GÓP Ý LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ HÀ NỘI TRONG TƯƠNG LAI

26/12/2023

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Quan tâm tới dự luật, TS. Vương Quang Lượng - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về “khuyến khích” hoặc “thúc đẩy” các khu công nghiệp hiện có, khu công nghiệp đã được quy hoạch để “từng bước” phát triển thành khu công nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp sinh thái để bảo đảm môi trường đô thị Hà Nội trong tương lai.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô, được các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội tích cực, chủ động triển khai thi hành Luật. Sau 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù được quy định trong Luật đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội, giúp thành phố chủ động trong công tác quy hoạch, xây dựng, thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh để khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều khó khăn vướng mắc, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật này cho phù hợp điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại, có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới, vì vậy công tác xây dựng quy hoạch phát triển Thủ đô là hết sức cần thiết và giữ vị trí quan trọng.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 gồm 07 chương, 59 điều; tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Quan tâm đến quy định về công tác quy hoạch Thủ đô, TS. Vương Quang Lượng - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, nên cân nhắc bỏ cụm từ “an ninh nguồn nước” tại khoản 1 Điều 19, vì thực tế trong nội hàm của “phát triển bền vững, bảo vệ môi trường” đã bao gồm bảo đảm an ninh nguồn nước.

Điều 3 về giải thích từ ngữ quy định “Khu vực nội đô lịch sử” cơ bản bao gồm các khu vực thuộc quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Tây Hồ. Do đó, khoản 1 Điều 20 có đưa ra “Trong khu vực nội đô lịch sử … không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp,….”, TS.Vương Quang Lượng cho rằng nên loại bỏ đoạn này vì không cần thiết, trên thực tế 05 quận này chưa bao giờ có khu công nghiệp theo đúng nghĩa và hiện cũng không thể có trường hợp mở mới khu công nghiệp trên địa bàn 05 quận này. Vì vậy, đề nghị sắp xếp lại như sau: “1. Trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất hiện có của các bệnh viện, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.”

Ảnh minh hoạ

Cũng góp ý vào quy định tại Điều 20, TS.Vương Quang Lượng đề xuất nên đổi cụm từ “danh mục, biện pháp và lộ trình di dời” thành “danh mục, phương án và lộ trình di dời” ở điểm a, khoản 2. Cùng với đó, khoản 3 có nêu quỹ đất của các cơ quan đơn vị sau di dời sẽ được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng. Nên cân nhắc thêm ý này, vì nhiều cơ quan sau di dời sẽ còn các trụ sở, công trình xây dựng trên đất,… sẽ rất khó để hình thành các khu vực không gian. Do đó, có thể điều chỉnh thành “ưu tiên sử dụng để phục vụ mục đích công cộng” sẽ phù hợp hơn.

Tại điểm c khoản 2 Điều 21, TS.Vương Quang Lượng đề xuất nên đưa Quy hoạch chung Thủ đô vào làm cơ sở pháp lý, do đó sửa thành: “Phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;”. Mặt khác, theo dự thảo Luật, Hà Nội quyết định thành lập khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô, do đó, tại khoản 2 điều này chỉ cần quy định khu công nghệ cao nói chung để có tính tổng quát hơn. Hà Nội hoàn toàn có thể quyết định quy hoạch thêm khu công nghệ cao ngoài khu công nghệ cao Hoà Lạc nếu thấy cần thiết.

Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện ở Hà Nội hiện đã và đang quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp, trong tương lai, một số huyện này có thể phát triển lên thành quận. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về “khuyến khích” hoặc “thúc đẩy” các khu công nghiệp hiện có, khu công nghiệp đã được quy hoạch để “từng bước” phát triển thành khu công nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp sinh thái để bảo đảm môi trường đô thị Hà Nội trong tương lai.

Ngoài ra, TS.Vương Quang Lượng nêu rõ, việc chuyển mục đích sử dụng đất không những cần công khai mà còn phải minh bạch để thu hút sự tham gia ý kiến của người dân. Do đó, tại khoản 6 Điều 30, đề nghị bổ sung thêm từ “minh bạch”, thành "Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa sang các loại đất phi nông nghiệp phải thực hiện công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan."./.

Minh Thành

Các bài viết khác