GÓC NHÌN: CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG KHU VỰC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP CÔNG
KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/11: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, một trong những mục tiêu tổng quát của Chương trình là: "Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững".
Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các nội dung chủ yếu về văn hóa được quy định trong 03 nội dung thành phần: (1) phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới (Nội dung 05: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn); (2) phát triển kinh tế nông thôn (phát triển du lịch nông thôn, Nội dung 08: Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị); (3) Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn (Nội dung 01: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân (nhất là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi). Phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nội dung 02: Tăng cường kiểm kê, ghi danh các di sản văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nghiên cứu, mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc phục vụ phát triển du lịch).
Văn hóa - động lực phát triển nông thôn mới.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã quy định mục tiêu tổng quát trong lĩnh vực văn hóa của Chương trình là: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát, Chương trình đã đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như sau: Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Tổ chức khoảng 320 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; bảo tồn 120 lễ hội, 80 làng bản, buôn truyền thống phục vụ phát triển du lịch; xây dựng 240 mô hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, 800 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng 3.590 thiết chế văn hoá, thể thao thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng 80 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong số các dự án cụ thể của Chương trình, Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã đề ra mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Dự án 6 là 5.984,059 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 3.233,528 tỷ đồng (vốn đầu tư: 1.828,9 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 1.404,628 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 2.224,776 tỷ đồng; Vốn huy động hợp pháp khác: 525,755 tỷ đồng.
Trong Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới
Việc ban hành các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới là điểm nổi bật trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách sau 10 năm thực hiện ở giai đoạn trước. Để triển khai thực hiện các mục tiêu và nội dung phát triển văn hóa trong Chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định và phân công tại Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là một trong những Bộ có hướng dẫn đầu tiên để chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Chương trình. Tuy vậy, do hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chậm, theo đó, việc ban hành một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chậm, trong đó có nhiệm vụ hướng dẫn địa phương thực hiện hỗ trợ tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn, hướng dẫn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (điểm b khoản 2 Điều 2 Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022). Việc ban hành chậm văn bản hướng dẫn đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thuộc Chương trình. Bên cạnh đó, theo báo cáo của một số địa phương, một số tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương, gây khó khăn trong việc thực hiện, đáp ứng theo chuẩn quy định của Bộ.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư, theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 02 nội dung đã giải ngân: nội dung chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn đạt kết quả giải ngân là 2.000 triệu đồng/8.500 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân là 23,53%; nội dung tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; truyền thông về xây dựng nông thôn mới; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới đạt kết quả giải ngân 850 triệu đồng/2500 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân 34%; đến cuối năm 2023, ước giải ngân đạt 100%. Ngoài ra, còn 01 nội dung đến thời điểm báo cáo chưa thực hiện giải ngân nhưng vẫn ước giải ngân hết số vốn vào cuối năm 2023. Với những số liệu được báo cáo nêu trên cho thấy, tiến độ giải ngân khá chậm và tính khả thi của việc đến hết năm 2023 sẽ giải ngân 100% kế hoạch đề ra không cao.
Về việc thực hiện một số nội dung cụ thể: Việc tổ chức thực hiện hiệu quả 02 tiêu chí văn hóa nông thôn mới (tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về các danh hiệu văn hóa) góp phần hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hạn chế những tác động tiêu cực, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng sống của Nhân dân.
Về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn (nội dung 05 thuộc nội dung thành phần số 02)
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nguồn lực đầu tư từ ngân sách trong những năm đầu triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các địa phương vẫn duy trì, tăng cường đầu tư các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đến cuối năm 2022, có 6.712 xã (81,7%) đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (tăng 0,8 điểm phần trăm so với cuối năm 2021). Trong quá trình thực hiện các tiêu chí của lĩnh vực văn hóa, một số địa phương đã vận dụng linh hoạt, hướng dẫn theo hướng mở để quá trình tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo tính lâu dài.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hoá trong triển khai xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn do nguồn lực đất đai và ngân sách hạn chế, khả năng huy động sức dân có hạn, so với mục tiêu đến năm 2025 là có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thì kết quả hiện tại còn tương đối thấp. Việc phấn đấu đạt mục tiêu về cơ sở vật chất văn hóa (đến năm 2025 có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới) còn gặp nhiều thách thức, cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt là tại một số huyện miền núi. Giữa Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi, yêu cầu giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước nên quá trình triển khai còn những khó khăn nhất định.
