TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

27/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 8h00 sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

GÓC NHÌN: GÓP Ý HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THU HÚT NHÂN TÀI, CHẾ ĐỘ THU NHẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TẠI DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Theo đó, trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Căn cước; Luật Nhà ở (sửa đổi).

Sau phần thảo luận, thành viên Chính phủ có liên quan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:

8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Quốc hội.

Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

8h01: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Theo đó, về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước. 

Có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.

Chủ nhiệm Ủy ban Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và phiên họp UBTVQH giữa 02 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hầu hết ý kiến ĐBQH đều đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước đã được giải trình tại Báo cáo số 666/BC-UBTVQH15 ngày 24/10/2023 của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. UBTVQH cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

Từ những vấn đề trên, UBTVQH nhận thấy, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, UBTVQH trân trọng đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước. 

Về trung tâm dữ liệu quốc gia (quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 10, khoản 5 Điều 11 và khoản 3 Điều 12), UBTVQH tiếp thu ý kiến của ĐBQH và báo cáo giải trình thêm như sau: Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện Đề án và ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Trong dự thảo Luật chỉ quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia với ý nghĩa là một hệ thống kỹ thuật được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ, khai thác, xử lý thông tin phù hợp với chủ trương của Đảng và Đề án của Chính phủ. 

Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 19 Điều 3 quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 tương tự như đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới khẳng định, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Giải trình, tiếp thu ý kiến về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Điều 24), UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý nội dung này như dự thảo Luật và xin báo cáo như sau: Khi các thông tin của công dân được lưu trữ, mã hóa trong bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước có sai sót thì cũng phải cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm thông tin trên thẻ phản ánh chính xác với thực tế và thống nhất với thông tin trong các cơ sở dữ liệu, thông tin trong căn cước điện tử…, đáp ứng yêu cầu đúng, đủ, sống, sạch, cũng như quyền lợi của người dân khi thực hiện các giao dịch. Do đó, trong trường hợp không phải đổi thẻ căn cước thì công dân phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin. Để xử lý trường hợp này, bên cạnh việc chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 24, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung nội dung giao Chính phủ “quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước” tại khoản 6 Điều 22 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. 

Đối với quy định về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước (Điều 30), có ý kiến đề nghị nghiên cứu cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, thực tế cho thấy, ở Việt Nam có nhiều người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự ở nước ta. Do vậy, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước đối với toàn bộ người không quốc tịch.

Giải trình, tiếp thu ý kiến về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV),  có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu về quy định chuyển tiếp (Điều 46). Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân tại khoản 3 Điều 46 như sau: “Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.”; theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: “Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2024”; đồng thời chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.

8h11: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này..

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.

8h13: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiếp theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi).

8h14: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ số 697/BC-UBTVQH15 ngày 24/11/2023 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gửi đến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Về một số nội dung tiếp thu, giải trình liên quan đến yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở (Điều 5), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để bảo đảm tính thống nhất với khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) , UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng thu hẹp phạm vi khu vực chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê, tăng cường phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, cụ thể như sau: “5. Tại các khu vực phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê. Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để người dân tự xây dựng nhà ở…”.

Về đối tượng được thuê nhà ở công vụ (Điều 45), có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 45 đối tượng được thuê nhà ở công vụ là: người làm công tác cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, cơ yếu không phụ thuộc vào địa bàn công tác; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại vùng sâu, vùng xa. Về vấn đề này UBTVQH đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn cung nhà ở công vụ, sau này, khi điều kiện cho phép sẽ xem xét, tiếp tục mở rộng thêm nữa.

Theo đó, việc tiếp thu, chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 45 như dự thảo Luật là phù hợp; đồng thời, để bảo đảm bao quát, linh hoạt giải quyết các trường hợp đặc thù có thể phát sinh trong thực tiễn, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý điểm g khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật như sau: “g) Căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.” Lý do mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ đã được nêu trong Báo cáo đầy đủ tiếp thu, giải trình.

Về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (Điều 57), UBTVQH nhận thấy việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 57 như thể hiện tại dự thảo Luật là nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, đồng thời bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý và nhu cầu phát triển, đáp ứng nguồn cung nhà ở cho một bộ phận người dân ở đô thị.

Để có cơ sở triển khai đồng bộ quy định này, các điều có liên quan của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý như sau: (1) Khoản 4 Điều 80 quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nguồn tài chính công đoàn; (2) Khoản 2 Điều 84 quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo đó, việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; (3) Bổ sung vào khoản 1 Điều 85 ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn tài chính công đoàn như sau: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi quy định tại các điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều 85; (4) Điều 86 quy định một số nguyên tắc xác định giá thuê và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội; đồng thời khoản 4 Điều 89 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, bảo đảm cơ chế triển khai đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng và cho thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.

Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, UBTVQH nhận thấy, quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp. 

