SỰ THAM GIA CỦA NHÂN DÂN VÀO QUY TRÌNH LẬP HIẾN NGÀY CÀNG ĐƯỢC CHÚ TRỌNG QUA CÁC THỜI KỲ

11/01/2024

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân ngày càng được Đảng, các cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền quan tâm, chú trọng. Trong đó, hoạt động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn xã hội; phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Quốc hội khóa XV

Lập hiến là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, từ khi ra đời đến nay Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp, gồm các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013; Quốc hội cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1980 vào năm 1988 và 1989; sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 vào năm 2001.

Qua mỗi lần xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, cũng như sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (sau đây gọi chung là sửa đổi Hiến pháp), Quốc hội đã thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp với thành phần là đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện một số cơ quan, tổ chức khác.

Phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân           

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, Quốc hội đã ban hành văn bản quy định về quy trình soạn thảo, xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó quy định khá cụ thể cách thức tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nhân dân có thể tham gia ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong suốt quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng tập trung chủ yếu vào giai đoạn sau khi đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Chẳng hạn năm 2013, Nhà nước đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ngày 2/1/2013 đến ngày 31/3/2013, tức là sau khi Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 11/2012).

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

 Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tổ chức, triển khai công phu với sự tham gia tổ chức, chỉ đạo của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong cả hệ thống chính trị. Đơn cử như việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cụ thể là: ngày 23-11-2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 02-01-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013; Ngày 02/01/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tiếp theo đó là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác ở các cấp, các ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. 

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại quận Tây Hồ ngày 27/2/2013

Ðối tượng lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp bao gồm: Các tầng lớp nhân dân; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương; các cơ quan nhà nước ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bao gồm: Lời nói đầu, tất cả các chương, điều, khoản, điểm của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.

Các hình thức lấy ý kiến Nhân dân bao gồm: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.

Kết quả các đợt lấy ý kiến Nhân dân qua các thời kỳ ngày càng nâng cao

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, thực tiễn quá trình ban hành Hiến pháp 1946 và các lần sửa đổi Hiến pháp cho thấy: Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân ngày càng được Đảng, các cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền quan tâm, chú trọng hơn, đã coi trọng việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn xã hội; phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Việc tham gia ý kiến của Nhân dân vào quy trình lập hiến còn thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Dân chủ trong hoạt động lập hiến càng cao thì càng phát huy được tối đa trí tuệ của tập thể đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và Nhân dân cả nước trong việc xây dựng, ban hành các quy phạm của Hiến pháp có chất lượng cao; càng phản ánh được thực chất hơn, sâu sắc hơn ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong Hiến pháp, góp phần bảo đảm cho các quy phạm hiến pháp phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với xu thế thời đại và có tính khả thi cao.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng với ý thức, trách nhiệm của Nhân dân tham gia góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày càng được nâng cao; kinh phí, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu cho việc tổ chức các hình thức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp có chất lượng cao.

Kết quả các đợt tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về các dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua các thời kỳ ngày càng nâng cao, số lượng các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và số người tham gia góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp được tăng lên nhiều; chất lượng các ý kiến góp ý về các điều, khoản, điểm của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các vấn đề khác có liên quan được nâng lên và đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban biên tập nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp./.

Lê Anh