CHẤT VẤN BÁM SÁT CÁC VẤN ĐỀ NÓNG, HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN

06/11/2023

Sáng 06/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kỳ vọng nội dung chất vấn sẽ bám sát các vấn đề nóng của đất nước, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm của quốc kế dân sinh, các nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhân dân, cử tri, để qua đó tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hướng đến mục tiêu kiến tạo phát triển.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/11: KHAI MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Toàn cảnh phiên họp

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng 06/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 sẽ được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ sáng 06/11 đến hết sáng ngày 08/11. Nội dung phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Phiên họp cũng có sự tham gia dự thính của các đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên chất vấn này, các đại biểu Quốc hội tiến hành đặt câu hỏi chất vấn trên 4 nhóm lĩnh vực gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng); Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường); Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp (gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán); Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội (gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu 

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành. Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Bên hành lang hội trường Quốc hội, đại biểu Quản Minh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp này rất được cử tri mong đợi, trong đó, có nhiều vấn đề, nội dung được đặc biệt quan tâm như vấn đề sách giáo khoa mà cốt lõi là chất lượng dạy học của ngành giáo dục; chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế; tình hình tai nạn giao thông và trật tự an toàn giao thông...

Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Cùng chia sẻ về phiên chất vấn, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên bày tỏ đồng tình đối với sự đổi mới trong hoạt động chất vấn của kỳ họp này. Chất vấn lần này là chất vấn giữa kỳ, với nội dung là tất cả các lĩnh vực liên quan đến kiến nghị sau giám sát của khóa XIV và kiến nghị của khóa XV tính đến Kỳ họp thứ 4. Nội dung chất vấn trải dài trong tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Điều đó đòi hỏi tất cả cơ quan hành pháp, kể cả tòa án, viện kiểm sát tham gia trả lời chất vấn.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận liên quan báo cáo giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Báo cáo này trước đây thường được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận. Đây là báo cáo quan trọng giúp hoạt động chất vấn sâu hơn, đi sát thực chất hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chia sẻ về phiên chất vấn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc tổ chức phiên chất vấn này cho thấy nét đổi mới trong công tác tổ chức. Với 21 vấn đề thuộc 10 Nghị quyết trong phạm vi chất vấn, việc tổ chức chất vấn sẽ tương đối phức tạp và khó khăn. Ngay cả các đại biểu Quốc hội khi đặt câu hỏi, cũng như các thành viên Chính phủ khi trả lời cũng sẽ gặp khó khăn do phạm vi chất vấn rất rộng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc chia tổng thể nội dung chất vấn ra làm 4 nhóm lĩnh vực là hợp lý. Điều đó sẽ giúp các câu hỏi của các đại biểu được tập trung hơn, đồng thời cũng giúp các thành viên Chính phủ có sự chuẩn bị tốt hơn cho câu trả lời ở lĩnh vực mà mình quản lý.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Nhấn mạnh vào mục tiêu giám sát để kiến tạo, cùng phát triển, đại biểu cho rằng, phiên chất vấn sẽ giúp cho các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ có cái nhìn tốt nhất, tổng quan và thực tiễn nhất về tình hình mọi mặt kinh tế xã hội đất nước. Đai biểu tin tưởng, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, và thông qua những câu trả lời của các thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội sẽ xác định được lộ trình của mình trong việc giám sát việc thực hiện “lời hứa” của các thành viên Chính phủ.

Đại biểu kỳ vọng, phiên chất vấn sẽ làm rõ được định hướng cụ thể trong việc củng cố các trụ cột tăng trưởng kinh tế, gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Quan tâm đến trụ cột về tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đây là trụ cột đang có sự sụt giảm do sức mua của người dân đang suy yếu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Vấn đề đặt ra là cần kích cầu nội địa, giúp phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ quan tâm tới vấn đề về dư nợ xấu của các ngân hàng. Đại biểu chờ đợi câu trả lời của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là tài sản là bất động sản khi các ngân hàng đã hết thời hạn xử lý để có thể cho vay, bắt buộc phải xử lý tài sản, dẫn đến nhiều bất cập. Báo cáo của Chính phủ cũng đã đề cập đến vấn đề này.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính

Nghiên cứu nội dung chính sách tiền tệ được trình bày trong báo cáo của Chính phủ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp để kéo giảm lãi suất thị trường, qua đó giúp cho các doanh nghiệp có được mức lãi suất phù hợp với việc mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã cải thiện điều kiện tiếp cận các nguồn vốn cũng như có các gói hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và quá trình phục hồi trong thời gian qua, trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát cao, lãi suất cao, việc nước ta hạ lãi suất khiến sức ép với đồng VNĐ tăng lên, đặc biệt là nợ xấu gia tăng nhanh chóng. Việc giải quyết nợ xấu, xử lý những ngân hàng yếu kém trở thành một trong các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ cần được thực hiện trong thời gian tới, đây cũng là vấn đề được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng sẽ được làm sáng tỏ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Minh Hùng