HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP NGÀY CÀNG KỊP THỜI, LINH HOẠT- ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TẾ CUỘC SỐNG
Hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh
Những năm cuối thập kỷ 80 của thời kỳ đổi mới, vai trò của hoạt động lập pháp càng được khẳng định trong việc tạo khung khổ pháp lý đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 06/8/1988, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-HĐNN8 về Quy chế xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, trong đó quy định về quy trình lập pháp, bao gồm quy định về việc soạn thảo, thẩm tra, xem xét thông qua luật, pháp lệnh. Các quy định của Quy chế đã góp phần tích cực cho việc xây dựng pháp luật trong giai đoạn này. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì còn đơn giản và có nhiều hạn chế, bất cập nên ngày 12/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Luật Ban hành Văn hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Luật năm 1996, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của quy trình lập pháp kể từ khi thành lập nước. Ngày 12/12/2004, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (Luật năm 2004) và ấn định ngày có hiệu lực của Luật chỉ sau 3 tháng kể từ ngày thông qua.
Tiếp đó, trải qua quá trình nhiều lần sửa đổi, bổ sung, gần đây nhất, ngày 18/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 nhằm khắc phục một số vướng mắc của Luật này sau hơn 03 năm thi hành, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về ban hành VBQPPL, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới.
Theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, đến thời điểm này, các quy định về kỹ thuật văn bản trong Luật đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Luật quy định cụ thể về các nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL; ngôn ngữ, kỹ thuật VBQPPL; số, ký hiệu của VBQPPL; các trường hợp một VBQPPL có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều VBQPPL do cùng cơ quan ban hành; việc thẩm tra nội dung về ngôn ngữ, kỹ thuật, trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản; việc gửi dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản trước khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua; việc thẩm định nội dung về ngôn ngữ, kỹ thuật, trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy
Nhận định về những chuyển biến trong lĩnh vực này, Ths. Đặng Đình Luyến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2002, bao gồm quy trình lập pháp vẫn còn có một số hạn chế, bất cập nhất định. Chính vì vậy năm 2008, năm 2015 Quốc hội đã sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này để hoàn thiện hơn.
Với quy trình lập pháp mới đã phát huy tác dụng tích cực trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua luật. Theo đó, thống kê cho thấy, số lượng luật, bộ luật được ban hành ngày càng nhiều; có xu hướng tăng lên; điều này đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, quy trình lập pháp từ năm 2002 đến nay vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật; cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức trình dự án luật, Ủy ban pháp luật, Bộ tư pháp, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Quy trình, kỹ thuật lập pháp có ý nghĩa quan trọng đảm bảo chất lượng của hoạt động lập pháp
Lập pháp luôn là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ sẽ đưa đất nước phát triển bền vững và ổn định. Vì vậy, Việt Nam đã không ngừng xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật đầy đủ và toàn diện để điều chỉnh nhiều mối quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, một số vấn đề trong tư duy lập pháp đã không còn phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc tiếp tục đổi mới tư duy, quy trình lập pháp phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội hiện nay và đúng với mục tiêu, bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Để tiếp tục đổi mới kỹ thuật lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị, để bảo đảm việc áp dụng và thực hiện thống nhất các nội dung về quy trình, cách thức thực hiện việc tham gia chỉnh lý, rà soát, hoàn thiện về kỹ thuật văn bản đối với các luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua, cần tiếp tục nghiên cứu, sử dụng các nội dung còn phù hợp trong Hướng dẫn số 939/HD-UBPL14 của Ủy ban Pháp luật và nâng văn bản này lên thành 01 quy chế chung áp dụng cho tất cả các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan. Đồng thời, nhấn mạnh để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn và quá trình đổi mới quy trình lập pháp, việc nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn việc áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều VBQPPL là cần thiết.
Ths. Đặng Đình Luyến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Đưa ra giải pháp, Ths. Đặng Đình Luyến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, pháp luật chưa quy định cụ thể về trách nhiệm tham gia của các thành viên của Ủy ban chủ trì thẩm tra vào quá trình giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội như thế nào, nên trên thực tế sự tham gia của các thành viên Ủy ban chủ trì thẩm tra vào quá trình giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật cũng khác nhau. Đây là vấn đề cần quy định cụ thể để thực hiện thống nhất.
Ngoài ra, hiện nay sau khi dự án luật trình ra Quốc hội thì một số cơ quan, tổ chức trình dự án luật chưa dành nhiều thời gian, chưa cử cán bộ có đủ thẩm quyền tham gia việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật. Một số bộ, ngành được mời tham gia, nhưng trên thực tế cũng rất ít tham gia, nếu có thì chủ yếu cử cán bộ cấp vụ, chuyên viên tham gia. "Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, theo đó các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia phải cử người có thẩm quyền, am hiểu chuyên môn liên quan đến nội dung dự án luật tham gia vào quá trình giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật theo quy định", Ths. Đặng Đình Luyến lưu ý.
Quy trình, kỹ thuật lập pháp ở mỗi quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động lập pháp có thể được tiến hành đồng bộ, khoa học và thường xuyên. Trong đó, quy trình lập pháp huy động sự tham gia của tất cả các cơ quan, tổ chức trong nước và các công dân vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, nhằm đảm bảo tính dân chủ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vì vậy, quy trình lập pháp cần tiếp tục có những cải tiến, đổi mới nhằm tạo ra sự liên kết giữa các chủ thể và hoạt động lập pháp riêng lẻ để văn bản luật được ban hành đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống./.