TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội
Trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Bàn về tình hình kinh tế xã hội, TS.Trương Văn Phước cho rằng, từ trung hạn tới dài hạn, cạnh tranh địa chính trị của các nước lớn dẫn tới nguy cơ phân tách về công nghệ, thị trường và tài chính, sẽ làm giảm các hoạt động đầu tư, thương mại, vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới trong vài thập kỉ qua. Mức nợ cao của chính phủ và doanh nghiệp kết hợp với sự phụ thuộc ngày càng tăng của thị trường bất động sản vào thị trường tài chính khiến cho các nền kinh tế trở nên nhạy cảm hơn với các cú sốc tài chính và giảm đi khả năng can thiệp của chính phủ. Các ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày một gia tăng về tần suất và cường độ.
Thứ nhất, việc dịch chuyển sản xuất về nội địa và các nước thân thiện trong khi ngăn cản các doanh nghiệp đầu tư, xuất khẩu nguyên vật liệu và chia sẻ công nghệ nguồn ở nhiều lĩnh vực chiến lược (như sản xuất chip và các thiết bị viễn thông) đã xuất hiện ngày một nhiều hơn tại các cường quốc hàng đầu thế giới. Bên cạnh những xung đột về chính trị thì những tranh cãi về chính sách thương mại và sự sụt giảm trong thương mại vừa là công cụ và mục tiêu được các cường quốc thực hiện với mục tiêu tối thượng là bảo đảm an ninh quốc gia. Sau khi phục hồi với tốc độ tăng trưởng 11% vào 2021 (sau khi giảm 7,8% năm 2020), thương mại toàn cầu chỉ còn tăng trưởng 6,0% vào năm 2022 và dự kiến chỉ ở mức 1,7% năm 2023, 2,8% năm 2024 và 3,0% năm 2025. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế, tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng với tốc độ bình quân 3,5% trong giai đoạn 2024-2028, thấp hơn nhiều so với thập niên 2000s và nửa đầu thập niên 2010s.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Thứ hai, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, chính sách tài khóa nới lỏng đã khiến nợ công toàn cầu tăng từ mức 84,3% GDP năm 2019 lên 99,7% năm 2020. Mặc dù đã giảm về mức 95,5% năm 2021 và 92,1% năm 2022 nhưng tỷ lệ nợ trên GDP sẽ tăng trở lại từ năm 2023 với tốc độ tăng lớn hơn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nợ công sẽ tiếp tục tăng lên do chính phủ các quốc gia sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng, chi đầu tư để nâng cao năng lực tự chủ kinh tế của quốc gia, đối phó với biến đổi khí hậu và chi cho các khoản an sinh xã hội để ổn định đời sống của người dân khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, nợ của các doanh nghiệp cũng đã tăng lên đáng kể khi các doanh nghiệp vay mượn nhiều hơn để củng cố tình hình tài chính trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tận dụng mức lãi suất thấp và các chính sách cơ cấu lại khoản nợ chính phủ.
Thứ ba, những tác động của ô nhiễm môi trường, ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới những hệ quả không chỉ đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn cả mục tiêu về sức khỏe, giảm nghèo, bình đẳng… Các quốc gia sẽ cần dành nhiều nguồn lực hơn như chuyển đổi năng lượng, thay đổi phương thức sản xuất và xử lý rác thải, xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu… để khắc phục những hậu quả của chính các hoạt động mà con người đã và đang gây ra với thiên nhiên. Quá trình hình thành và áp dụng những tiêu chuẩn mới liên quan tới môi trường và người lao động ở nhiều quốc gia phát triển sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia dựa vào xuất khẩu, ngày càng tạo ra cách biệt lớn về thu nhập và chất lượng cuộc sống giữa các quốc gia.
Bối cảnh kinh tế vĩ mô và những thách thức chưa có tiền lệ kể trên đã đặt ra bốn vấn đề cần được nhận thức kịp thời, đầy đủ và đúng đắn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nói riêng và công tác quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ nói chung.
TS. Trương Văn Phước cho rằng, phương thức điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tài chính và giám sát an toàn vĩ mô giai đoạn Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine hoàn toàn khác so với giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008, hầu hết các ngân hàng đều thiếu vốn so với mức độ rủi ro tín dụng và kỳ hạn mà chúng phải đối mặt. Các ngân hàng nắm giữ nhiều tài sản có tính rủi ro cao và liên kết phức tạp giữa các tổ chức tài chính và các thị trường vay nợ trong khi lại nắm giữ quá ít tài sản có tính thanh khoản. Kể từ đó, công tác giám sát hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể với các chuẩn mực an toàn được tăng cường, các ngân hàng buộc phải tăng vốn và nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn để gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc.
Cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, những bất ổn đối với hệ thống ngân hàng sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine lại khác. Hệ thống ngân hàng lần này phải đối mặt với lãi suất tăng nhanh và cao kỷ lục trong hơn một năm vừa qua để kiểm soát lạm phát cao và dai dẳng. Dù đối mặt với ít rủi ro tín dụng hơn, nắm giữ những tài sản tài chính có độ an toàn cao hơn nhưng ngân hàng lại gặp phải rủi ro lãi suất nghiêm trọng và thua lỗ, dẫn tới tình trạng phá sản như trường hợp của hai ngân hàng Silicon Valley, Signature tại Hoa Kỳ hoặc bị mua lại như trường hợp của Credit Suisse tại Thụy Sĩ. Những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng không chỉ thách thức sự ổn định mang tính nền tảng của ngân hàng mà còn chỉ ra những bất cập trong công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước luôn chậm hơn so với diễn biến thực tế.
Ngoài ra, rủi ro lần không xuất phát từ các ngân hàng lớn rồi lan sang toàn hệ thống như tại giai đoạn 2008 mà rủi ro lại hình thành ở các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, hoạt động ở phạm vi khu vực và lĩnh vực hẹp hơn. Mới đây, mười ngân hàng khu vực ở Hoa Kỳ đã bị Moody hạ mức xếp hạng tín nhiệm khi ghi nhận những khoản lỗ đáng kể, làm dấy lên quan ngại về rủi ro của các ngân hàng này lẫn hệ thống ngân hàng trước những đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, tuy có sự khác biệt nhất định giữa hai thời kỳ nhưng không thể phủ nhận về vai trò của niềm tin đối với sự ổn định thị trường tài chính. Thực tiễn đã chỉ ra dù cho cơ quan quản lý nhà nước có áp dụng các quy định về an toàn và bảo vệ người gửi tiền và nhà đầu tư đến đâu thì niềm tin vẫn là yếu tố quyết định tới khả năng kiểm soát rủi ro hệ thống và ổn định thị trường tài chính trong những thời điểm quyết định. Các quy định về minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình kết hợp với sự phát triển của thông tin đại chúng trở thành những yếu tố khiến cho thị trường tài chính trở nên dễ biến động hơn nhiều so với trước đây.