Đồng thời, do Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trong khi Luật Nhà ở đã bổ sung dự án nhà lưu trú công nhân, để tránh cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, UBTVQH xin bổ sung khoản 3 Điều 95 của dự thảo Luật về việc “3. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư…”.

Đối với xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ tại Báo cáo số 642/BC-CP ngày 16/11/2023, UBTVQH đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật vì các lý do sau đây: (1) Tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; (2) Tránh gây xung đột với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, điều kiện làm chủ đầu tư; (3) Việc tập trung đầu tư, tạo thuận lợi phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân ngoài khu công nghiệp, đồng thời đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật và ý kiến của đa số ĐBQH là phù hợp để thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu một số vấn đề liên quan đến tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bản đầy đủ. Sau khi tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 13 chương, 198 điều.

8h28: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể và toàn văn luật này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

8h33: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều ngày 10/11/2023, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung này, đã có 83 lượt ý kiến phát biểu và ba vị đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản góp ý. Tổng thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp 25 trang gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. 

Ngày 24/11/2023, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 380 dài 21 trang, dự kiến giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến đại biểu Quốc hội về Luật Thủ đô. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung trong Báo cáo thẩm tra, Báo cáo tiếp thu, giải trình đã nêu. Mỗi đại biểu phát biểu một lần không quá 7 phút, tranh luận không quá 3 phút.

8h35: Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng: Cần làm rõ phạm vi áp dụng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng tán thành sửa đổi Luật Thủ đô để thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhin đến năm 2045. 

Về cơ chế thử nhiệm có kiểm soát tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng không nên chỉ giới hạn thử nghiệm tại khu công nghệ cao.

Bởi vì việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ, có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả. 

“Ví dụ robot giao thức ăn tự hành thì cần có cư dân sinh sống để bán thức ăn thử nghiệm đến nhà dân, trong khi tại các khu công nghệ cao thì có rất ít người dân sinh sống, Nếu chỉ cho phép thử nghiệm trong khu công nghệ cao thì sẽ có rất ít nhu cầu đặt hàng do đa số nhân viên trong công ty đều ăn trong căng tin”, đại biểu phân tích rõ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị cần làm rõ phạm vi áp dụng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. 

Cụ thể tại điểm a Điều 41 mới chỉ ra giải pháp công nghệ mới nhưng lại giới hạn khu vực khu công nghệ cao. Điểm b mới chỉ nêu địa điểm thử nghiệm chứ chưa đề cập cụ thể đến lĩnh vực công nghệ cần thử nghiệm tại các khu thúc đẩy thương mại, văn hóa tại một số địa điểm trên địa bàn thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch mà không rõ lĩnh vực thử nghiệm là gì.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị chỉnh lý khoản 2 và bổ sung khoản 3 quy định riêng về địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như bổ sung một số lĩnh vực công nghệ.

8h41: Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tiếp tục nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ Thủ đô là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa cả nước, nên việc xây dựng đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Đại biểu bày tỏ thống nhất với các nội dung như Tờ trình.

Về tổ chức chính quyền đô thị kế thừa Nghị quyết 92 nêu cụ thể rõ ràng, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh về không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận để đạt hiệu quả hoạt động cao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhất trí tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; đồng thời đề nghị cần đề xuất nêu rõ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, cân đối giữa các ngành. Về cơ cấu cần xem xét quy định cứng trong luật về việc Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố là Thường trực Hội đồng nhân dân. 

Về tăng biên chế, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần để cấp có thẩm quyền quyết định.

Về nhiệm vụ quyền hạn, cần có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch. 

Về mô hình thành phố thuộc thành phố, do hiện này Hà Nội chưa có nên đề nghị khi nào có thì thành phố trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Về thu hút nhân tài, đại biểu Phạm Văn Hòa nhất trí cao, tuy nhiên còn nội dung chung chung. Dẫn chứng như trong quy định về việc hỗ trợ đào tạo, đại biểu đề nghị quy định rõ ràng về đối tượng và việc đào tạo cần có ràng buộc trách nhiệm của đối tượng tham gia. 

Về dư nợ của Thành phố, đề nghị quy định mức trần vay nợ quy định tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh.

8h48: Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng: Phát triển mô hình TOD sẽ là lối ra phát triển đường sắt đô thị.

Đại biểu Tô Ái Vang ủng hộ sự cần thiết sớm ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu quan tâm đến quy định liên quan đến phát triển nhà ở, cải tạo chung cư tại các đô thị. Tuy nhiên, đề nghị rà soát có cơ chế chính sách về phát triển, cải tạo chung cư cũ có khác biệt gì so với các quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay thì mới đưa vào quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi. Trường hợp nếu các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô về vấn đề này mà không có nội dung mới so với Luật Nhà ở (sửa đổi) thì không nên quy định lại để tránh sự trùng lặp.