Người dân chơi thể thao tại khuôn viên Nhà Văn hóa thôn Yên Viên (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn, ngày 03/8/2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn” đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp (tại Điều 1 khoản 6 điểm 6.2 mục c): (1) Cấp kinh phí duy trì các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ nhiệm vụ chính trị của các thiết chế văn hóa, thể thao: 30 triệu/năm trở lên đối với Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã; 10 triệu/năm trở lên đối với Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn. (2) Quy định mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm cho người quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn: Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã kiêm nhiệm hưởng hệ số 0,7 mức lương cơ sở/tháng; Phó Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã kiêm nhiệm hưởng hệ số 0,5 mức lương cơ sở/tháng; Chủ nhiệm Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn kiêm nhiệm hưởng hệ số 03 mức lương cơ sở/tháng. Tuy nhiên, cho đến nay, có ít địa phương thực hiện được, chủ yếu là các tỉnh/thành phía Nam. Một số địa phương cho rằng cần ban hành văn bản hướng dẫn là văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Về việc thực hiện các tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn (nội dung thành phần số 06)
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân; phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn hóa, văn nghệ quần chúng; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc phục vụ phát triển du lịch.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả khá tích cực; tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; cảnh quan môi trường được cải thiện hướng đến xanh - sạch - đẹp; công tác xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được quan tâm; việc cưới, việc tang, lễ hội được quản lý ngày càng văn minh; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí trong các khu dân cư ngày càng sôi động; các mô hình văn hóa, thể thao được củng cố và nhân rộng hướng đến có chiều sâu, hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được đẩy mạnh, giá trị danh hiệu văn hóa phát huy được sức mạnh nền tảng trong xây dựng nông thôn mới. Các giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn phát huy, nhiều di tích được bảo vệ trùng tu tôn tạo và xếp hạng. Đến hết năm 2022 đã có 7.552 xã (92%) đạt tiêu chí về văn hóa (giảm 0,3 điểm phần trăm so với cuối năm 2021); cao hơn so với mục tiêu đặt ra.
Ảnh minh họa (dangcongsan.vn)
Tuy nhiên, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân cần được tiếp tục quan tâm; chưa khắc phục được sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền; việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng bộ, có nơi chưa thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng các sân chơi thể thao khó khăn nên việc huy động các nguồn lực cũng như khai thác, phát huy hệ thống các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế. Ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hoá, thể thao hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của người dân.
Trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là chương trình MTQG lần đầu tiên được phê duyệt dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN, đồng thời là chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước lớn nhất hiện nay. Các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung, dự án về văn hóa đã được cơ quan chức năng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính) ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu thuộc chương trình, cụ thể là Dự án 6. Tuy vậy, do việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Chính phủ còn chậm (13 tháng sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành), theo đó, các văn bản hướng dẫn của bộ ngành trung ương, trong đó có hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chậm ban hành, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung thuộc Chương trình. Bên cạnh đó, một số nội dung đã được quy định trong các văn bản hướng dẫn nhưng địa phương vẫn gặp khó khăn khi triển khai. Ngoài ra, các văn bản hiện tại chưa quy định cụ thể mức chi đối với đối tượng người dân, người không hưởng lương từ ngân sách nên việc huy động người dân tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống như mục tiêu của dự án đề ra rất khó khăn.
Biểu diễn múa khèn dân tộc Mông tại các ngày hội lớn. Ảnh minh họa
Về công tác lập kế hoạch, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư, tổng kinh phí đã giao để thực hiện Dự án 6 là 27.200 triệu đồng; năm 2023 là 75.588 triệu đồng; tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp trung ương thực hiện Chương trình MTQG vùng DTTS&MN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến hết năm 2022 đạt 29.6%. Tại địa phương, tổng số vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện Dự án 6 từ năm 2021 - 2023 là 1.153,053 tỷ đồng. Theo báo cáo của 26/42 địa phương, kinh phí giải ngân của Chương trình là 50,659 tỷ đồng trong đó 24,45 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 26,245 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương thực hiện Chương trình, tỷ lệ giải ngân của các địa phương có báo cáo tới thời điểm 31/12/2022 trên cả nước đạt trung bình 30,66%. Như vậy, tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp trung ương thực hiện Dự án còn thấp, có địa phương, việc giải ngân còn rất thấp, đang chờ hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại địa phương, do phân bổ nguồn vốn chậm nên triển khai thực hiện không kịp tiến độ, phải chuyển nguồn vốn từ năm 2022 sang năm 2023; việc phân bổ vốn đầu tư đối với một số dự án, đặc biệt là đối với tôn tạo, phục hồi di tích, xây dựng làng văn hóa còn dàn trải, gây khó khăn trong quá trình triển khai. Một số địa phương cho rằng để thực hiện được tất cả các nội dung thuộc Dự án 6 thì nguồn lực như hiện tại chưa đảm bảo yêu cầu.
