TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ
GÓC NHÌN: NHÀ NƯỚC MUA LẠI DỰ ÁN BOT GIAO THÔNG LỖ KÉO DÀI - NÊN HAY KHÔNG NÊN?
Giao thông đường bộ là một lĩnh vực quan trọng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giao thông đường bộ không chỉ là phương tiện vận chuyển người và hàng hóa, mà còn là công cụ để kết nối các vùng, miền, tạo điều kiện cho giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện, chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Trong số đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động giao thông đường bộ. Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã xuất hiện nhiều tồn tại và vấn đề phát sinh cần được khắc phục và hoàn thiện.
Một số nguyên nhân chính là: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra đời trong bối cảnh kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa tạo được sự kết nối liên hoàn; việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường bộ còn dàn trải và chủ yếu được thực hiện từ ngân sách nhà nước; hoạt động vận tải đường bộ còn đơn giản, quy mô chưa lớn, chưa có nhiều loại hình, hình thức kinh doanh; phương tiện giao thông chưa phát triển nhiều, đa dạng và hiện đại như hiện nay. Các Bộ luật, Luật khác (như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công…) được ban hành với nhiều quy định tác động đến hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ. Một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai thi hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành còn hạn chế, trong khi sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ và ứng dụng công nghệ trong đời sống xã hội đã có tác động to lớn đến lĩnh vực giao thông đường bộ dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý của Luật để điều chỉnh các loại hình quản lý giao thông vận tải, các phương thức vận tải, các phương tiện tham gia giao thông. Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành Luật. Xu hướng hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế đòi hỏi Luật phải có sự điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa, năng lực cạnh tranh, điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu cho thấy bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định có tính chất đặc thù như đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.
Do đó, việc xây dựng Luật Đường bộ mới là một nhu cầu thiết yếu và khẩn thiết. Luật Đường bộ mới sẽ là một khung pháp lý toàn diện, hiện đại và phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc xây dựng Luật Đường bộ trên cơ sở kế thừa các quy định về kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ của Luật GTĐB 2008 là cần thiết xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, nhằm tập trung quy định chuyên sâu về hoạt động đường bộ, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Đường bộ, tôi xin kiến nghị một số vấn đề cụ thể như sau:
THỨ NHẤT VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH
Tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”. Theo tôi quy định như vậy là chưa phù hợp, phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn. Khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm hệ thống đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt (xe buýt nhanh- BRT, xe buýt). Ngoài ra, cần bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn cho phù hợp với Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư và yêu cầu của thực tiễn; đồng thời cần cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đường bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...) trong các điều luật của Dự thảo Luật.
THỨ HAI VỀ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 73
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật và tài liệu liên quan cho thấy, Trung tâm logistics là một trong các dịch vụ Logistic đã quy định tại Điều 233 của Luật Thương mại và Quyết định 1012 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, hệ thống trung tâm logistics để kết nối giữa các phương thức vận tải đều gắn với đường bộ, vì vậy, việc UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống logistics gắn với hệ thống đường bộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, các trung tâm logistics không phải là một bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nên đề nghị cân nhắc khi đưa nội dung này vào dự thảo Luật.
Các trung tâm logistics không phải là một bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nên đề nghị cân nhắc khi đưa nội dung này vào dự thảo Luật. (Ảnh minh họa)
THỨ BA VỀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG BỘ QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4
Khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đề cập một trong các nguyên tắc hoạt động đường bộ là thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện mà chưa đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ khí CNG, LNG, sau này là Hydro. Đây đều được coi là phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện môi trường. Theo đó, tôi đề nghị cần rà soát, thay thế cụm từ “trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện” thành “trạm sạc/nạp cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện với môi trường” trong toàn bộ dự thảo Luật.
