CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

06/01/2024

Tiếp tục chuyến công tác tại thành phố Hải Phòng, chiều nay, 6/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Hiển

Dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng dự có đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành... 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Hiển

Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, kết quả nổi bật Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã triển khai thực hiện trong năm 2023 là đã tổ chức thành công sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020 - 2025; thống nhất giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu đã được thành phố đề ra để tiếp tục triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ, với quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành vượt qua mọi khó khăn, thách thức để nỗ lực, phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết. Qua đó, Thành ủy đã xác định, cụ thể hóa nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trọng tâm là 29 nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện đến hết nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Hiển

Về kết quả năm 2023, Hải Phòng đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 10,34%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn gấp khoảng 2 lần bình quân chung của cả nước, thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng. Năm 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp Hải Phòng vượt mốc thu ngân sách nhà nước trên 100 nghìn tỷ đồng/ năm, đạt 103.655 tỷ đồng.

Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ: thu hút đầu tư nước ngoài đạt 3,623 tỷ USD, bằng 174% so với cùng kỳ; chỉ số PCI xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, ngày càng hiện đại với việc thành lập mới 3 cụm công nghiệp, khởi công nhiều công trình, dự án lớn trong lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, đô thị...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, gợi mở một số nội dung thảo luận tại buổi làm việc. 

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ của thành phố cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Hải Phòng tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo với nhiều giải quốc gia và giải quốc tế. Các chính sách an sinh xã hội được chú trọng thực hiện; tổ chức thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách với kinh phí trên 541 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2022). Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo còn 0,32%, giảm 0,4% so với năm 2022.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Công tác cán bộ được chú trọng; phát triển tổ chức đảng, đảng viên được đẩy mạnh; kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; công tác dân vận được đổi mới. Đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của Thành phố theo quy định.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thành phố có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của HĐND các cấp được nâng cao chất lượng, bám sát tình hình thực tế địa phương. Công tác điều hành, quản lý của UBND các cấp ngày càng sâu sát thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng đạt một số kết quả cụ thể như: Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP. Hải Phòng nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù trong năm 2022 là 1.785 tỷ đồng (số vượt thu năm 2021); năm 2023 số tiền là 926,6 tỷ đồng (số vượt thu năm 2022).

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

HĐND thành phố ban hành 4 Nghị quyết chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên để thực hiện Dự án với tổng diện tích là 289,352 ha. Các lĩnh vực về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý được áp dụng, triển khai hiệu quả, đem lại nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thành phố cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề để Hải Phòng tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35 của Quốc hội; thúc đẩy liên kết vùng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2024 là năm trọng tâm thực hiện cải cách hành chính trong Đảng

Hải Phòng xác định chủ đề năm 2024 là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”. 

Theo đó, Thành ủy và các cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành để năm 2024 là năm trọng tâm thực hiện công tác cải cách hành chính trong Đảng, từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, bảo đảm triển khai thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xin ý kiến, xử lý công việc của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, chính quyền; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, chính quyền, bao gồm cả những công việc, hoạt động chung của thành phố.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội.

Hiện nay, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%, không còn nhiều không gian phát triển trong thời gian tới, trong khi làn sóng đầu tư mạnh mẽ đang từ các nước chuyển vào Việt Nam. Các điều kiện thành lập Khu kinh tế đến nay đã cơ bản bảo đảm, Hải Phòng đang chỉ đạo lập Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng để trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu năm 2024 để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Do đó, Hải Phòng mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để sớm phê duyệt Quyết định thành lập Khu kinh tế này, trong đó có nội dung về nghiên cứu, phát triển khu thương mại tự do trong khu kinh tế với những chính sách, giải pháp mang tính đột phá, áp dụng những kinh nghiệm thành công của các nước trên thế giới để phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Thành ủy Hải Phòng cũng nêu một số đề xuất cụ thể liên quan đến việc lập quy hoạch và các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng trước năm 2030, trên cơ sở đó sớm triển khai xây dựng, đưa vào vận hành; xây dựng 2 bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn trước năm 2030; phát triển điện gió ngoài khơi tại vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ đến năm 2030 tại huyện Bạch Long Vĩ.... 

(Theo báo Đại biểu nhân dân)