Về kết quả triển khai các nhiệm vụ thành phần thuộc Dự án 6:
Theo Báo cáo, năm 2022, ở cấp trung ương, đã triển khai một số hoạt động: tổ chức bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số; tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 31 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 06 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tại một số địa phương, Dự án 6 mới đang trong quá trình hoàn thiện các bước để chuẩn bị triển khai thực hiện. So sánh với kế hoạch đặt ra (theo Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL, Dự án 6 gồm 19 nhiệm vụ) cho thấy, các nhiệm vụ đã triển khai còn khá ít, cần phải có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn mỏng, khối lượng văn bản nhiều nên quá trình nghiên cứu, triển khai văn bản đôi khi còn chậm. Bên cạnh đó, văn hóa là lĩnh vực mang tính đặc thù, việc cần phải có đầy đủ chứng từ theo quy định của Thông tư số 15/2022/TT-BTC khi mua sắm vật tư, nguyên vật liệu, dụng cụ… phục vụ hoạt động các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người còn gặp khó khăn.
Về CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở những kết quả đã đạt được ở giai đoạn trước, các địa phương tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao; tu bổ, tôn tạo các di tích, chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn được cải thiện; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn được quan tâm, đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai các nội dung về văn hóa còn một số khó khăn như: (1) Có nhiệm vụ triển khai còn chậm; (2) Một số nội dung văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung dự án thành phần cần phải sửa đổi, bổ sung; (3) Giải ngân vốn năm 2022 và ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 thấp; (4) Việc huy động nguồn lực xã hội còn khó khăn, đặc biệt đối với các vùng miền núi dân tộc thiểu số; (5) Nhiều khó khăn, thách thức khi phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 90% số xã đạt tiêu chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, trong gần 02 năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là việc hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dự án 6 được triển khai thực hiện, giải ngân và thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, Dự án 06 còn một số khó khăn như: (1) Một số nội dung hướng dẫn thực hiện dự án còn chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp với đặc thù của địa phương; (2) Công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thành phần của Dự án được triển khai chậm, mới tập trung thực hiện từ 6 tháng cuối năm 2022; (3) Các địa phương còn lúng túng trong xây dựng định mức, phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ thành phần của Dự án 6; (4) Mục tiêu đặt ra cao trong khi nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Để thực hiện thành công các mục tiêu, nội dung, dự án về văn hóa trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị:
- Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan rà soát những quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa thống nhất để thực hiện điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp; quyết liệt, đôn đốc phân công trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương các năm 2022, 2023 đã phân bổ cho Chương trình.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời nắm bắt các vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai văn bản hướng dẫn của Bộ để có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể gửi tới các địa phương; đồng thời nghiên cứu, sửa đổi văn bản hướng dẫn cho phù hợp với tình hình thực tiễn theo tinh thần tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
- Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022) để đảm bảo phù hợp với các hướng dẫn thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình và điều kiện thực tế; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/20 22/TT-BTC ngày 04/3/2022 theo hướng điều chỉnh một số nội dung hướng dẫn về hoạt động tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể; tổ chức ngày hội, liên hoan theo hướng phân định rõ ràng về nội dung và các định mức chi tiết.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, sở ngành trong tổ chức triển khai các CTMTQG. Có các biện pháp cụ thể để thúc đẩy kết quả giải ngân nguồn vốn từ ngân sách trung ương phân bổ thực hiện các CTMTQG khác; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm được giao. Tại các địa phương tự chủ về ngân sách, đề nghị quan tâm, bố trí nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện của thực tiễn; ưu tiên chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu về văn hóa./.
|
TS.Nguyễn Thị Mai Thoa
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
|