TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội
Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong trung và dài hạn, các nhóm giải pháp để phát triển xuất khẩu bền vững đã được nêu cụ thể tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, ban hành theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022.
Cụ thể, về phát triển sản xuất (bao gồm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp), cần tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Bên cạnh việc triển khai hiệu quả Kế hoạch tái cơ cấu các ngành sản xuất, cần đầu tư nghiên cứu áp dụng các quy trình và phương pháp sản xuất thân thiện môi trường, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm và tận dụng nguyên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.
Cùng với đó, cần tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (Tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Về phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn, đây là nhóm giải pháp đã và đang triển khai tích cực, có kết quả trong thời gian qua. Điểm mới là cần tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đồng thời nghiên cứu, xem xét việc xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa và hợp lý hóa cán cân thương mại với các đối tác. Cần hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng
Thêm vào đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ xanh, bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics. Trong các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Theo đó, nhân lực các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu cần xây dựng chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn các nước phát triển trên thế giới; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và tạo việc làm.
Cũng theo các chuyên gia, cần xây dựng năng lực của các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, phòng thí nghiệm quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu. Ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển các hoạt động logistics thông minh, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hoàn thiện hạ tầng thương mại biên giới, hệ thống kho bãi, logistics, cửa khẩu, kết nối tuyến đường vận tải hàng hóa,...
Đối với việc quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý, nhằm giúp cán cân thương mại hàng hoá đối với một số đối tác ở mức hợp lý, cần xúc tiến nhập khẩu từ một số đối tác trọng điểm, thay vì chỉ theo hướng quản lý và kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu như trong các giai đoạn trước.
Để nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn, cần coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển xuất khẩu, do đó cần nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập huấn, đào tạo, tuyên truyền để nâng cao năng lực cho các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp về cam kết ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, kỹ năng xúc tiến thương mại, marketing quốc tế, xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.