THỨ NĂM VỀ VIỆC THÀNH LẬP CÁC TRUNG TÂM QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH ĐƯỜNG CAO TỐC QUỐC GIA (ĐIỀU 57), TRUNG TÂM QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG TUYẾN (ĐIỀU 58)
Tôi đồng tình với ý kiến của Ủy ban QPAN trong báo cáo thẩm tra và cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, bộ máy chịu trách nhiệm quản lý và mối quan hệ giữa các Trung tâm nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tránh gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước trong hoạt động khai thác, vận hành. Bởi vì, các tuyến đều có các Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, các trung tâm này chỉ cần kết nối với Trung tâm chỉ huy giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông và Trung tâm quản lý giao thông thông minh.
THỨ SÁU VỀ TỶ LỆ QUỸ ĐẤT GIAO THÔNG ĐÔ THỊ SO VỚI ĐẤT XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
Tỷ lệ giành quỹ đất giao thông đô thị thấp so với đất xây dựng đô thị cùng với việc gia tăng nhanh chóng về số lượng phương tiện giao thông và nhu cầu đi lại của người dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng trong thời gian qua. Tôi cho rằng, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị quy định trong dự thảo luật lần này từ 16-26% đối với đô thị xây dựng mới tuỳ theo loại đô thị là phù hợp. Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng phát triển hệ thống giao thông ngầm trong đô thị nhất thiết phải gắn giao thông ngầm với các quy hoạch đô thị. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xem xét quy định thêm các nội dung để gắn với quy hoạch đô thị khu vực sử dụng đất dành cho giao thông tại các không gian ngầm đô thị.
THỨ BẢY VỀ TỐC ĐỘ THIẾT KẾ, TỐC ĐỘ KHAI THÁC VÀ KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC XE QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 30 DỰ THẢO LUẬT
Thực tế cho thấy, những nội dung quy định tại Điều 30 là công tác tổ chức giao thông trên đường bộ, không chỉ áp dụng cho đường cao tốc. Do đó tôi đề nghị ghép Điều 30 vào Điều 29 để đảm bảo đúng tính chất của hoạt động tổ chức giao thông. Mặt khác, tốc độ thiết kế là tốc độ dùng để tính toán xác định các tiêu chuẩn giới hạn đối với các yếu tố hình học được bố trí ở một số chỗ cá biệt trên tuyến đường, không phải cho toàn bộ chiều dài tuyến nên không thể dùng tốc độ thiết kế để khống chế tốc độ khai thác. Vì vậy, tôi đề nghị sửa lại điểm b khoản 2 Điều 30 theo hướng không sử dụng tốc độ thiết kế để xác định tốc độ khai thác mà chỉ căn cứ vào hiện trạng kỹ thuật của đường bộ, mật độ dân cư, thời gian lưu thông trong ngày, điều kiện thời tiết, khí hậu, lưu lượng, chủng loại phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ để xác định tốc độ khai thác.
THỨ TÁM VỀ KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE TAXI QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 10 ĐIỀU 61
Quy định tại điều này cho thấy, mọi hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đều xác định là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; trong khi theo quy định hiện hành có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng bằng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Đồng thời, tại khoản 11 Điều này quy định “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô khách để thực hiện theo hợp đồng vận tải hành khách”. Như vậy, quy định trên không phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, tôi đồng tình với ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh là đề nghị giữ nguyên quy định phân loại các loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô như Luật hiện hành (điểm c, điểm d khoản 1 Điều 66 Luật GTĐB năm 2008).
THỨ CHÍN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC
Do nội dung dự thảo Luật còn liên quan đến nhiều luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, do vậy tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi trong dự thảo luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan, bảo đảm phát triển giao thông phải gắn với an toàn giao thông.
Ngoài ra, tôi đề nghị bổ sung thuật ngữ đường bộ ven biển vào Điều 3 giải thích từ ngữ, và phân loại theo cấp quản lý là đường quốc lộ, vai trò các tuyến đường bộ ven biển như là tuyến kết nối liên tỉnh, vùng (các đường bộ ven biển hiện nay đã được quy hoạch trong Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Vì hiện nay hàng loạt các tỉnh ven biển miền trung, miền Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long….đều thúc đẩy đầu tư tuyến ven biển phục vụ phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội địa phương./.
|
TS.Nguyễn Ngọc Sơn,
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội,
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
|