THÁO GỠ NÚT THẮT "NÓNG", TẠO ĐỘNG LỰC CHO THỊ TRƯỜNG VÀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

06/12/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, vai trò dẫn lối của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. Với nguồn lực có hạn, Nhà nước nên tập trung tháo gỡ những nút thắt “nóng”, có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động.

CẦN TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI HƠN NỮA CHO DOANH NGHIỆP TIẾP CẬN NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, phiên thảo luận kinh tế - xã hội đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên thảo luận kinh tế - xã hội đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho biết, từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nền kinh tế Việt Nam liên tục gặp phải những thách thức, trong đó phần lớn là thách thức phi truyền thống, đã khiến cho công tác lập pháp và hành pháp ở một số thời điểm phải thích ứng nhanh chóng, có cả yếu tố đột phá lẫn mạo hiểm và chưa có trong tiền lệ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ trong ban hành và tổ chức thực hiện các quyết sách, chương trình, đề án mang tính chiến lược sâu sắc với tầm vóc cao đã góp phần quan trọng trong việc mở cửa, phục hồi nền kinh tế và vực dậy lực lượng sản xuất, kinh doanh và lực lượng lao động.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV-XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tức bình quân mỗi tháng có 19 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 100 nghìn doanh nghiệp, tức bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều hơn không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhưng xu hướng phát triển của doanh nghiệp (tính theo số lượng) đang đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục thống kê, chỉ có khoảng từ 18,5-28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý II tốt hơn quý I; 36,2- 43,2% đánh giá tình hình ổn định, và 27,4-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm. Điều này cũng thể hiện rõ sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu, có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe.

Về góc độ tín dụng, mặc dù từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần lãi suất, thậm chí các ngân hàng thương mại đang dư tiền trong ngân hàng nhưng không thể cho vay. Hiện nay trong bối cảnh phục hồi lại xuất hiện hai nghịch lý, đó là các ngân hàng đang phải ôm một lượng tiền gửi lớn chưa từng có của người dân từ trước đến nay, trong khi tín dụng tăng chậm dù lãi suất cho vay giảm; tiền dư, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng không thể tiếp cận.

Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu rõ, tình hình thế giới còn phức tạp, làm ảnh hưởng nguồn cung, đơn hàng và giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu. Ở trong nước, cầu đầu tư chưa có tiến triển tích cực do các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu vẫn “tê cứng”; song song với đó là nhiều dự án có sức lan tỏa cao cũng chưa được triển khai, kể cả những dự án đầu tư công, bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội.  Thực trạng cho thấy có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay. Cùng với đó là thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía DNNVV là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ.

Từ những phân tích trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh, vai trò dẫn lối của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. Với nguồn lực có hạn, Nhà nước nên tập trung tháo gỡ những nút thắt “nóng”, có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Chẳng hạn như thúc đẩy lĩnh vực đầu tư công và bất động sản, đây là những khu vực có khả năng lan tỏa cao, trước mắt cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội. Phải phát huy vai trò của các tổ chức tập thể, tổ chức đại diện như Liên minh hợp tác xã, Tổng Liên đoàn lao động và các Hiệp hội/hội doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Bên cạnh đó, nhanh chóng sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo chiều sâu, xác định lại ngành, lĩnh vực và cơ chế để từ đó ban hành cơ chế, chính sách phù hợp cho cộng đồng DNNVV phát triển thực chất, ổn định, lâu dài. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán; nghiên cứu mở rộng, tạo điều kiện cho các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư mạo hiểm và các mô hình hoạt động fintech;... Đồng thời sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về các tổ chức tín dụng và quyết tâm loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sân sau trong hoạt động ngân hàng để lành mạnh hóa thị trường vốn tín dụng.

Mặt khác, về phía doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm bạn hàng và các cơ hội làm ăn kinh doanh mới; đồng thời nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại xem xét cho vay. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các tổ chức đại diện cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh tới các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn cho doanh nghiệp./.

Minh Thành