GÓC NHÌN: MỘT SỐ GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

24/11/2023

Chiều nay (24/11), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là quán triệt quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Một số góp ý đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” của Ths.Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN VÀ ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT ĐƯỜNG BỘ TRONG BỐI CẢNH MỚI

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tôi nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ: “Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên”.

Một là, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy.

Thực tiễn, sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Hai là, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.

Ba là, vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều; hiệu quả kinh doanh chưa cao; công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải. Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, quy định về điều kiện kinh doanh trong đó có các thiết bị quan trọng như giám sát hành trình, camera hành trình chưa rõ ràng dẫn đến hiệu quả quản lý hạn chế.

Bốn là, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như mục tiêu đề ra.

Năm là, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nên không bao quát hết các nội dung điều chỉnh, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Sáu là, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia xây dựng luật chuyên sâu về trật tự, an toàn giao thông, luật về kết cấu hạ tầng giao thông, luật về vận tải đường bộ. Công ước Viên năm 1968 mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nguồn: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Như vậy, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Do đó, tôi nhận thấy, việc ban hành Luật này là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và nắm bắt thông tin liên quan đến việc thi hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về đề xuất ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tham gia một số ý kiến nhằm phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, điều chỉnh một số nội dung như sau:

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

Đề nghị gộp khoản 2 (Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hoạt động...) và khoản 3 (Kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hoạt động…) thành một khoản vì quy định của 02 khoản này đều có chung nội dung là hoạt động kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cơ quan chức năng. Nếu quy định như dự thảo Luật thì có thể hiểu cùng khái niệm kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhưng lại có nội hàm khác nhau.

2. Về cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 7)

Để thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều có quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu, do vậy đề nghị Ban Soạn thảo rà soát kỹ lưỡng nội dung này, đánh giá lại sự cần thiết trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu của cả 02 Luật, tránh trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như việc vận hành Cơ sở dữ liệu khi các Luật được thông qua.

Thứ hai, tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 7 quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, Cơ sở dữ liệu bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Với quy định này trên thực tiễn, tôi cho rằng không khả thi và không cần thiết và trùng lặp với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của ngành y tế và ngành Bảo hiểm. Bởi vì, trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng chỉ nắm tình hình sức khỏe của người lái xe thông qua việc cấp Giấy phép lái xe (nghĩa là điều kiện sức khỏe của người lái xe trước khi cấp giấy phép lái xe) và thông tin dữ liệu này sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu cấp Giấy phép lái xe được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo. Đồng thời, đối với Cơ sở dữ liệu bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thì đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm. Vì vậy, đề nghị xem xét lại sự cần thiết, tính thống nhất trong việc quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, Cơ sở dữ liệu bảo hiểm nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình áp dụng.

Thứ ba, tại điểm e, khoản 1, Điều 7 quy định về việc xây dựng “Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính”, trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính; và trong Cơ sở dữ liệu về xử lý hành chính có thể thiết kế các trường hợp thìđể theo dõi thông tin riêng về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực vi phạm hành chính trong an toàn giao thông đường bộ. Do vậy, đối với nội dung này, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu theo hướng quy định Cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông đường bộ kết nối với Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính đã được triển khai theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8)

Đề nghị bổ sung thêm vào Điều này các hành vi bị nghiêm cấm sau:

- “Điều khiển xe vận tải hành khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; dừng đỗ đón trả khách trên đường cao tốc”.

-“Phương tiện ưu tiên sử dụng đèn, còi ưu tiên không vì mục đích ưu tiên”.

Hiện nay xảy ra tình trạng một số phương tiện ưu tiên lạm dụng việc sử dụng còi, đèn xe không đúng mục đích ưu tiên. Các xe thuộc diện ưu tiên vì không muốn dừng đèn đỏ đã sử dụng còi, đèn ưu tiên buộc các phương tiện đang dừng đèn đỏ phải nhường đường cho mình, nhất là trong giờ cao điểm tại các thành phố lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

4. Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 33)

- Tại điểm c, khoản 1 quy định: “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” và nội dung này cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết (tại khoản 4). Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và mục tiêu quản lý, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể đối với từng đối tượng sử dụng xe cơ giới và mục đích sử dụng nào thì cần có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; không quy định chung cho tất cả các loại xe cơ giới nhằm tránh lãng phí kinh phí của người dân khi đầu tư cho các thiết bị này và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Tại khoản 5 quy định: “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương…” 

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị nghiên cứu, giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung này để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc và chỉ giao cho UBND cấp tỉnh quy định về phạm vi hoạt động của xe thô sơ, không quy định về điều kiện hoạt động của xe thô sơ.

5. Về xử phạt vi phạm hành chính

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 49 về Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định: “Trong các loại giấy tờ trên, trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo”.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 61 về căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát quy định: “Trường hợp thông tin giấy tờ của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước thì việc kiểm tra, kiểm soát được thực hiện thông qua xác thực các thông tin, giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.”

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng đang hiện hành vẫn quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm không mang theo các loại giấy tờ của người điều khiển phương tiện và phương tiện.

Trong hồ sơ dự án Luật này, tôi chưa thấy có dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế hoặc sửa đổi các Nghị định trên. Do đó, đề nghị sớm xây dựng Nghị định để sau khi Luật được thông qua sẽ kịp thời ban hành các Nghị định triển khai thực hiện, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật và các văn bản dưới Luật; đồng thời không để xảy ra tình trạng “chờ” các văn bản dưới luật mới triển khai được Luật.

6. Về tuần tra, kiểm soát (Điều 60)

Khoản 6, Điều 60 quy định “Bộ trưởng Bộ Công an... quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông”.

Tôi cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, tại Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020) đã quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

“1. Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định các nội dung sau đây: a) Hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước;….

2. Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ….”.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp trong hệ thống pháp luật hiện hành./.

                       

Ths.Nguyễn Minh Tâm

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình