ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI GẮN LIỀN VỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, việc đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội luôn được Đảng quan tâm chỉ đạo sát sao.
Các bản Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, bao gồm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội. Từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều quan điểm, chủ trương được nêu trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội, nhằm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời nâng cao tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cùng với cơ chế giới thiệu, bầu những người có đức, có tài, có trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị tốt tham gia Quốc hội, nhằm xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất để thực hiện tốt các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, góp phần quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát tối cao.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, để thực hiện vai trò Lãnh đạo đối với Quốc hội, từ năm 1991 đến nay Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn kiện trong đó đã thể hiện rõ các quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Trong đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991 đã đặc ra yêu cầu: “Cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội để làm đúng trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới tiêu chuẩn đại biểu và chế độ bầu cử Quốc hội”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cùng nêu rõ: “Nhà nước định ra các đạo lực… Nhà nước ta phải có đủ quyền lực và đủ khả năng định ra luật pháp… Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991 đã đặc ra yêu cầu cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội để làm đúng trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986, cùng với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, Đảng đã chỉ đạo Quốc hội cần cải tiến, đổi mới tổ chức bộ máy, cùng với việc đổi mới tổ chức thì phải cải tiến phương thức hoạt động để phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng với yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hành mà Nhân dân giao phó. Đảng nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội là nhân tố quan trọng, là hạt nhân hình thành Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, do đó Đảng yêu cầu phải chú trọng nâng cao tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của các đại biểu Quốc hội.
“Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả Bộ máy nhà nước, Đảng cũng đã chỉ đạo các cơ qua nhà nước phải phân công, phối hợp chặt chẽ trogn việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nói.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng năm 1996 đã xác định rõ hơn nhiệm vụ: “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”.
Sau khi đất nước thống nhất, hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, trong nhiều lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, Đảng đã yêu cầu Quốc hội chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp nhằm ban hành kịp thời, có chất lượng các đạo luật, nghị quyết phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với việc đẩy mạnh công tác lập pháp, Đảng cũng yêu cầu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhằm bảo đảm cho việc thi hành Hiến pháp và pháp luật được nghiêm chỉnh, thống nhất. Vì vậy, tại Đại hội lần thứ VII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ cho Quốc hội phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Quốc hội đổi mới, kiện toàn tổ chức, dành nhiều thời gian, trí tuệ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng.
Theo báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng năm 2001, bên cạnh hai chức năng lập pháp và giám sát, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được Đảng đặt ra cho Quốc hội. Trước yêu cầu mới của đất nước, có nhiều vấn đề quan trọng của đất nước cần được Quốc hội quyết định như: quyết định các chính sách quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, triển khai thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án có vốn đầu tư lớn, các chính sách về tài chính, tiền tệ quốc gia… Do vậy, Đảng đã yêu cầu Quốc hội tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, cải tiến phương thức hoạt động và dành nhiều thời gian, nguồn lực, trí tuệ để xem xét, thảo luận, quyết định có hiệu quả các vấn đề quan trọng của đất nước – đây là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội.
Tiếp đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng năm 2006 đã tiếp tục đặt ra nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bầu cử, tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội; tổ chức lại một số Ủy ban của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến
“Có thể nói, việc đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội luôn được Đảng quan tâm chỉ đạo sát sao. Đảng không những lãnh đạo việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói chung, mà còn chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết thế cụ thể trong cơ cấu của Quốc hội; đồng thời chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến khẳng định.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội.
Các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để Quốc hội thực sự là Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật quy định. Đặc biệt, Đảng đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để lựa chọn, giới thiệu và bầu những người thực sự có đức, có tài, có trách nhiệm, có bản lĩnh vào Quốc hội. Tiếp tục tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách; có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ, có trách nhiệm với cử tri.
Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng cũng đặt ra việc nghiên cứu giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội – phương thức hoạt động mới của các cơ quan của Quốc hội; Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, trên cơ sở các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, Quốc hội đã kiện toàn các cơ quan, theo đó tách Ủy ban Pháp luật thành Ủy ban Pháp luật mới và Ủy ban Tư pháp; tách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – ngân sách; số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tăng lên.
Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015… trong đó có nhiều quy định về hoàn thiện tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đổi mới quy trình lập pháp; quy trình, thủ tục giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được quy định cụ thể hơn, bổ sung các quy định về việc tổ chức các phiên giải trình, tổ chức giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm….
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, các văn kiện của Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đã nêu rõ các quan điểm, chủ trương về tiếp tục đổi mới tổ chức Quốc hội, cơ cấu các cơ quan của Quốc hội với tỷ lệ các chức danh trong Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội hợp lý, tăng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm số đại biểu Quốc hội hoạt động trong các cơ quan hành pháp; đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật quy định.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 đã xác định nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo.
"Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.
Như vậy, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nâng lên tầm cao mới trong việc chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt dộng của Quốc hội như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần giới thiệu những người có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ, năng lực thực sự, có trách nhiệm cao và có vị trí, vai trò lãnh đạo trong cơ quan của Đảng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội để bố trí vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội; đồng thời cần bảo đảm các điều kiện cần thiết cho các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nói.