 Góp ý vào Điều 39 phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD, đại biểu cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị. Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, mô hình này có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Bên cạnh đó, với mô hình này,  cần có thiết kế mới nào để có thể chuẩn bị đảm bảo đầy đủ hơn nữa cơ sở pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD.

Tại Điều 46 vùng Thủ đô có 3 khoản, đại biểu kiến nghị gộp thành 1 khoản và đưa về Điều 3 về giải thích từ ngữ. Đại biểu cũng kiến nghị rà soát khoản 3 Điều 46, dự thảo luật cần bổ sung thêm một chương để làm rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực tăng trưởng thúc đẩy phát triển đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước trong thời gian tới.

8h54: Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Cần quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ từng cấp chính quyền

Đại biểu cho rằng, về chính sách quy hoạch và quản lý đô thị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tiếp tục bám sát các yêu cầu về quy hoạch, quản lý đô thị tại Nghị quyết số 15 của Trung ương để thể chế hóa rõ ràng, cụ thể thành các quy phạm. Quy định tại Điều 19 còn mang tính nguyên tắc, các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển nhà ở còn quá khái quát, chưa thật đồng bộ, chưa giải quyết được vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra trong thời gian qua. 

Về chính sách tổ chức chính quyền thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 15 đã phân cấp, phân quyền cho thủ đô trên một số lĩnh vực, nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu cho rằng, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền thành phố là phù hợp với định hướng, chính sách của dự án luật. 

Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền. Đồng thời, khi quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố trong việc quyết định các mô hình cơ quan chuyên môn giúp việc, được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 của dự thảo luật, cần xác định phạm vi các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù, điều kiện, tiêu chí thành lập, loại hình tổ chức…

9h00: Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ: Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển thủ đô trở thành thủ đô văn minh, hiện đại

Phát biểu tại hội trường đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình rất cao với việc ban hành sửa đổi Luật Thủ đô. Về chính trị, pháp lý, đại biểu cho biết, đã có Nghị quyết số 06 của Trung ương, Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh yêu cầu và mục tiêu: xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển thủ đô trở thành thủ đô văn minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết đô thị.

Về cơ sở thực tiễn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, hạ tầng văn hóa, xã hội, tôn giáo, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, vấn đề an sinh xã hội, phát triển khoa học công nghề và bảo vệ môi trường…

Về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 của dự thảo, đại biểu nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. 

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”. 

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

9h05: Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có của Thủ đô Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 9 năm thi hành Luật trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên vùng, quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát triển an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường để hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô. Từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước. 

Cũng bày tỏ thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo luật trình kỳ họp, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các nhóm chính sách trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới, trong đó có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá, đặc thù để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện....

Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn Hội đồng nhân dân quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do Hội đồng nhân dân thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố là hợp lý. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. 

Do vậy, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố. Đồng thời ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của Hội đồng nhân dân để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

9h12: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Tán thàn với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, từ thực tiễn triển khai cơ chế chính sách đặc thù tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng… đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, việc tổ chức mô hình thành phố trong thành phố sẽ tạo bước đột phá cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.

Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá cao trong năm 2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết rất ưu việt và đột phá đó là quản lý tài sản công. Đại biểu cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách lên từ 25-30%; đồng thời bố trí đội ngũ lãnh đạo Hội đồng nhân dân phù hợp; đồng thời có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố; Hội đồng nhân dân quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức Hội đồng nhân dân…

Về quy định về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo luật đã quy định khá cụ thể về nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật sẽ phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.

9h17: Đại biểu Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo. 

Việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND Tp.Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này. 

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, Điều 17 của luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thủ đô. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu cho rằng cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của thủ đô.

9h25: Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Đảm bảo không xung đột với các quy định trong hệ thống pháp luật

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi dự thảo Luật Thủ đô cũng như các nội dung của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô…

Đại biểu cho biết, các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 06, Nghị quyết số 15 về định hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Theo đại biểu, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đảm bảo được các nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; đảm bảo cơ chế, chính sách phù hợp; bám sát 9 nhóm nội dung chính sách được thông qua; quy định chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển, quy định của Luật Thủ đô năm 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm và luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

“Có thể thấy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề xuất những chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Điều này đồng nghĩa với các quy định chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ không tránh khỏi những xung đột với các văn bản luật hiện nay và trong tương lai. Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý để giải quyết vấn đề này”, đại biểu Dương nêu ý kiến.

9h32: Nghỉ giải lao (20 phút) 

9h51: Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Cần nghiên cứu thêm các quy định có tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đánh giá cao dự thảo Luật có nhiều điểm mới so với luật hiện hành với 10 nội dung quản lý ngành, lĩnh vực có vượt so với quy định chung thuộc các lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển của Thủ đô như đầu tư công nghệ, y tế, nhân sự, xây dựng. Những quy định này về cơ bản sát với nhu cầu của Hà Nội để có thêm sức bật về thể chế. Tuy nhiên một số nội dung được xem là vượt trội nhưng thực chất là những quy định có tính tháo gỡ quy định chung mà các địa phương nào cũng cần, không chỉ riêng Hà Nội. 

Chỉ rõ một số nội dung như kí hợp đồng có thời hạn với người có điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm, thu hút nhân tài là những quy định cụ thể hơn hay quy định về liên kết giáo dục, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng các quy định vượt trội do cả nước không được áp dụng quy định này mặc dù đây là những quy định có thể được áp dụng ở hầu hết các địa phương, chứ không phải là những quy định khai phóng những tiềm lực riêng có của Hà Nội. Do đo, đại biểu cho rằng cần quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội.

Dự thảo có khoảng 6 nội dung thể chế từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng các quy định này áp dụng cho Hà Nội cần xem xét thêm vì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có sự khác biệt về nhu cầu quản trị điều hành. Các quy định của Nghị quyết 98 được đề xuất trên cơ sở giải quyết những điểm nghẽn của Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay chưa được sơ kết, tổng kết nên cần hết sức đánh giá kĩ lưỡng trước khi luật hóa.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cũng đề nghị bổ sung quy định về vị trí hành chính theo pháp luật hiện hành và tính chất lãnh thổ của Thủ đô. Theo đó cần quy định Thủ đô Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị đặc biệt.

Về danh hiệu công dân danh hiệu Thủ đô, đại biểu đề nghị bổ sung danh hiệu cho chính công dân Việt Nam có đóng góp cho sự phát triển Thủ đô.

9h57: Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn phải hướng tới Thủ đô văn minh, hiện đại

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; phải quy định được vai trò, trách nhiệm quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của nước. Đại biểu cho rằng, yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển.

Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng, xây dựng phát triển quản lý bảo vệ Thủ đô phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh hiện đại và yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước. Các công trình kiến trúc xây dựng Thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử; phải tạo những không gian để quy tụ những đặc trưng của các vùng miền hiện diện tại Thủ đô; việc quản lý phát triển toàn diện toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn quản lý của đô thị đặc biệt, gồm có đô thị trung tâm và các vùng nông thôn các vùng đô thị bên ngoài theo mô hình là thành phố thuộc thủ đô.

Với mô hình thành phố thuộc Thủ đô, toàn bộ những không gian này, kể cả như vùng nông nghiệp phát triển nông nghiệp đô thị nông nghiệp trải nghiệm cũng cần phải được cho phép xây dựng các công trình dịch vụ du lịch; không gian phát triển công nghiệp làng nghề cần phải được xây dựng các công trình thương mại dịch vụ. Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, Luật nên phân cấp, trao quyền cụ thể cho cho Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố. Việc trao thẩm quyền rõ ràng sẽ không sợ bị lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch; đồng thời luật cũng không nên quy định quá chi tiết sẽ vướng trong quá trình thực hiện.

Đại biểu nhấn mạnh, với quy định phân quyền và trao quyền như trên, nhiệm vụ và khối lượng công việc chính quyền thành phố phải thực hiện sẽ nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn. Do vậy, cần phải có một cái mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn với trao quyền này như đề xuất của dự thảo luật là cần phải có cả Hội đồng nhân dân cấp quận.

Người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và có quyền tự quyết định nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ phải cao hơn.
Về quy định nguồn lực cho phát triển Thủ đô, đại biểu đồng tình với những cơ chế chính sách mà trong dự thảo luật đề ra; đồng thời nhấn mạnh một số những đến huy động tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thể thao và khai thác các di sản và phát triển du lịch.

Đồng thời, phát triển mô hình đô thị  TOD không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô để khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ, không gian trên cao trong phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng. Do vậy, thành phố không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô.

10h02: Đại biểu Phạm Nam Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần thể chế hóa đầy đủ các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa

Phát biểu về việc phát triển văn hóa, thể thao trong dự thảo luật, đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị thể chế hóa đầy đủ 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thể chế vào dự thảo các quy định tiên phong, mở đường về hạ tầng, không gian văn hóa để phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn trong Chiến lược. 

Việc đưa vào dự thảo Luật các quy định mang tính chất gỡ bỏ các nút thắt về đầu tư, cơ chế quản lý tài sản công và ưu đãi đầu tư đã giải quyết các vấn đề rất cấp bách hiện nay. 

Về du lịch, đại biểu đề nghị Điều 23 của Dự thảo Luật nên bổ sung thêm quy định phát triển văn hóa thể thao, bởi lẽ thủ đô Hà Nội đã và đang khẳng định rõ vị thế trên trường quốc tế về du lịch. 

Du lịch không chỉ đóng góp quan trọng vào ngân sách thủ đô mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam. Do đó, việc quan tâm đến nội dung này là cần thiết.

10h08: Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chỉ rõ, trong khoản 1 Điều 5 luật hiện hành quy định xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; nhưng lại không có quy định mục tiêu để phát triển Hà Nội như thế nào, do đó phải có mục tiêu, các chính sách, định hướng rõ ràng hơn.
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã nêu, Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, do đó, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cũng phải quy định Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, từ đó người dân cả nước tham khảo và sẽ có những phấn đấu, đóng góp cho Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, Điều 5 dự thảo mới chỉ quy định xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Đại biểu cho rằng cần phải bổ sung cụm từ "giữ gìn" bởi còn liên quan tới văn hóa, lịch sử, là linh hồn của cả nước. Từ đó, đại biểu đề nghị quy định tại Điều 5 là "...trách nhiệm giữ gìn, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô ngàn năm văn hiến, văn minh và hiện đại."

10h10: Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết điểm b khoản 2, Điều 34 đặt vấn đề ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại một số điểm vi phạm. Đại biểu cho rằng, biện pháp này chỉ nên áp dụng cho một số lĩnh vực thôi chứ không nên tất cả. Bên cạnh đó, là các trường hợp đã bị lập biên bản xử phạt rồi nhưng vẫn cứ tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục. 

“Trong điều kiện xuất phát từ cái vị trí, vai trò của Thủ đô - là trung tâm chính trị hành chính quốc gia và trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước. Hà Nội sẽ tập trung một lượng rất lớn cư dân và cũng như khách du lich ở đây. Cho nên yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh đặt ra yêu cầu rất cao”, đại biểu Tám nêu quan điểm.

10h12: Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Làm rõ cơ cấu, thành phần khi đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân

Góp ý về cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại Điều 9 của dự thảo luật, đại biểu Trần Quốc Quân ủng hộ việc củng cố nâng cao hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân, bảo đảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ nêu việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhằm bảo đảm tính tỉ lệ đại diện cho cử tri phù hợp với tốc độ tăng của dân số cơ học của thành phố; đề nghị cần làm rõ cơ cấu thành phần của đại biểu để đảm bảo tính đại diện cho các tầng lớp các ngành các lĩnh vực trên địa bàn thành phố.

Đại biểu Trần Quốc Quân kiến nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu việc đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên tương ứng so với trong dự thảo, trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật cũng nêu các ban của Hội đồng nhân dân thành phố có các trưởng ban, phó ban và các thành viên nhưng phần lớn hoạt động là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, chưa tâm quyết cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, chưa tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Do đó, đại biểu đề nghị việc tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách sẽ có nhiều thuận lợi để cho đại biểu có toàn thời gian nghiên cứu tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến đề xuất các chính sách và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cho nhân dân một cách kịp thời, hiệu quả.

Về cơ cấu của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có sự cân nhắc, đánh giá một cách toàn diện, bởi quy định như dự thảo sẽ khó cho công tác bố trí công cán bộ.

Về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không quy định dịch vụ khám bệnh chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, trong khi đó tại dự thảo luật lại cho phép sử dụng nguồn kinh phí của quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho hoạt động dịch vụ này trên địa bàn thành phố là chưa bảo đảm nguyên tắc mọi người dân đều được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế được xác định trong Nghị quyết số 20 của ban chấp hành Trung ương.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu cân nhắc và đánh giá tác động kỹ lưỡng, lường trước những tình huống người dân sẽ sử dụng dịch vụ này nhiều hơn, với tần suất lớn hơn trong tương lai và xu thế và già hóa dân số thay đổi quy mô về bệnh tật, giá dịch vụ tăng thêm.

10h16: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tăng tự chủ cho Hà Nội

Về đổi mới mô hình chính quyền đô thị, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết hiện có hai mô hình, một là thí điểm ở Hà Nội và mô hình như của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện có nhiều bất cập bởi hiện nay cấp huyện chỉ là cấp dự toán ngân sách. Mặt khác cấp quận dân số ở các đô thị lớn như Hà Nội là rất đông. Sau khi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận thì các công việc đều dồn lên xử lý ở Hội đồng nhân dân thành phố nên cần phải đánh giá kĩ lưỡng 2 mô hình để chọn được mô hình tối ưu và cần tăng thêm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự quyết cho chính quyền thành phố để thực hiện cải cách bộ máy, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là làm rõ trách nhiệm trực tiếp gắn với thẩm quyền, trách nhiệm giải trình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân; tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. 

Về liên kết vùng, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng quy định như dự thảo chưa mang tính trách nhiệm ràng buộc cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, rõ phương thức triển khai thực hiện, rõ mối quan hệ Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội; đồng thời, cần có quy định trách nhiệm của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Đại biểu dẫn chứng việc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn là đặc điểm không phải địa phương nào cũng có, trong khi việc thực hiện di dời trụ sở ra khỏi trung tâm thành phố để giảm bớt ách tắc giao thông…nhưng nhiều năm không đạt được.

10h21: Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Dự thảo đã bổ sung, xem xét, cập nhật tính đồng bộ, phù hợp với các luật liên quan

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cơ bản đồng thình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Dự thảo Luật lần này đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc đánh giá các kết quả thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 và đã xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò, yêu cầu phát triển thủ đô trong tình hình mới. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, xem xét, cập nhật tính đồng bộ, tính phù hợp với các luật như đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,  thu hút nhân tài, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa.

Dự thảo Luật sửa đổi có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Góp ý về vấn đề khoa học, công nghệ của thủ đô, chủ yếu tập trung vào Điều 25 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thì cần sửa đổi, bổ sung và khoán các gói sản phẩm trung gian của đề tài. Sửa đổi Khoản 4, Điều 25 theo hướng giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng một chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng trọng tâm, trọng điểm có tính liên ngành, liên tục, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà thành phố cần gắn với sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu của thành phố.

Đồng thời nên bổ sung Điều 25 quy định thành phố có quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lượng thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của thành phố, giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho thành phố.

10h26: Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu tranh luận

Tham gia tranh luận về vấn đề quy định Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân là Uỷ viên Hội đồng nhân dân, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng nên quy định bởi theo dự thảo sẽ tăng thêm một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, như vậy sẽ Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ có 04 đồng chí, thêm 04 đồng chí là Trưởng bốn Ban của Hội đồng nhân dân sẽ là tám người. Trong khi đó, chế độ hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân là chế độ hoạt động tập thể, quyết định theo đa số, như vậy phải đảm bảo 9 người mới đảm bảo được thực hiện chế độ quyết định theo đa số.

Trên thực tiễn, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân đều tham gia trong quá trình tham mưu các hoạt động. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân là thành viên Uỷ ban; Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. 

Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định nội dung này để vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa đảm bảo tình hình thực tiễn.

10h28: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cần làm rõ các quy định ở khoản 4, khoản 5 Điều 9. Đại biểu cho rằng, có một số quy định chưa cụ thể. “Cụ thể, về cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, các đại biểu đồng tình, nhưng tôi thấy rằng ở đây quy định chưa rõ, cụ thể về thành phần nội bộ cần phải làm rõ hơn…”, đại biểu Tiến nêu ý kiến.

10h30: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Nhất trí không tổ chức HĐND phường

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm đến một số vấn đề về mô hình tổ chức chính quyền tại Tp. Hà Nội.

Theo đó, đại biểu nhất trí việc luật hóa không tổ chức HĐND phường tại Tp Hà Nội. Đồng thời đại biểu tán thành việc cho phép người đứng đầu cơ quan chuyên môn tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm. 

Đại biểu cho rằng điều này sẽ giúp các cơ quan, đơn vị bổ sung kịp thời số lượng nhân lực còn thiếu. Việc ký hợp đồng cũng nằm trong khuôn khổ đáp ứng các quy định, điều kiện, khả năng cân đối của ngân sách.

Về việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố lên 125 đại biểu, đại biểu cho rằng quy định này là phù hợp trong bối cảnh thủ đô là một trong hai địa phương có quy mô dân số đông nhất cả nước; với tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức 1,4%/ năm. Với số lượng 95 đại biểu HĐND như hiện nay thì tỷ lệ quá thấp, ảnh hưởng đến tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân thủ đô.

Mặt khác, việc không tổ chức HĐND phường thì việc tăng số lượng HĐND ở thành phố sẽ góp phần tăng cường việc kiểm soát, giám sát quyền lực đối với chính quyền cấp dưới.

10h36: Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Cần bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông Hồng

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Thủ đô Hà Nội cùng với các đô thị lớn của nước ta như các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đang gánh vác những trọng trách như vậy. Do đó, đại biểu nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội theo yêu cầu tại các văn kiện là phải xây dựng, phát triển Thủ đô nhằm đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước…

“Tôi đánh giá cao các quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15 của Trung ương về tập trung triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, tạo sự linh hoạt cho thành phố Hà Nội, nhất là khi một số quy định về điều chỉnh quy hoạch đã được thể hiện tại các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng và mới đây nhất là Thành phố Hồ Chí Minh đã được cho phép. Tôi nhận thấy cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật một điều khoản để làm sao cho việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn”, đại biểu Yên nhấn mạnh.

10h42: Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Thống nhất tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Lan thống nhất với quy định về tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, đại biểu chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố như quy định Điều 9 của dự thảo luật. Bởi, thành phố Hà Nội là đơn vị hành chính đặc biệt, Hội đồng nhân dân ngoài việc phải thực hiện các quyết định vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Hiện nay, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã và đang được phân cấp thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề; phải ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách và theo dự thảo của Luật Thủ đô, Hội đồng nhân dân tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp, thẩm quyền thực hiện thêm các nhiệm vụ khối lượng công việc tăng lên nhiều. Do đó, cần phải bảo đảm về bộ máy nhân lực và tài chính để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Về phân cấp cho Thường trực Hội đồng nhân dân tại khoản 4 Điều 9, đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung quy định tại dự thảo luật; đề nghị cần tiếp tục rà soát và cân nhắc thêm các nội dung: việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của thành phố và cho phép cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức của Thủ đô không vượt quá 0,8 lần so với mức lương cơ bản.  Đại biểu đề nghị quy định phù hợp với Nghị quyết 27 của Trung ương về lộ trình cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội về sử dụng nguồn cải cách tiền lương và thời hạn thực hiện chính sách tiền lương đặc thù tại các tỉnh, thành phố theo quy định chung. Đại biểu cho rằng, hiện nay chính sách cải cách tiền lương đang xây dựng nên cần có chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng chính sách này, để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp.

