CHÚ TRỌNG CẢI CÁCH THỂ CHẾ KINH TẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH

13/12/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư-kinh doanh. Cùng với đó chú trọng hơn nữa đến bảo đảm quyền tham gia và hưởng lợi của các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

 

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian tới. Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quan tâm tới việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển sang cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Đến đầu năm 2022, cách tiếp cận này đã đi vào thực hiện bài bản, tích cực hơn. Dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm. Theo đó, Việt Nam đã dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh và là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.

Ảnh minh hoạ

Trong bối cảnh đó, tập trung thúc đẩy phục hồi kinh tế trở thành một ưu tiên quan trọng, song cũng là “nhu cầu” tự nhiên của nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đề ra các giải pháp tài khóa và tiền tệ quan trọng, cụ thể, gắn với phương án huy động nguồn lực và áp dụng một số nội dung cơ chế đặc thù. Nghị quyết 43/2022/QH15 được thực hiện trong khung thời gian các năm 2022-2023.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến nay có một số điểm tích cực. Theo đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách khoa học, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả đã tạo động lực đáng kể cho quá trình phục hồi kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, tỷ giá VNĐ/USD cơ bản ổn định. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD và giá hàng hóa cơ bản tăng trên thị trường thế giới, những thành quả mà Việt Nam đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất đáng lưu tâm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát càng cho thấy chất lượng phục hồi của tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Khác với giai đoạn ứng phó với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, quá trình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có chất lượng hơn, gắn cả với cải cách cơ cấu và tăng năng lực cung của nền kinh tế. Do đó, vấn đề “đánh đổi” giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát đã không xảy ra. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã được củng cố đáng kể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động có phần tích cực, đầu tư nước ngoài cũng diễn biến khá tích cực. Tham vấn của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho thấy sự quan tâm tích cực, mong muốn gắn bó “hữu cơ” hơn với đất nước Việt Nam, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Cộng đồng nhà đầu tư càng “vững tâm” hơn với các chủ trương, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất- kinh doanh xuyên suốt giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay.

Các tầng lớp nhân dân cũng được hưởng thành quả của quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm so với năm 2021. Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Việc làm được bảo đảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, những kết quả tích cực trên đây xuất phát từ công tác quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội nói chung và Nghị quyết 43/2022/QH15 nói riêng được triển khai đồng bộ. Khung khổ chính sách hướng tới thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có các giải pháp tài khóa và tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được hoàn thiện và đi vào thực hiện, có theo dõi, đánh giá thường xuyên.

Cùng với đó, các chính sách triển khai hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế có sự tham vấn chặt chẽ và đồng thuận cao của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Công tác điều hành tiếp tục duy trì sự bài bản, gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, lưu tâm và cải thiện hiệu quả của công tác dự báo. Đồng thời, việc phân công chủ trì thực hiện nhiệm vụ đã được thực hiện hiệu quả hơn, qua đó bảo đảm hiệu quả. Việt Nam tiếp tục tư duy tích cực về cải cách môi trường kinh doanh và tạo không gian cho các mô hình kinh tế mới. Cần lưu ý, đây cũng chính là một trụ cột quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy vậy, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và/hoặc gây thêm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Hạn chế trong chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương để phục vụ xây dựng Chính phủ số và sâu xa hơn là công tác phối hợp, điều hành chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Thêm vào đó, chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam chưa có một Chương trình rà soát tổng thể các chính sách, quy định ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa lợi ích từ các mô hình kinh tế mới.

Từ những phân tích trên, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng cần quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và Nghị quyết số 43/2022/QH15 để tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế tích cực hơn và tạo nền tảng cho điều hành phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024. Trong đó, cần quán triệt chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với các cấp chính quyền, các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực hiện đầy đủ, toàn diện và kịp thời các giải pháp đề ra. Trong quá trình này, vai trò của Quốc hội trong việc giám sát và tạo cơ chế thực hiện phù hợp cho các giải pháp của Chính phủ sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đồng thời, tổ chức đánh giá đầy đủ, khoa học, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học về quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 43/2022/QH15, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay. Trên cơ sở đó, nghiên cứu khả năng xây dựng một Chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024-2025. Chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư-kinh doanh. Cùng với đó chú trọng hơn nữa đến bảo đảm quyền tham gia và hưởng lợi của các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Điểm quan trọng là cần minh chứng, chia sẻ các điển hình tốt về thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ gắn với thúc đẩy phát triển các nhóm ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các nhóm lao động yếu thế. Qua đó, phát huy đầy đủ, thực chất và hiệu quả vai trò của các đại biểu Quốc hội, là người đại diện, nói được tiếng nói của nhân dân càng trở nên có ý nghĩa./.

Minh Thành

Các bài viết khác