trong đó phương án 2, cơ bản vẫn giữ nguyên như dự thảo ban đầu trước khi báo cáo UBTVQH. Đa số ý kiến của HĐDT thống nhất lựa chọn theo hướng của phương án 1. Vì phương án này kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Tuy nhiên, cần phải có nghiệm thu trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý.  

Khoản 6, về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hiện Luật đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể về bố trí vốn đầu tư công tự cân đối của địa phương để ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Chính phủ đề xuất chính sách trên để cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… tương tự chính sách quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Đa số các ý kiến đều thống nhất và cho rằng, quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp, để tăng vốn cho vay ưu đãi.

Thẩm tra cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công hàng năm đối vơi dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, Chính phủ đã bổ sung, sửa đổi chính sách này theo báo cáo thẩm tra của HĐDT và ý kiến của UBTVQH. Cơ bản HĐDT thống nhất với dự thảo chính sách, tuy nhiên nên quy định Ủy ban Nhân dân tỉnh phải có danh mục dự kiến kèm theo kinh phí để có cơ sở phân bổ vốn…

8h32: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về việc phân bổ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022, phương án phân bổ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 đã được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị tại Báo cáo số 2138-BC/BCSĐCP và Tờ trình số 2139-TT17BCSĐCP ngày 18/8/2023, Chính phủ đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 16/TTr-CP ngày 21/9/2023; bảo đảm phù họp với tiêu chí sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công và khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội. Dự kiến phân bổ cho 05 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng; An ninh; Quản lý nhà nước; Khoa học công nghệ; Giao thông; bố trí 50 nhiệm vụ, dự án, trong đó có 09 dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, căn cứ Nghị quyết số 40/2023/NQ-ƯBTVQH15 ngày 15/11/2023 và Thông báo số 3122/TB-TTKQH ngày 21/11/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1303/TTg-KTTH ngày 06/12/2023 yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã báo cáo Bộ Chính trị, ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội.

Đến nay, trong tổng số 50 nhiệm vụ, dự án nêu trên, có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Có 17 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất. Đến tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (sau thời điểm báo cáo Quốc hội Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV), do đó toàn bộ số vốn dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15. 

Tại Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư. Việc đầu tư cho Dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết. Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho Dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 05 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 06 tiêu chí để đánh giá từng phương án. Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 06 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.

Theo quy định tại Điều 44 Luật Ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi ngân sách năm sau cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo quy định tại Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28/2/2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN, EVN là công ty mẹ trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Với quy định này, EVN không phải là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. Đồng thời, theo quy định tại Điều 82 Luật Đầu tư công thì Bộ Công Thương sẽ là cơ quan tổ chức lập kế hoạch đầu tư công, đăng ký và giao kế hoạch đầu tư công đối với Dự án.

Căn cứ quy định nêu trên, vốn NSTW bố trí để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Bộ Công Thương triển khai. Bộ Công Thương giao cho đơn vị trực thuộc, tổ chức đấu thầu theo quy định (với hình thức này, dự án sử dụng 100% von NSTW). Nếu theo phương án giao Bộ Công Thương thì số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 2.423,996 tỷ đồng chưa có nguồn để cân đối cho Dự án. Bên cạnh đó, EVN không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nên Bộ Công Thương không thể phân bổ, giao vốn cho EVN. 

Như vậy, dự án sẽ không triển khai được ngay trong giai đoạn này. Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là dự án có tính chất đặc thù, vừa sử dụng vốn NSTW, vừa sử dụng vốn tự có của EVN. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần xem xét, báo cáo Quốc hội để cho cơ chế giao kế hoạch vốn NSTW của Dự án cho EVN. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Việc bàn giao tài sản sau khi dự án hoàn thành được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.

8h45: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc cho phép sử dụng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH.

Về việc sử dụng KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, việc phân bổ, bố trí sử dụng dự phòng chung KHĐTCTH vốn NSTW cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội,  Ủy ban TVQH.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất việc trình Quốc hội cho phép sử dụng với 63.725 tỷ đồng KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công vì việc Chính phủ trình là phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật Đầu tư công, khoản 6 Điều 6 của Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và điểm c khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 40/2023/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về chủ trương trình Quốc hội cho phép giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 là 33.156,987 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Tờ trình của Chính phủ. 

Về danh mục các dự án, qua rà soát, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, 17 dự án dự kiến bố trí đã có trong danh mục dự án được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, đa số ý kiến Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về việc rà soát, đảm bảo thủ tục đầu tư, đảm bảo bố trí nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội về chủ trương giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Về phân bổ vốn thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất báo cáo Quốc hội xem xét việc giao kế hoạch vốn NSTW của Dự án cho EVN, đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao cho EVN là cơ quan quyết định đầu tư dự án.

Từ những phân tích trên, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát việc tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban TVQH.

Thời gian còn lại sáng 16/01, Quốc hội thảo luận ở tổ về: (1) Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác