PGS.TS PHẠM DUY ĐỨC: KỲ VỌNG BƯỚC CHUYỂN MẠNH MẼ, TOÀN DIỆN, SÂU SẮC TỪ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA

11/01/2024

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chính thức yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035. PGS. TS.Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, với tinh thần chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chương trình này sẽ sớm được thông qua, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc trong công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa đất nước.

GÓC NHÌN: CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA - CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: QUỐC HỘI TIÊN PHONG, CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VĂN HÓA, XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM

GS.TS TỪ THỊ LOAN: CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HOÁ - KỲ VỌNG ''CÚ HÍCH'' LỚN

PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy xây dựng và hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa?

PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Tôi cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035 là sự tiếp nối, cụ thể hóa, từng bước những chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021và Hội thảo văn hóa 2022. Nó thể hiện vai trò rất rõ nét của Quốc hội trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chúng ta cũng biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng là cột mốc quan trọng. Với chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng chú trọng khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,... Đây là điều kiện, tiền đề làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”. Đảng ta đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa. Văn hóa đã được đặt trong tổng thể những nội dung quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII, từ định hướng, mục tiêu, cho đến những nhiệm vụ cụ thể, nội dung cơ bản về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021

Và với quyết tâm chính trị đó, chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh yêu cầu phải đầu tư nhiều hơn nữa cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “sức mạnh nội sinh”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Như thế, chúng ta thấy rằng, phát triển văn hóa chính là xây dựng con người, và đồng thời là mục tiêu chính của sự phát triển đất nước.

Nắm bắt kịp thời tư tưởng, chủ trương của Đảng với những nhiệm vụ mới về phát triển văn hóa đất nước trong giai đoạn mới và nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng sống còn của văn hóa trong quá trình phát triển lâu dài, bền vững của dân tộc, Quốc hội đã hành động, phân công Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với một số cơ quan tổ chức Hội thảo Văn hóa quy mô, tầm cỡ nhất từ trước đến nay ngay trong năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” để quán triệt tinh thần, quan điểm, chủ trương mới của Đảng về văn hóa và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cũng như tìm ra những điểm nghẽn về thể chế và gợi ý chính sách, nguồn lực phù hợp cho văn  hóa trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu sớm xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa tại Hội thảo Văn hóa 2022

Trên cơ sở nhìn nhận toàn diện những tồn tại, bất cập này, Hội thảo Văn hóa của Quốc hội đã thống nhất được 09 nhóm chính sách và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần ưu tiên tập trung làm ngay để thể chế hóa tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này. Tại Hội thảo này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách là phải sớm xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035. Điều đó cho thấy, Quốc hội quyết tâm rất lớn trong việc tiếp nối, từng bước cụ thể hóa những chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 và Hội thảo Văn hóa 2022, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, về chính sách và nguồn lực về phát triển văn hóa để đáp ứng thực tiễn cuộc sống.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035

Giai đoạn 2025- 2035 là giai đoạn hết sức là quan trọng, chuẩn bị hướng tới Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, tôi đánh giá rất cao vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa lần này. Bởi tất cả tư tưởng, quan điểm của Đảng chỉ có sức mạnh khi biến thành thể chế, nguồn lực và thâm nhập vào đời sống thực tiễn. Quốc hội ban hành Nghị quyết yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035 trong năm 2024 là việc làm hết sức kịp thời, đúng đắn.

Tôi cho rằng, cùng với tinh thần chỉ đạo sát sao của Quốc hội đối với lĩnh vực văn hóa như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa lần này sẽ sớm được thông qua và triển khai trong đời sống thực tế, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc trong công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà văn hóa dân tộc cũng như xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; thực hiện khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam.

Phóng viên: Theo ông, Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 cần lưu ý đặc biệt những nội dung nào?

PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Tôi cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035 phải quán triệt, bám sát đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa IX); các nội dung trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Kết luận 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 trong giai đoạn tới.

 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, đảm bảo đầu tư đúng và trúng những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách hiện nay để xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam cũng như phát triển văn hóa Việt Nam một cách bền vững

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, đảm bảo đầu tư đúng và trúng những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách hiện nay để xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam cũng như phát triển văn hóa Việt Nam một cách bền vững. Tôi cho rằng, cần phải hết sức lưu ý chống hình thức, chống bệnh thành tích mà phải tập trung đi sâu vào thực chất, đảm bảo hợp lý, hợp tình. Do vậy, mọi văn bản, tiểu dự án trong Chương trình đòi hỏi cần phải được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, để đảm bảo tác động một cách có hiệu quả đến đời sống văn hóa của xã hội.

Một yếu tố quan trọng cần lưu tâm không kém đó là phải luôn quan tâm vào tính thực tiễn. Nghĩa là khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa này phải tôn trọng sự đa dạng về nhu cầu văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Đối với khu vực, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, chúng ta phải tôn trọng tính đặc thù của mỗi cái địa phương, mỗi cộng đồng, chứ không bình quân, không áp đặp. Chương trình phải chú trọng phát huy được tính sáng tạo mỗi cộng đồng, mỗi chủ thể khác nhau cho việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Đồng thời phải đảm bảo cả tính thống nhất của nền văn hóa, thống nhất về thể chế, thống nhất về thiết chế, thống nhất về sự chỉ đạo, công tác tổ chức, quản lý bộ máy hành chính để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận từ Trung ương đến cơ sở khi thực hiện Chương trình.

Đồng thời, phải tôn trọng sự đa dạng về nhu cầu văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, không áp đặt

Cuối cùng là luôn luôn cần phải tính đến tính hiệu quả Chương trình. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Hội nghị lần thứ X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX từ 7/2004 đã yêu cầu: “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước”.

Nghĩa là, Chương trình cần phải chú ý tới hiệu quả của đầu tư. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên đầu tư này phải được quản lý một cách có hiệu quả, đầu tư đúng và trúng đối tượng ở trong giai đoạn 2025- 2035, chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng, đặc biệt là quan tâm tới cái phương châm mà Đảng ta nhấn mạnh là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Đồng thời phải làm cho mỗi người dân cảm nhận được thực tế lợi ích của mình và cộng đồng từ Chương trình, từ đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ lớn của người dân đối với Chương trình mục tiêu này.

Phóng viên: Chúng ta đã bắt đầu bước vào năm 2024, theo ông, Chính phủ cần lưu ý những công việc gì để có thể hoàn thiện và trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa kịp trong năm nay?

PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã chính thức yêu cầu trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035. Nay đã là giữa tháng 1/2024, thời gian không còn nhiều, tôi cho rằng, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải khẩn trương rà soát, lấy ý kiến hoàn thiện Chương trình và hệ thống các văn bản liên quan.

Đặc biệt, Chính phủ cần tinh thần chủ động tiến công, tinh thần là cố gắng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia này; chuẩn bị ổn thỏa tất cả các nguồn lực cho các kế hoạch, chương trình, dự án có trong Chương trình, để  đảm bảo khi được Quốc hội thông qua có thể triển khai nhanh, có hiệu quả, tránh việc phải chờ đợi, kéo dài. Tôi cho rằng, để thực hiện hiệu quả Chương trình này trong thực tế đòi hỏi quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là của các cơ quan liên quan trực tiếp, các cơ quan tham mưu, các bộ chủ quan và các bộ ngành có liên quan. Do vậy, mọi việc cần phải được tiến hành một cách thống nhất, đồng thời.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương