CẦN TẠO CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP

01/11/2023

Thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành, dẫn dắt kinh tế nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đẩy mạnh tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2024

CẦN CHUYỂN MẠNH TỪ TƯ DUY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SANG TƯ DUY KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

NGÀNH NÔNG NGHIỆP TIẾP TỤC DUY TRÌ 3 TRỤ CỘT TRONG KINH TẾ BIỂN: KHAI THÁC, NUÔI BIỂN VÀ BẢO TỒN

 Cần tạo cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Một điểm sáng trong báo cáo kinh tế xã hội năm 2023 là khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Dù đạt được kết quả tích cực, nhưng đầu tư cho “trụ đỡ của nền kinh tế” vẫn còn nhiều hạn chế, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều rủi ro, khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ ngang, dưới giá thành hoặc liên tục phải “giải cứu”.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước hiện nay trong hơn 900.000 doanh nghiệp trên cả nước đang hoạt động, thì chỉ có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; doanh nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn rất ít, chỉ dưới 10%, còn lại chủ yếu đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp, khu đô thị. Vùng nông thôn là khoảng trống cho tư thương thu gom, làm giá. Điều này cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, vùng nông thôn vẫn đang là bài toán cần lời giải của nhiều địa phương.

Do đó, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, muốn chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao thì rất cần những doanh nghiệp phải là người đồng hành, dẫn dắt, thúc đẩy, hoạt động kinh tế nông nghiệp; doanh nghiệp góp phần định hình tư duy của nông dân để thực hành làm kinh tế nông nghiệp.Trong khi đó, hiện nay dù có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, nhưng việc tiếp cận chính sách rất khó khăn. Nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phải trải qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thì càng khó thu hút được doanh nghiệp tham gia, trong khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao, chi phí cao, lợi nhuận thấp. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành cần đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin phép xây dựng phục vụ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ cao trên đất nông nghiệp. Thực tế thủ tục này khá vất vả, vì quan điểm cho rằng, “dễ biến đất ruộng thành đất ở”. Bên cạnh đó, “Ngân hàng Nhà nước phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh vì hiện nay lãi suất ưu đãi còn khá cao so với khả năng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, nên doanh nghiệp không thể vay vốn đầu tư

Đại biểu Tạ Minh Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước

Phân tích thêm, đại biểu Tạ Minh Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đánh giá, sau hơn 2 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, khung pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được quan tâm, nhưng quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều vấn đề cần có sự quan tâm.

Theo đó, theo đại biểu Tạ Minh Tâm, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Chính phủ thể hiện đến thời điểm này còn 5/7 nhiệm vụ còn đang trong quá trình hoàn thiện văn bản. Trong khi đó, kết quả chiến dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều, các nút thắt cơ bản của ngành nông nghiệp chưa được giải quyết như cơ chế, chính sách tích tụ đất đai, đổi mới lại phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, cá thể sang phương thức sản xuất quy mô lớn, cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực phát triển khoa học công nghệ, tốc độ và năng lực chuyển đổi số thấp so với các ngành khác. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa ứng dụng công nghệ cao, giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics cao, hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán, mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp còn nhiều vấn đề đặt ra. Bên cạnh đó, vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, như Thẻ vàng châu Âu về đánh bắt thủy sản trái phép không báo cáo, không được quản lý; qua điều tra về nhập khẩu và sử dụng gỗ.

Đề cập đến phát triển số lượng hợp tác xã, đại biểu Tạ Minh Tâm nêu rõ, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, các số liệu thể hiện kết quả còn thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá đến nay, hiệu quả của việc triển khai các nghị định chưa cao, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tương xứng với tiềm năng của ngành. Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 57/2018 đang lấy ý kiến các bộ, ngành cũng không có nhiều điểm mới tạo đột phá, thậm chí một số chính sách hỗ trợ bị thu hẹp.

Cần rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, về thu hút đầu tư tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Để hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để ngành nông nghiệp cất cánh, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị cần rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, về thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc qua đánh giá giữa kỳ, kịp thời thể chế các định hướng tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội, Nghị quyết số 26 của Chính phủ; sớm thiết kế, ban hành là có chính sách đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa theo yêu cầu Nghị quyết số 26 của Chính phủ.

Thứ hai, đẩy nhanh các đầu công việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết số 31 và các chương trình, dự án, đề án theo Quyết định 255 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, lồng ghép hiệu quả các nội dung cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cả trong xây dựng cơ chế và cả trong điều hành, tổ chức triển khai thực hiện 2 nội dung lớn này, tập trung ở các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển liên kết gắn với chuỗi giá trị, đầu tư hạ tầng thương mại logistics, quan tâm lồng ghép hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho 2 nội dung quan trọng này.

Quan tâm đến hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đại biểu Tạ Minh Tâm đề xuất, cần sớm ban hành chính sách theo hướng coi các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể, người dân, đầu tư công, quản trị công cộng, có cơ chế hiệu quả thúc đẩy và tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đánh giá, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp làm căn cứ điều chỉnh và hoàn thiện chính sách.

Để Việt Nam có vị trí cao trên bản đồ nông nghiệp thế giới, qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội đất nước, ngành nông nghiệp, các đại biểu nhấn mạnh, cần sớm hóa giải khó khăn, thách thức nội tại, coi trọng tâm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn là chìa khóa của thành công. Muốn vậy, rất cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp làm căn cứ điều chỉnh và hoàn thiện chính sách. Hoàn thiện và phát huy hiệu quả bộ tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ban hành theo Quyết định 255 năm của Thủ tướng Chính phủ.

Hải Yến