Thứ hai là quyết định sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ cho địa phương khác trong nước, nước khác trong trường hợp cần thiết, đại biểu đề nghị cần có quy định Thường trực Hội đồng nhân dân được quyết định mức hỗ trợ tối đa phù hợp do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

Thứ ba về quyết định chế độ tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế  -xã hội bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, đại biểu cho rằng, trường hợp này cần thông qua Hội đồng nhân dân, bảo đảm tính đại diện của Hội đồng quyết định các vấn đề cơ chế chính sách mới, không phân cấp cho Thường trực Hội đồng nhân dân.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định trong dự thảo luật chính quyền thành phố phân cấp cho chính quyền cấp dưới, hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thẩm quyền quyết định về việc thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, khả năng năng lực thực hiện, nhằm giảm các cây áp lực công việc cho chính quyền của thành phố và giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tổ chức và doanh nghiệp.

10h47: Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành về phân cấp, phân quyền

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhất là nội dung phân cấp phân quyền, thể hiện Chính phủ đã quyết liệt trong chì đạo, điều hành về phân cấp, phân quyền.

Cụ thể, phân cấp cho HĐND Thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 500 ha và đất rừng phòng hộ đến 1000 ha trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo Tờ trình của Chính phủ và theo Điều 58 của Luật Đất đai, khi chuyển mục đích trên 10 ha đất trồng lúa và trên 20 ha đất rừng phòng hộ thì phải xin ý kiến và có văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Quy trình này trong Luật quy định 7 bước và thời gian thực hiện 55 ngày làm việc của địa phương và bộ ngành (chưa kể thời gian trình Chính phủ phê duyệt). Đại biểu cho rằng, nếu phân cấp cho HĐND các tỉnh, thành phố thì quy trình này chỉ thực hiện với 5 bước và thời gian là 45 ngày., vì tiết kiệm thời gian cũng chính là tiết kiệm kinh phí và sử dụng tối đa kinh phí của đất nước. 

Về bổ sung thẩm quyền cho Thường trực HĐND quyết định các biện pháp giải quyết công việc đột xuất và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị nội dung hỗ trợ địa phương trong các trường hợp cần thiết cần quy định rõ các nguyên tắc đặc biệt để tạo sự linh hoạt cho HĐND Thành phố.

Đồng tình với việc phát triển nhà ở xã hội quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật, đại biểu Khương Thị Mai nhận thấy, nội dung này rất quan trọng nhằm rút ngắn thời gian triển khai thực. Nếu nội dung lấy ý kiến cộng đồng dân cư và trong thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch và lập đồ án quy quy hoạch chi tiết thì tiết kiệm 40 ngày, chưa kể thời gian lấy ý kiến các sở ngành liên quan.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư theo Điều 43, đại biểu bày tỏ đồng tình là phân quyền cho Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

10h51: Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tranh luận

Tranh luận về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân liên quan tới việc điều chỉnh dự án đầu tư Nhóm B, Nhóm C, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, theo quy định tại khoản 4, khi quyết định chủ trương điều chỉnh này thì Thường trực Hội đồng nhân dân phải báo cáo Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp gần nhất, như vậy là tôn trọng ý kiến của Hội đồng nhân dân trong quyết định của mình.

Bên cạnh đó, việc giao thẩm quyền này cho Thường trực Hội đồng nhân dân là hợp lý, bởi dự án nhóm B, nhóm C, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang triển khai nhiều nhiệm vụ, đa phần là các dự án nhỏ thì việc đợi đến kỳ họp của Hội đồng nhân dân là không cần thiết. Có thể điều chỉnh về thời gian, tiến độ, về giá,... cần việc điều chỉnh rất nhanh, do đó Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định rồi báo cáo Hội đồng nhân dân là hợp lý. Từ phân tích trên, đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định này trong dự thảo Luật.

10h54: Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ: Xây dựng và phát triển Thủ đô thật sự là trái tim của cả nước

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh nhất trí việc cần thiết ban hành luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật lần này phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn về xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội, về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; xây dựng và phát triển thủ đô là hạt nhân liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự thảo Luật mới tập trung cho nhóm vấn đề về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; một số vấn đề khác chưa tập trung đúng mức và chưa rõ nét về biện pháp thực hiện. Do đó, cần phái tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo hài hòa các mục tiêu được đề ra.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, cần quy hoạch thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

10h59: Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Cần cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu nhấn mạnh hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

11h06: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh thống nhất với quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô; dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa Thủ đô, chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của Thủ đô. 

Về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24 luật, đại biểu cho biết, dự thảo chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay; chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.

Về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô quy định tại Chương 5, theo đại biểu vấn đề liên kết phát triển vùng nói chung là một nội dung khó chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng cụ thể đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư cơ chế tài chính cơ chế quản lý điều hành xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng. Do vậy, để xây dựng các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô trong luật hiệu quả, khả thi, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định đầy đủ, cụ thể hơn một số nội dung: 

Tại khoản 1 Điều 46 quy định cùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế xã hội tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Quy định này chưa đầy đủ bởi khi được đề cập đến hạ tầng kỹ thuật phải song song với hạ tầng xã hội và quy định này hẹp hơn, chưa đồng bộ với Kết luận số 45 Hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và về định hướng quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế  - xã hội của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng trong đó có quy định giao thủ đô có vai trò chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy cần nghiên cứu bổ sung làm rõ nét hơn, cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng trong dự thảo như thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng được đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư, cơ chế đặc thù về liên kết vùng, quản lý dân cư…. đảm bảo hiệu quả và thực chất.

11h11: Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận

Tranh luận với các ý kiến không đồng thuận dự thảo Luật về vấn đề phân cấp phân quyền cho thủ đô Hà Nội trong quản lý một số lĩnh vực, xây dựng đô thị, quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận thấy, từ thực tiễn Tp.Hồ Chí Minh, các nội dung trong dự thảo Luật là rất phù hợp. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, trái tim của cả nước, là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các Nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết.

Do đó, đại biểu mong muốn lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế. Tập trung bảo tồn các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị văn hóa người Hà nội, đặc biệt các vị trị có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...

“Trong Điều 5 của dự thảo Luật nêu rõ, việc xây dựng và phát triển, bảo vệ thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước. Khoản 3 Điều 5 cũng nêu rõ, Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho thủ đô Hà Nội”, đại biểu phân tích thêm.

11h13: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại Phiên thảo luận

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã có hơn 100 ý kiến góp ý về dự án Luật này, kể cả tại các phiên thảo luận tổ và bằng văn bản. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật này. Đây là Dự án Luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục; xây dựng các cơ chế đặc thù cho thủ đô cả nước, không phải riêng cho Tp. Hà Nội.

Nếu xây dựng được các cơ chế cho thủ đô phát triển thì thủ đô sẽ là đầu tàu trong phát triển kinh tế xã hôi, bảo đảm quốc phòng an ninnh, văn hóa cho cả nước. Đây là những điểm cơ bản được các đại biểu thống nhất cao.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với những cơ chế, chính sách được thế trong Dự thảo lần này. Tuy nhiên các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm một số chính sách, mở rộng phạm vi, đặc thù, điều chỉnh về vị trí, bố cục một số Chương, Điều; thiết kế các vấn đề cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi như vấn đề nhà ở, quản lý đô thịm trọng dụng nhân tài, BOT, văn hóa…

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội cùng với Thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để xem xét cho ý  kiến thông qua tại kỳ họp sau.

Làm rõ thêm vấn đề về tổ chức bộ máy và số lượng HĐND Tp Hà Nội, Bộ trưởng cho biết Hà Nội đã có sơ kết và đánh giá rất kỹ Nghị quyết 97 và thống nhất nhận thức tiếp tục thực hiện cơ chế này, luật hóa, phát huy hiệu quả, hiệu lực vận hành tốt.

Bên cạnh đó, Dự luật cũng thiết kế trên cơ sở thực tế khi tăng cường phân cấp, phân quyền thì HĐND quận đươc giao thêm nhiều nhiệm vụ, cần thiết có cấp hội đồng để giải quyết nhiều vấn đề về thu chi ngân sách, giám sát… Ngoài ra, nhiều vấn đề khác được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng của Thành phố Hà Nội.

11h23: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu, 6 đại biểu tranh luận; 28 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp gửi cơ quan tiếp thu giải trình đầy đủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung quan trọng được đại biểu nêu. 

Các ý kiến thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắng, trí tuệ, tâm huyết về nhiều nội dung bao quát quan trọng của dự thảo luật, vừa thể hiện tính toàn diện, vừa cụ thể, chi tiết, gắn với các điều khoản quy định cụ thể của dự thảo Luật Thủ đô.

Đối với 3 báo cáo của Chính phủ về thí điểm áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cơ bản thống nhất, chỉ có hai ý kiến đại biểu có trao đổi thêm.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Luật Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các hiệp hội; tổ chức các hội nghị, tọa đàm để trao đổi thêm ý kiến tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật và tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7…

Về sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để bổ sung Kết luận của Quốc hội về nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 trình Quốc hội thông qua tại phiên Bế mạc theo hướng tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các nghị quyết của Quốc hội để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội